Tránh vết xe đổ khi đào tạo giáo viên tích hợp

Hải Minh | 13/03/2023, 06:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo tính toán của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, từ nay đến năm 2026, cả nước cần bổ sung hơn 65 nghìn giáo viên.

Tránh vết xe đổ khi đào tạo giáo viên tích hợp ảnh 1
Ảnh minh họa Internet.

Để không thừa thiếu cục bộ

Hiện, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chưa thiết kế riêng chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy môn Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Tuy nhiên, sinh viên các ngành Khoa học Tự nhiên (Toán, Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý…) có thể đăng ký học thêm học phần đáp ứng yêu cầu về dạy học tích hợp. Khi ra trường, các em có thể dạy môn trên theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay, năm nay, trường bắt đầu làm đề án để trình Bộ GD&ĐT. Nếu được phê duyệt, có thể năm tới, nhà trường sẽ tuyển sinh đào tạo ngành Sư phạm Khoa học Tự nhiên và Lịch sử - Địa lý. Tất nhiên, việc mở ngành và chỉ tiêu được tính toán, bảo đảm phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu thực tiễn. Có thể nhà trường sẽ đào tạo theo đặt hàng của các địa phương, hoặc đào tạo gắn với nhu cầu thực tế.

Nhấn mạnh, nhiều địa phương chưa đủ về số lượng giáo viên chứ chưa nói chất lượng, bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – nhìn nhận, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là, làm sao có đủ số lượng và chất lượng giáo viên để dạy học theo Chương trình GDPT 2018. Để giải quyết bài toán này, trong những năm tới, cần thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp.

Theo đó, về lâu dài, cần mở thêm mã ngành và bổ sung nguồn tuyển sinh cho cơ sở đào tạo giáo viên, nhất là những môn mới, môn tích hợp. Muốn vậy, cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về đấu thầu, đặt hàng, định mức, cơ chế quản lý trong triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động đặt hàng đào tạo giáo viên theo yêu cầu.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - phân tích, ở cấp THCS có môn Khoa học Tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý. Do đó, chỉ tiêu đào tạo sẽ khác so với các ngành sư phạm khác. Vì vậy, việc đào tạo như thế nào? Chỉ tiêu bao nhiêu cần tính toán kỹ lưỡng và phải dựa trên dự báo nhu cầu nhân lực của các địa phương.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, không nên đào tạo tràn lan, mạnh ai nấy làm dẫn đến tình trạng chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa vẫn thừa. Nếu không khoa học, vô hình trung có thể lặp lại vết xe: Thừa thiếu giáo viên cục bộ. “Giải pháp tốt nhất là đào tạo theo địa chỉ. Nghĩa là, các địa phương cần chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo giáo viên về số lượng và chất lượng theo nhu cầu thực tiễn” - TS Nguyễn Tùng Lâm khuyến nghị.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các địa phương cần xây dựng Chiến lược phát triển đội ngũ giáo viên phù hợp với Chiến lược phát triển giáo dục, giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, rà soát để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng của địa phương để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/tranh-vet-xe-do-khi-dao-tao-giao-vien-tich-hop-post629576.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/tranh-vet-xe-do-khi-dao-tao-giao-vien-tich-hop-post629576.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tránh vết xe đổ khi đào tạo giáo viên tích hợp