Sở hữu IELTS 5.5 trở lên, học sinh sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào nhiều trường THPT "hot" ngoài công lập ở Hà Nội, thậm chí còn được nhận học bổng. Ảnh minh họa
Hệ thống giáo dục Lômônôxốp cho biết, học sinh có một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế của Cambridge: IELTS (5.5 trở lên), PET hoặc FCE (từ 160 điểm trở lên) tương đương trình độ B2 theo khung tham chiếu châu Âu về ngôn ngữ (CEFR) và điểm trung bình các môn Toán, Ngữ văn, Anh văn năm lớp 6, 7, 8, 9 đều đạt từ 7.0 trở lên, sẽ được tuyển thẳng năm học 2023-2024.
Không chỉ Hà Nội, nhiều trường học ở các tỉnh, thành phố khác cũng sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển thẳng hoặc ưu tiên vào lớp 6 và lớp 10. Sở GD&ĐT Quảng Trị miễn thi và tính điểm 10 tiếng Anh chung cho học sinh thi vào lớp 10 có IELTS từ 4.0 hoặc tương đương.
Từ năm 2021, việc tuyển sinh vào lớp 6 tăng cường tiếng Anh của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM mở rộng hơn, xét học sinh đạt chứng chỉ A2 trở lên theo khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu hoặc chứng chỉ Cambridge Flyer từ 10/15 khiên trở lên; hoặc TOEFL Primary Step 2 từ 3/5 huy hiệu trở lên.
Tỉnh Nghệ An xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.0 trở lên hoặc tương đương vào lớp 10 công lập. Học sinh tiểu học ở tỉnh này có IELTS 4.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương được xem xét tuyển thẳng vào Trường THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh)...
"Hãy đầu tư vào ngoại ngữ hiếm"
Chia sẻ với báo chí, PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, trào lưu xét tuyển thẳng học sinh THPT qua chứng chỉ IELTS có thể xuất phát từ nhận thức tích cực của một số phụ huynh, nhà trường muốn hướng con mình, học sinh của mình đến năng lực công dân toàn cầu, mà một trong những tiêu chí đó chính là ngoại ngữ.
Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, chúng ta thấy "mong muốn con trở thành công dân toàn cầu" ấy dường như bị "chủ nghĩa thành tích" làm cho sai lệch đi. Ở khối đại học, các trường đại học có thể có nhiều phương thức tuyển sinh như xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... Với phương thức thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tuyển, có thí sinh cảm thấy kỳ thi quá căng thẳng, áp lực, không dám đối diện và thường thì các em này sẽ đi tìm con đường khác để vào đại học dựa trên phát huy năng lực cá nhân, trong đó có ngoại ngữ.
Sau đó, giống như trở thành một trào lưu, một số trường phổ thông cũng dựa vào năng lực ngoại ngữ như một tiêu chí để được ưu tiên, xếp "lớp chọn". Nhất là khi có một số trường THPT hay thậm chí là trường THCS cho phép tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS.
PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, nếu để phụ huynh, gia đình đua nhau đầu tư cho con học ngoại ngữ với mục đích nhằm có ưu thế hơn trong "cuộc đua" tuyển sinh thì đây lại là một sự "biến tướng". Ngoại ngữ phải là năng lực thực sự thì đứa trẻ đó sau này mới trở thành công dân toàn cầu thực sự. Nhiều người chỉ vì cơ hội học tập tốt hơn cho con nên dồn ép con đi học luyện, học vì điểm số, học cấp tốc,... trong khi bản chất của việc học luyện này cũng không khác gì chuyện chỉ dùng một số mẹo để đạt được điểm số yêu cầu mà điểm số đó lại không phản ánh đầy đủ năng lực của học sinh.
Nhắn nhủ tới các bậc phụ huynh, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết: "Đừng chỉ chạy theo IELTS, khi một ngày xã hội hướng đến "phổ cập" IELTS thì năng lực ngoại ngữ của các con sẽ gần như "bằng 0", hãy đầu tư vào ngoại ngữ hiếm - thị trường nhỏ và máy móc chưa hướng đến thì các con mới có thêm cơ hội khẳng định được vị thế của mình. Đặc biệt, phải chú trọng đến "học thật" - học chất lượng, chứ không phải sử dụng những chiêu trò, lợi dụng "lỗ hổng" để có điểm số cao, khi ấy, tấm bằng hay chứng chỉ cầm trên tay cũng chỉ như một chiếc áo hay chiếc mặt nạ bên ngoài, còn năng lực bên trong vẫn kém".