Trăn trở về ngành thạch học của một giáo sư địa chất

20/11/2023, 09:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GS.TSKH Phan Trường Thị sinh năm 1935 ở Bình Định, là một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam về thạch học.

Tài sản quý giá nhất trong hành trình thực địa là những cuốn sổ nhật ký ghi lại từng bước chân, là chiếc ba lô nặng trĩu những mẫu đất đá... Nhật ký địa chất hoàn toàn không phải là những trang ghi chép sự kiện, cảm xúc thông thường, mà là tài liệu khoa học ghi chép một cách quy phạm những thông tin địa chất ở tất cả các điểm lộ trên hành trình thực địa.

Nguyên tắc thực địa không cho phép nhà địa chất bỏ qua bất kì một chi tiết địa chất nào trên cuộc hành trình và tất cả đều phải thể hiện trong nhật ký. Điều đặc biệt, nhà địa chất chỉ được viết nhật ký bằng bút chì phòng khi cuốn sổ rơi xuống nước thì cũng không bị nhòe mực.

“Trang đầu tiên của cuốn sổ nào cũng luôn là địa chỉ của tác giả, để nếu không may bị rơi mà có người nhặt được thì họ có thể gửi trả lại giúp mình, phòng khả năng bị thất lạc”, GS Thị chia sẻ.

Từ vô số những điểm lộ trong các cuộc hành trình và thông tin trong nhật ký, các nhà địa chất sẽ kết nối, khái quát để hình thành nên bản đồ địa chất - được ví như biên niên sử của một vùng lãnh thổ, một quốc gia. Dựa vào bản đồ địa chất, sẽ nhận biết, dự đoán được vị trí mỏ khoáng sản, là căn cứ để quy hoạch trong xây dựng, dự báo và ứng phó với sự biến đổi môi trường...

Qua 23 cuốn nhật ký địa chất - một bằng chứng cho quá trình trèo đèo lội suối mà ông còn giữ lại được đã ghi chép lại hàng trăm cuộc đi nghiên cứu thực địa. Tiêu biểu có thể kể đến những chuyến đi nghiên cứu như: Lào Cai (1963), Nghệ An (1964, 1965 - 1970), Yên Bái (1968), Hòa Bình (1972), các tỉnh miền Trung (1987), Kon Tum (2001)…

Với GS.TSKH Phan Trường Thị và những nhà địa chất cùng thế hệ, một năm chỉ có hai mùa: Mùa đi thực địa và mùa làm việc tại văn phòng. Bước vào mùa khô, khi những cơn mưa hầu như không xuất hiện nhường chỗ cho cái rét cắt da, là thời gian lí tưởng để các nhà địa chất lên đường. Mỗi chuyến đi kéo dài vài tuần, thậm chí vài ba tháng.

Cuốn nhật ký địa chất GS Phan Trường Thị còn lưu giữ
Cuốn nhật ký địa chất GS Phan Trường Thị còn lưu giữ

Miệt mài viết sách ở tuổi gần 90

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, GS.TSKH Phan Trường Thị vẫn miệt mài nghiên cứu, viết sách, giảng dạy. Cứ mỗi lần ra cuốn sách mới, ông lại gọi điện cho tôi “khoe”, hỏi địa chỉ gửi tặng sách đến tận nhà. Tấm lòng nhà khoa học của ông lúc nào cũng rộng mở, hào sảng, chỉ mong được góp chút sức gì đó cho cuộc đời.

Năm 2021, ông ra mắt cuốn sách “Cẩm nang đá quý” là một trong những tài liệu quan trọng về đá quý và phong thủy. Ông chọn cách viết sách để giới thiệu cho độc giả những kiến thức cơ bản về các loại đá quý phổ biến và cách sử dụng chúng trong phong thủy để mang lại may mắn, tài lộc và sức khỏe cho gia chủ.

Ngoài ra, sách cũng đưa ra các lời khuyên về cách chọn và bảo quản đá quý, cách phối hợp màu sắc của đá quý để tạo nên sự cân bằng và hài hòa trong không gian sống. Tác giả cũng giải đáp những thắc mắc phổ biến của độc giả liên quan đến đá quý và phong thủy.

Cuốn sách rất thích hợp cho những người quan tâm đến đá quý và phong thủy, cũng như những người muốn tìm hiểu thêm về tài liệu này để có thể sử dụng đá quý một cách hiệu quả và mang lại nhiều may mắn cho cuộc sống của mình.

GS Phan Trường Thị trong một lần đi nghiên cứu thực địa.
GS Phan Trường Thị trong một lần đi nghiên cứu thực địa.

GS.TSKH Phan Trường Thị còn đào tạo nên nhiều lớp cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trên lĩnh vực địa chất, cùng với các giáo trình bài giảng đầy ắp kiến thức, tâm huyết của người thầy. Giờ đây, đã qua tuổi nghỉ hưu, nhưng ông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Với vai trò là Viện trưởng Viện Đá quý - Vàng và Trang sức Việt, ông vẫn hàng ngày làm việc, giảng dạy cho các thế hệ học trò...

Điều ông trăn trở suốt cả cuộc đời làm khoa học là tài nguyên đá quý ở Việt Nam đã không được khai thác và sử dụng đúng cách. Trữ lượng đá quý như ruby, saphia, mã não, thạch anh… rất lớn, phân bố nhiều nơi.

Với trữ lượng lớn, chất lượng tốt như thế, đáng lẽ Việt Nam có thể phát triển thành một ngành công nghiệp đá quý không thua kém gì Myanmar. Thế nhưng, khâu quản lý tài nguyên còn quá yếu kém, không có chiến lược, không bài bản.

Đáng lẽ phải khai thác một cách khoa học thì tài nguyên đá quý lại bị khai thác theo kiểu “hái lượm”, mạnh ai người ấy đào, mạnh ai người ấy tìm. Bởi thế, tài nguyên đá quý không đóng góp được gì cho sự phát triển chung của xã hội mà chỉ phục vụ cho mục đích làm giàu của một số người.

Dù đã gặt hái rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu, song đến khi nghỉ hưu, GS.TSKH Phan Trường Thị không giấu được nỗi buồn: “Tôi có nhiều học trò và có những người đã thành đạt. Nhưng tôi lại không có được những người học trò đi theo chuyên môn sâu của mình.

Những ý tưởng tôi đưa ra, từ Thạch học mô tả đến Thạch luận, học trò đều thích thú nghe nhưng họ không muốn đi sâu nghiên cứu vì nhiều lý do khác nhau. Ngày nay, không có nhiều người đi theo hướng nghiên cứu chuyên sâu về Thạch học để trở thành chuyên gia.

Lý do đơn giản là Thạch học chưa có vị trí trong thực tiễn cuộc sống hiện tại ở đất nước ta. Lớp trẻ đang chạy theo những ngành nghiên cứu ứng dụng để làm kinh tế. Các ngành nghiên cứu cơ bản như Thạch học trong địa chất cũng ít dần người theo học”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tran-tro-ve-nganh-thach-hoc-cua-mot-giao-su-dia-chat-post661216.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tran-tro-ve-nganh-thach-hoc-cua-mot-giao-su-dia-chat-post661216.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trăn trở về ngành thạch học của một giáo sư địa chất