Tôi nhanh chóng gạt tay học sinh nữ xuống để ngăn em đánh bạn và giữ thái độ điềm tĩnh thay vì quát tháo trước hành động đánh bạn: “Em bình tĩnh lại, ngồi về chỗ rồi nói cô xem chuyện gì xảy ra nào!”...
Sau khi ổn định lớp, tôi định gọi một trong hai em lên nói chuyện, nhưng nhớ lại câu nói vừa rồi của các bạn cùng lớp “bạn ấy có vấn đề đấy ạ” nên tôi quyết định hỏi chuyện bạn lớp trưởng:
- Cô muốn hỏi con về bạn nữ vừa nãy... Bình thường bạn ấy có hay thể hiện như vậy không?
- Thưa cô không ạ! Hồi lớp 6 thì bạn ấy cũng bình thường nhưng lên lớp 7 bạn ấy hay tức giận nhiều hơn.
- Kiểu như thế nào?
- Kiểu như hơi tí bực mình ấy cô.
- Có phải là khó kiểm soát cảm xúc?
- Vâng, đã thế mấy bạn trong lớp lại hay hùa vào trêu bạn hơn.
- Nhiều bạn trêu bạn ấy hay sao?
- Thật ra mỗi bạn N vừa nãy là trêu bạn ấy nhiều nhất, xong bạn ấy còn kéo thêm các bạn khác hùa vào trêu chọc bạn nữ nhiều hơn.
- Cô chủ nhiệm có biết không?
- Cô có biết ạ, cô cũng nói nó nhiều rồi, phạt các kiểu nhưng bạn ấy vẫn thế ạ.
- Em ấy không sợ cô chủ nhiệm à?
- Có sợ ạ, nhưng chỉ trong giờ cô thôi, còn những lúc không có cô bạn ấy vẫn trêu.
- Con thử nói với bạn nam ấy chưa? Có thể bạn bè nói nhau nó dễ nghe theo hơn.
- Dạ, con cũng nói mãi rồi nhưng bạn ấy không nghe ạ!
Trong đầu tôi hiện tại xuất hiện hai vấn đề khúc mắc: Bạn nữ trở nên thay đổi tính nết là do đâu? Và có điều gì đã xảy ra khiến bạn nam luôn chĩa mũi nhọn vào bạn nữ như vậy? Tôi gọi bạn nam vừa bị đánh lên nói chuyện:
- Chuyện vừa nãy là sao vậy con? Sao bạn lại tức giận với con đến thế?
- Dạ! Con chỉ nhắc bạn học thôi, con bảo bạn tại sao không học, cô nhắc cả lớp bỏ sách vở ra ôn mà bạn ấy lại ngồi không.
- Chỉ thế thôi?
- Vâng!
- Nếu chỉ thế thôi thì theo con tại sao bạn lại tức giận con đến thế?
- Con không biết! Nói rồi học sinh nam cúi gằm mặt, không giao tiếp mắt với tôi nữa.
- Bình thường mối quan hệ giữa con với bạn như thế nào? Hai đứa vẫn chơi với nhau bình thường chứ?
- Không ạ! Con ghét bạn ấy!
Hẳn là học sinh nam phải có vấn đề gì đó khúc mắc lắm mới không thể kìm được để phải thốt ra lời như vậy
- Bạn ấy đã làm gì để con ghét bạn ấy thế?
- Dạ! Thực ra, trước đây con với bạn ấy hay chơi với nhau, nhưng tại mẹ bạn ấy nói những câu mất dạy về con, những câu không ra gì về con nên con ghét bạn ấy!
- Nói những câu không ra gì về con? Tôi nhắc lại vẻ thông cảm và mặc dù em dùng từ ngữ không được “giữ ý” với cô, nhưng việc uốn nắn em về mặt từ ngữ ngay bây giờ không phải là phù hợp nên tôi coi như không nghe thấy.
- Vâng, mẹ bạn ấy nói con là cái thằng ẻo lả, nam không ra nam, nữ không ra nữ, con nhà vô giáo dục, nhìn mặt hãm, sau này chắc chẳng ra cái gì...
- Ôi! Nếu là cô chắc chắn cô cũng rất bực mình khi nghe ai đó nói về mình như thế! Thật sự bực mình! Dù có tức giận đến mấy cũng không được phép nói về con như vậy! Chắc mẹ bạn ấy đã hiểu lầm con điều gì chăng ?
- Hồi trước bọn con chơi thân với nhau lắm, vì nhà bọn con gần nhau. Nhưng có một hôm con sang nhà bạn chơi làm hỏng đồ của bạn…sau đó mẹ bạn nói con như vậy!
- Mẹ bạn nói thẳng với con sao ?
- Không ạ! Mẹ bạn nói với các bạn khác, sau đó các bạn nói lại với con.
Tôi thở dài theo tâm trạng của con:
- Chỉ vì việc trẻ con chơi với nhau mà mẹ bạn lại nói về con như vậy, cô không đồng tình chút nào! Có lẽ vì lý do đó mà con rất ghét bạn!
- Vâng! Con muốn trêu bạn cho mẹ bạn tức!
- Bạn có biết con trêu bạn vì mẹ bạn đã khiến con tức giận không?
- Không ạ! Thực ra con cũng không ghét bạn lắm.
Tôi lại thở dài:
- Khổ thân bạn ghê! Có lẽ bạn không biết con đã tức giận bạn vì mẹ bạn đã nói với con những điều tồi tệ như thế!
Im lặng. Tôi thấy bạn nam đang cúi gằm và môi mím chặt.
- Con có nghĩ bạn không thích bị con trêu nhiều như vậy không?
- Vâng!
Lúc này trống ra chơi vang lên, các bạn khác bắt đầu ồn ào cắt đứt câu chuyện của cô trò tôi, nhưng để kết thúc tôi vẫn nói với con:
- Cô mong là từ giờ hai đứa sẽ không trêu nhau nữa nhé!
- Vâng ạ!
Bước ra khỏi lớp, tôi vẫn cảm thấy phân vân vì chưa thể tìm được lý do vì sao bạn nữ kia đã có sự thay đổi về tâm sinh lý theo hướng tiêu cực quá như vậy. Tôi thực lòng muốn biết điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của em.
Tôi sẽ không gặp lại em trong năm học này nữa, nhưng tôi rất hy vọng, ít nhất thì mọi chuyện không hay giữa hai bạn sẽ kết thúc. Cũng có thể mọi chuyện không thể kết thúc một cách dễ dàng như vậy.
Để mọi chuyện được suôn sẻ, các em rất cần sự hỗ trợ lâu dài từ người lớn và trên hết các em luôn cần có người lắng nghe và thấu hiểu. Càng được lắng nghe nhiều hơn bạo lực học đường sẽ càng không có cơ hội để xuất hiện nữa.
Cô giáo Phan Thị Minh Thu vào ngành năm 2018. Là giáo viên giảng dạy bộ môn Mỹ thuật nhưng vì đam mê công tác tham vấn tâm lý cho học sinh, cũng như thấy được tầm quan trọng của giáo dục tâm lý học đường, cô đang theo học khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.