Tiết học của học sinh khóa hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai” của Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM. |
ThS Hồ Thanh Phương, giảng viên Khoa Điện - Điện tử (Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TPHCM), Trưởng ban Tổ chức khóa học trải nghiệm hè “Em là kỹ sư Điện - Điện tử tương lai” chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên Khoa Điện - Điện tử tổ chức chương trình này. Học sinh không phải đóng góp bất kỳ khoản nào trong quá trình theo học. Đặc biệt, tham gia khóa học sẽ tạo điều kiện để các em yêu thích lĩnh vực điện tử, lập trình, tự động hoá; tiếp xúc sớm và tìm hiểu thêm về ngành nghề mà bản thân dự định lựa chọn trong tương lai”.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1, TPHCM) chia sẻ, tham gia tìm hiểu, học tập ở các trường đại học trong hè là dịp để các em có nhiều trải nghiệm thú vị. Đây là cơ hội để học sinh tìm hiểu về trường đại học, ngành học mà các em đăng ký cũng như chương trình học cụ thể.
“Tôi cho rằng hoạt động trải nghiệm này rất bổ ích, từ đó giúp học sinh định hướng nghề nghiệp, ngành học sau khi tốt nghiệp. Sau quá trình trải nghiệm, các em sẽ biết ngành học, ngôi trường mình chọn trong tương lai thế nào, có thích hay không, môn nào sẽ thi vào… để từ đó điều chỉnh lại việc học tập của bản thân trong những năm tháng THPT còn lại”, thầy Phú cho hay.
Thầy Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh, TPHCM) cũng cho rằng, học sinh học trải nghiệm ở các trường đại học là hình thức hay trong công tác định hướng ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Chương trình GDPT 2018 chú trọng giáo dục định hướng nghề nghiệp nên đây là một trong những cơ hội để các em tiếp cận gần hơn với nghề nghiệp hay quá trình đào tạo.
Trong năm học, Trường THPT Gia Định cũng phối hợp với một số trường đại học trên địa bàn TPHCM tổ chức cho học sinh tham gia lớp học thử để trải nghiệm thực tế. “Khi tham gia trải nghiệm, học sinh hiểu hơn về quá trình học và nhận diện những khó khăn có thể đối mặt khi học đại học. Đồng thời, các em cảm nhận việc học có phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân hay không, từ đó xem xét để lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp phù hợp hơn”, thầy Khoa cho hay.
“Nhu cầu của học sinh được tham gia trải nghiệm trong dịp hè tại các trường đại học không ít. Tuy nhiên một số trường đại học chỉ tổ chức cho học sinh THPT đăng ký khóa trải nghiệm hè trực tiếp tại cơ sở nên nhiều em không nắm bắt được thông tin. Nếu cuối năm học, các trường đại học gửi thông báo đến trường THPT, giới thiệu chương trình, hoạt động, chắc chắn sẽ thu hút được nhiều học sinh tham gia”, thầy Tô Lâm Viễn Khoa đề xuất.