Theo thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, triển khai “Lớp học Google” cho học sinh khối 10, 11 thuộc lộ trình đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy học và quản trị của trường ở năm học này, hướng tới trang bị cho học sinh kỹ năng số.
Theo đó, giáo viên đứng lớp Google đều được tập huấn, có chứng chỉ giảng dạy và học sinh sẽ học mỗi tuần 2 tiết. Ngoài 2 phòng máy tính dành cho học sinh đang học tin học tự chọn MOS, nhà trường đã cải tạo 2 phòng chứa đồ để thành lập “Lớp học Google”. Các lớp học được trang bị 192 máy tính kết nối mạng Internet.
“Để triển khai lớp học này, ngay từ đầu năm học, trường đã trao đổi với cha mẹ học sinh, đặc biệt là khối 10 để có sự đồng thuận, lựa chọn. Điều đáng mừng, sau khi nhà trường thực hiện đề án tăng cường môn Tin học, 100% học sinh khối 10, 11 của trường đã học tin học tự chọn MOS hoặc Google ở 4 phòng máy. Nhà trường yêu cầu đối tác phải cam kết đầu ra, tức sau khoảng 2 năm theo học, các em sẽ thi và cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận tương đương”, thầy Tùng nói.
Đặc biệt, theo Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thiêm, khi học sinh được trang bị kỹ năng số đồng nghĩa thầy cô phải có kỹ năng trên để thích ứng, giúp thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của thầy, trò. Không chỉ học sinh mà giáo viên toàn trường đều được cung cấp tài khoản riêng để phục vụ việc học tập, giảng dạy, từ đó giúp công tác quản trị nhà trường cũng dễ dàng, thuận lợi.
“Nhà trường đã và đang tập huấn kỹ năng số theo chuẩn Google để thầy cô có thể thiết kế các tiết học trên nền tảng công nghệ, giảm tải công việc, dễ dàng quản lý tiết học, hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học đồng bộ. Với học sinh, việc mang thiết bị đến trường vẫn khiến phụ huynh, giáo viên lo lắng, sợ các em sử dụng thiết bị đó để làm việc riêng.
Với các “Lớp học Google”, thiết bị được đồng bộ hóa với hệ thống quản trị của nhà trường, do đó đảm bảo mọi trải nghiệm trong giờ học với thiết bị của học sinh là xuyên suốt và được kiểm soát”, thầy Tùng nói thêm.
Theo ông Đỗ Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc AI Education, trong bối cảnh công nghệ 4.0 hiện nay, nhiều ngành nghề, đặc biệt là các ngành kinh tế số đòi hỏi rất cao về kỹ năng hợp tác, năng lực số.
Như vậy, học sinh phải được trang bị từ sớm với hỗ trợ định hướng của giáo viên, để thuận lợi trong việc học, định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên, ông cho rằng việc dạy học với công nghệ số trong trường học vẫn còn rời rạc, thiếu đồng bộ ở nhiều nơi.
Thầy Nguyễn Phúc Huy Tùng cho biết: “Tháng 9/2023, nhà trường triển khai thẻ EDUSmartcard dùng để quản trị trong nhà trường. Thẻ này được trang bị đến toàn bộ học sinh và giáo viên để điểm danh khi đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường đang xây dựng ‘thư viện điện tử’ với cơ sở dữ liệu phong phú, giúp học sinh và giáo viên khai thác thông tin”.