Đánh giá khó khăn lớn nhất của học sinh dân tộc thiểu số là tiếng Việt, bởi vậy Trường Tiểu học số 1 Mường Mươn (huyện Mường Chà) đã tổ chức cho giáo viên xây dựng lộ trình giúp học sinh hoàn thành các yêu cầu cần đạt của chương trình môn học này. Nhiều cuộc hội thảo, sinh hoạt chuyên môn liên trường và trong từng tổ chuyên môn được tổ chức để giáo viên cùng nhau nghiên cứu, thảo luận.
Cô Phạm Thị Định chia sẻ: Từ những cuộc sinh hoạt như thế đã phát huy được ý kiến tập thể để cùng nhau xây dựng lộ trình tổ chức các hoạt động giáo dục. Căn cứ vào các yêu cầu cần đạt của môn học theo từng kì, giáo viên tiếp tục tự rà soát thực trạng chất lượng học sinh của lớp mình đảm nhiệm rồi đối chiếu. Trên cơ sở này, mỗi người sẽ xây dựng và đăng kí thực hiện lộ trình đạt chuẩn đầu ra.
Theo cô Lò Thị Phanh, Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Vàng Đán (huyện Nậm Pồ), sau 1 năm đầu triển khai đã giúp mỗi giáo viên tự đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Ngay từ đầu năm học thứ 2, những chia sẻ, sáng kiến hay được trao đổi rộng rãi đã giúp các giáo viên tự tin hơn.
“Điều thấy rõ nhất là giáo viên sử dụng thành thạo và phát huy tối đa những lợi ích của công nghệ thông tin trong giảng dạy. Những thiết bị, công cụ còn thiếu sẽ được thay thế bằng Internet. Đối với các điểm trường chưa có mạng hoặc hệ thống đường truyền không đảm bảo, thì mỗi cuối tuần giáo viên về trung tâm sẽ sưu tập và tích trữ học liệu cho cả tuần”, cô Phanh chia sẻ.
Bởi vậy nên theo cô Phanh, một giờ lên lớp hiện nay không còn gói gọn là bảng đen, phấn trắng và giáo án nữa, mà các thầy cô đã sử dụng đa dạng nguồn học liệu hấp dẫn khác. Những ví dụ, câu chuyện minh họa từ thực tế vừa kích thích học sinh hứng thú với tiết học lại vừa giúp phát triển tư duy, khả năng sáng tạo của mỗi em.
Để có lộ trình, phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả tốt nhất, ngay từ đầu năm học, cô Bùi Thị Huê lại chủ động thực hiện những bài test dành cho học sinh. Trên cơ sở đó, cô Huê phân loại và áp dụng hình thức giảng dạy phù hợp với từng nhóm đối tượng.
“Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động trong giờ học, thì người giáo viên còn có nhiệm vụ quan sát, ghi nhận những em chưa hiểu bài hoặc chưa tiếp cận được với kiến thức mới để lên kế hoạch hướng dẫn, bổ sung ngay. Quan trọng là dạy cho các em phương pháp để tiếp cận với kiến thức. Khi đã nắm bắt được thì các em cũng dễ dàng hiểu bài, biết cách vận dụng nên nhớ lâu hơn”, cô Huê phân tích.
Thêm nhiều trường đẹp
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song để triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT mới, Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Mường Nhà (huyện Điện Biên) đã xác định rõ cơ sở vật chất phục vụ dạy và học cũng đóng vai trò hết sức quan trọng.
Trường hiện có gần 700 học sinh, với 96,6% là con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Thầy Tường Duy Trung, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: Muốn tổ chức bất cứ hoạt động nào hiệu quả thì trước tiên phải có học sinh đi học chuyên cần. Và trường đẹp, điều kiện ăn ở sinh hoạt tốt sẽ là yếu tố đầu tiên thu hút học sinh.
“Trên thực tế thì kinh phí được cấp hết sức hạn hẹp, nên để có nguồn lực đầu tư về diện mạo, trang thiết bị cho trường lớp thì buộc chúng tôi phải làm tốt công tác xã hội hóa. Muốn vậy, trước tiên phải đẩy mạnh truyền thông để tạo sự đồng thuận từ phụ huynh, chính quyền và các nhà hảo tâm”, thầy Trung cho hay.
Với sự ủng hộ về sức người, sức của, đầu năm 2022 vừa qua dãy nhà 4 phòng rộng rãi, thoáng mát, khang trang đã hoàn thành. Nhà trường sắp xếp, bố trí làm phòng học bộ môn, thay thế phòng cũ ẩm mốc và bổ sung công năng sử dụng để phát huy tối đa hiệu quả.
Còn tại thành phố Điện Biên Phủ, Phòng GD&ĐT đã tham mưu chính quyền địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhằm đáp ứng theo yêu cầu chương trình mới.
Từ đầu năm đến nay, địa phương này đã giải ngân trên 14 tỷ đồng dành để đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường. “Ban giám hiệu mỗi nhà trường cũng ý thức được điều này nên cũng chú trọng tạo dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp để thu hút và giúp học sinh có hứng thú đến trường, đến lớp và tham gia tích cực vào các hoạt động giáo dục. Từ đó góp phần tối ưu hóa các giải pháp để triển khai hiệu quả nhất chương trình mới”, bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố chia sẻ.