Triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh tại miền Trung

Nam Phong | 13/09/2023, 07:02
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra sáng 12/9 tại Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại thành phố Đà Nẵng năm 2023, ngày 12/9, Samsung Việt Nam phối hợp cùng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương và Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng và Khu vực miền Trung. 

da-nang-1-.jpg
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Dự án phát triển nhà máy thông minh cho doanh nghiệp Việt Nam vừa diễn ra sáng 12/9 tại Đà Nẵng.

Theo biên bản ghi nhớ, các hoạt động được tiến hành trong quá trình hợp tác bao gồm: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách các doanh nghiệp địa phương tiềm năng cho dự án; Thực hiện tổ chức các chuyến làm việc và đánh giá sơ bộ tại nhà máy; Lựa chọn doanh nghiệp và nhân lực phù hợp tham gia Dự án thông qua việc khảo sát và phỏng vấn; Thực hiện các khóa đào tạo và tư vấn thiết lập nhà máy thông minh.

Trong đó, chương trình tư vấn thiết lập nhà máy thông minh sẽ kéo dài trong 12 tuần bao gồm đào tạo lý thuyết và tư vấn trực tiếp tại mỗi doanh nghiệp.

Trong thời gian này, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp và trực tiếp tư vấn, làm việc cùng doanh nghiệp nhằm cải tiến hiện trường và tạo nền tảng cải tiến công đoạn, từ đó dần thiết lập nhà máy thông minh.

da-nang-3-.jpg
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương: “Một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.

Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ”.

da-nang-4-.jpg
Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng cho biết: “Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số đã đưa sự hợp tác và phát triển của các quốc gia trên thế giới lên một cấp độ hoàn toàn mới.

Trên cơ sở các hiệp định hợp tác song phương và đa phương về kinh tế thương mại, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Trong những năm qua, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ để cùng với công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin trở thành ba trụ cột phát triển ngành công nghiệp thành phố”.

da-nang-2-.jpg
Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam

“Buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công thương và thành phố Đà nẵng ngày hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện việc cam kết mở rộng hỗ trợ dự án xây dựng nhà máy thông minh tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Trên nền tảng là triết lý kinh doanh đồng thịnh vượng, trong thời gian tới, Samsung Việt Nam cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với chính phủ và các các cơ quan hữu quan của Việt Nam, mở rộng các hoạt động đào tạo công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, và đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình phát triển trở thành các doanh nghiệp vững mạnh với năng lực cạnh tranh tiêu chuẩn toàn cầu” - ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam - chia sẻ về ý nghĩa dự án.

Trước khi triển khai tại khu vực miền Trung, từ năm 2022, dự án phát triển nhà máy thông minh đã được triển khai tại 5 tỉnh thành khu vực phía Bắc và 4 tỉnh thành khu vực phía Nam, góp phần hỗ trợ đào tạo 87 chuyên gia về lĩnh vực nhà máy thông minh tại Việt Nam và tư vấn phát triển nhà máy thông minh cho 38 doanh nghiệp trên cả nước.

Sau quá trình hỗ trợ, các doanh nghiệp đã được trang bị kiến thức và cách thức để triển khai hiệu quả dự án chuyển đổi số hướng tới phát triển nhà máy thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh để sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bài liên quan
Đà Nẵng khởi công đường ven biển kết nối cảng Liên Chiểu
Đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư hơn 1.203 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương (500 tỷ đồng) và ngân sách thành phố. Thời gian dự kiến hoàn thành đưa công trình vào sử dụng trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai dự án phát triển nhà máy thông minh tại miền Trung