- Hơn 2 năm qua, ngành GD-ĐT do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. PGS đánh giá như thế nào về ứng phó của ngành Giáo dục trước đại dịch?
- Đúng là ngành Giáo dục và các thầy, cô giáo, học sinh gặp không ít khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, toàn ngành Giáo dục đã nhanh chóng thích ứng, chủ động linh hoạt sang hình thức dạy – học trực tuyến, dạy qua truyền hình… để cho học sinh được học tập, không bị đứt gãy kiến thức.
Tôi được biết, ngành Giáo dục đã phát triển Kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành với gần 5.000 bài giảng E-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông. Qua đó cho thấy, sự chủ động của ngành trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy – học.
- Theo PGS, để giáo dục đạt được kết quả tốt cần chú ý đến những yếu tố nào?
- Đối với giáo dục, “không thầy đố mày làm nên”. Ở đây muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người thầy. Thầy tốt thì mới có thể dạy học sinh tốt. Đó là yếu tố đầu tiên và rất quan trọng. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên cần được chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng để họ thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người” mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, ủy thác.
Yếu tố thứ hai là điều kiện để thầy - trò dạy tốt, học tốt. Đó là cơ sở vật chất, trong đó bao gồm cả trường, trang thiết bị và điều kiện lương bổng đối với giáo viên. Làm sao để tất cả ngày càng tốt lên. Cuối cùng, nhà trường, giáo viên và gia đình cùng chung tay chăm lo, giáo dục học sinh trở thành người tử tế. Đó là 3 yếu tố quan trọng mà chúng ta cần quan tâm làm tốt để giáo dục mới “đơm hoa kết trái”.
- Muốn vậy, mỗi giáo viên cần phải làm gì, thưa PGS?
- Có hai nghề được gọi là thầy. Đó là, thầy giáo và thầy thuốc. Mỗi nhà giáo tự thẩm thấu và thấm thía chữ thầy rất thiêng liêng và đáng kính. Vì thế, thầy giáo phải là người có trí tuệ để có thể dạy học sinh, giúp các em có kiến thức vững vàng, phát huy được năng lực cá nhân để tự tin làm chủ cuộc sống. Thứ nữa, tư cách, phẩm chất của người thầy phải trung thực, không vụ lợi hay nặng về thành tích và cần lấy học sinh làm trung tâm. Phải đem hết sức mình để dạy chữ, dạy người cho trò.
Tôi cũng là nhà giáo và từng đứng trên bục giảng nên tôi hiểu, điều mà các thầy, cô giáo tự hào nhất là đã làm tròn nhiệm vụ “trồng người”. Đó là những học trò trở thành người tử tế, trưởng thành trong xã hội và luôn nhớ đến người đã đưa mình đến bến bờ tri thức. Tôi từng đi dạy từ năm 1950. Đến nay, đã hơn 70 năm trong ngành Giáo dục nhưng những học trò của tôi ngày xưa, từ tiểu học đến đại học vẫn nhớ và đến thăm hỏi, chúc mừng tôi nhân Ngày 20/11 hay lễ tết. Đó là niềm tự hào của tôi. Tôi tin, bất kỳ một nhà giáo nào cũng có cảm nhận như vậy.
- Xin cảm ơn PGS!
Một nền giáo dục tiến bộ là phải có chất lượng, không nặng về hình thức và thành tích. Chất lượng là điều vô cùng quan trọng. Điều đó thể hiện bằng học tập và phẩm chất, năng lực của học sinh và sự chuyên nghiệp của người thầy” – PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh.