Thứ ba, vẫn theo Bộ trưởng Dung, là quyền lợi khi rút rất cao, cá nhân đóng 8% nhưng được hưởng toàn bộ phần đóng của Nhà nước và doanh nghiệp. Thực ra phần đóng của nhà nước và doanh nghiệp cũng là cho NLĐ. Nhiều trường hợp có khi chưa muốn rút nhưng thấy lợi ích tốt nên rút, sau đó quay lại.
Hiện khoảng 1/3 số người rút quay trở lại tiếp tục tham gia đóng BH. Thời gian qua, việc tổ chức tuyên truyền chưa tốt. Hà Nội cứ 10 người đi rút thì vận động được sáu người không rút nữa.
“Tôi cũng vào một số doanh nghiệp ở TP.HCM và Đồng Nai thì thấy khi công nhân đến, nếu chúng ta tuyên truyền vận động thì có một tỷ lệ không rút nữa”, Bộ trưởng Dung cho hay.
Giải pháp phải tính toán căn cơ là NLĐ tưởng rằng sẽ không được hưởng quyền lợi như hiện nay nên một bộ phận tranh thủ rút BHXH một lần.
“Tinh thần sửa luật BHXH lần này là không hạn chế quyền mà tăng quyền lợi, còn cách xử lý thế nào kỳ họp tới QH sẽ bàn các phương án xử lý làm sao hiệu quả nhất”, Bộ trưởng Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của Quốc hội. Ảnh: QH
Luật phải ổn định để NLĐ an tâm
Giơ biển tranh luận, ĐB Thúy cho biết bà và các ngành có liên quan sẽ tiếp thu ý kiến của Bộ trưởng liên quan đến công tác tuyên truyền để điều chỉnh thời gian tới. Mặt khác, bà Thúy cho rằng mong muốn của NLĐ là chính sách BHXH nhất quán, ổn định lâu dài.
“Tuy nhiên, 10 năm sửa luật chúng ta lại có phương án về chính sách dành cho BHXH khác đi dẫn đến sự không an tâm của NLĐ đối với việc tham gia vào BHXH. Người ta phải tính toán lợi ích của việc rút BH một lần rồi tham gia lại như thế nào. Bộ trưởng trả lời sẽ sửa luật theo hướng tăng quyền lợi, không hạn chế quyền lợi, vậy sẽ tăng theo hướng nào?”, ĐB Thúy tranh luận.
Bộ trưởng Dung cho rằng: “Khi phân tích về nguyên nhân rút BHXH một lần, tôi có nói quan trọng nhất là làm sao cải thiện được đời sống, thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho NLĐ. Trong các hạn chế, tôi nói chúng ta chưa quan tâm đầy đủ công tác thông tin tuyên truyền cho NLĐ. Nếu làm tốt công tác này thì thời gian qua không đến mức thế này. Đó là trách nhiệm của các cơ quan liên quan”.
Về việc sửa luật BHXH, Bộ trưởng Dung nói chắc chắn phải tính một cách tổng thể các chính sách liên quan đến BH. Ví dụ, NLĐ hiện nay nếu tiếp tục đóng 20 năm thì không chờ đợi được, nhất là những ngành như dệt may nếu kéo dài nam đủ 20 năm đủ 62 tuổi thì khó, nữ cũng khó.
Liên quan đến giảm số năm đóng BHXH, Bộ trưởng Dung bày tỏ quan điểm là giảm đến 15 năm, tiến tới có thể 10 năm theo thông lệ quốc tế. Khi đóng BHXH ngắn, đóng ít khi về hưu hưởng ít, phải chấp nhận điều đó.
Bộ trưởng cũng đề cập nguyên tắc chia sẻ và nguyên tắc bình đẳng, đóng hưởng là nguyên tắc hàng đầu. Về rút BHXH một lần, Bộ trưởng cho biết cơ quan chức năng đã bàn nhiều, đưa ra nhiều phương án khác nhau. Bây giờ dừng rút BHXH một lần là vấn đề rất khó khăn.
“Tôi xin nói theo điều 60, chúng ta đưa ra các điều kiện thế nào thì được rút. Quốc tế cũng đi theo hướng đó. Trường hợp nào được rút, rút thế nào, mức ra sao, Quốc hội kỳ họp sau sẽ quyết định chứ cá nhân Bộ trưởng không quyết định được”, Bộ trưởng Dung nói.