Triển khai môn học mới với lớp 3, 7 và 10: Đừng để cho có!

Hiếu Nguyễn - Đức Trí | 26/03/2022, 14:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Từ năm học 2022 - 2023, Ngoại ngữ, Tin học sẽ trở thành môn bắt buộc thay vì là tự chọn như trước đây. Nghệ thuật cũng lần đầu tiên trở thành môn học trong chương trình lớp 10.

Tiết học Tiếng Anh của cô trò Trường PTDTBT Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: TGTiết học Tiếng Anh của cô trò Trường PTDTBT Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: TG

Đây là những điểm mới cần sự chuẩn bị từ sớm, quyết liệt và trách nhiệm của các địa phương, nhà trường.

Sẵn sàng triển khai

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết: Việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc đối với lớp 3 theo Chương trình GDPT mới đã cơ bản sẵn sàng.

Ông Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh việc các nhà trường cần xây dựng kế hoạch triển khai dạy môn Nghệ thuật trong 3 - 5 năm để có đủ giáo viên. Với nhà xuất bản phát hành sách giáo khoa cần làm nguồn học liệu điện tử đầy đủ để hỗ trợ giáo viên, học sinh, đặc biệt là giúp học sinh có thể tự học.

Do Tiếng Anh, Tin học được hầu hết các trường triển khai từ lớp 1 nên cơ sở vật chất, phòng học chức năng, máy tính… đều trang bị tương đối đầy đủ. Đây sẽ là nền tảng, tiền đề vững chắc để các trường tiếp tục triển khai 2 môn học bắt buộc này ở khối 3.

Về đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học, các trường tiểu học của quận Hà Đông có đủ mỗi bộ môn/1 giáo viên. Như vậy sẽ bảo đảm việc triển khai 2 môn học này từ đầu năm học với đầy đủ cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên.

Tuy nhiên theo bà Hằng, Chương trình GDPT mới sẽ dạy 4 tiết Tiếng Anh/tuần (so với chương trình cũ 2 tiết/tuần), về lâu dài để “phủ” đủ giáo viên dạy Tiếng Anh cho khối 4 - 5, ngành vẫn cần tuyển bổ sung giáo viên cho những năm học tới.

Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) cũng khẳng định đã chuẩn bị cơ bản điều kiện triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với học sinh lớp 3 từ năm học tới.

Theo ông Giáp, hiện giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học toàn ngành Giáo dục địa phương dư thừa với gần 600 người/243 trường tiểu học; trình độ cơ bản đều đại học. Với giáo viên Tin học thiếu khoảng 10 chỉ tiêu sẽ bảo đảm tỷ lệ 1 giáo viên/trường.

“Ngành Giáo dục Bắc Giang đã có lộ trình chuẩn bị cho việc triển khai môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc ở lớp 3 năm học 2022 - 2023 từ nhiều năm trước. Thời gian tới tiếp tục tuyển dụng để đảm bảo tỷ lệ 2,3 - 2,4 giáo viên Tiếng Anh/trường; giáo viên Tin học cũng sẽ “phủ” đủ mỗi trường 1 giáo viên. Đồng thời xây dựng các phòng học chức năng ngoại ngữ, tin học để bảo đảm điều kiện triển khai 2 môn học này theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018…”, ông Giáp trao đổi.

Với ngành Giáo dục Yên Bình (Yên Bái) ở thời điểm hiện tại cũng bảo đảm được 1/3 giáo viên Tin học theo nhu cầu. Tuy nhiên, trong tháng 7 tiếp tục tuyển dụng bổ sung 10 biên chế. Cùng đó Sở GD&ĐT Yên Bái đã có kế hoạch cử giáo viên Toán, Toán - Tin, Lý - Tin… bồi dưỡng để bổ sung thêm số lượng giáo viên Tin học sẽ dạy lớp 3, lớp 7 năm học tới.

Với đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, ngành Giáo dục Yên Bình liên tiếp tuyển dụng bổ sung những năm qua. Năm học 2022 - 2023 ngành bảo đảm tối thiểu 1 giáo viên/trường.

Còn thiếu số ít giáo viên Tiếng Anh, Tin học, ngành Giáo dục đã hướng dẫn các trường hợp đồng giáo viên trung tâm ngoại ngữ, giáo viên về hưu (đáp ứng yêu cầu chuyên môn) để thỉnh giảng; Huy động giáo viên trong cùng địa bàn dạy liên trường…

Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình, cho biết thêm, về cơ sở vật chất, địa phương đã đầu tư cho các trường tiểu học một số phòng học chuyên dụng, máy móc để bảo đảm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Mặt khác, quá trình xây dựng nông thôn mới trường học của huyện cũng có nhiều hạng mục được đầu tư theo... Đây sẽ là nền tảng cơ sở vật chất quan trọng để triển khai 2 môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc hiệu quả bên cạnh đội ngũ giáo viên đã cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng.

Học Tiếng Anh cùng giáo viên nước ngoài tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: TG

Không để khó khăn thành rào cản

Tỉnh Lào Cai đã nỗ lực tuyển dụng bổ sung giáo viên Tiếng Anh, Tin học còn thiếu để triển khai 2 môn học mới ở lớp 3 năm học tới, song không thể lập tức “lấp” đủ.

Theo ông Mạc Trọng Khang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT Lào Cai, vì nhiều nguyên nhân khiến cho việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học gặp khó. Trước hết, sinh viên ngoại ngữ, tin học được đào tạo chuẩn, có chuyên môn thường chọn làm việc cho các trung tâm ngoại ngữ, ngành du lịch, công ty, tập đoàn vì có mức lương cao hơn ngành Giáo dục.

Mặt khác, một bộ phận sinh viên có chuyên môn Tiếng Anh, Tin học mới ra trường thường có tâm lý e ngại công tác ở trường vùng xa, khó khăn. Trong khi đó, với các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học nếu thiếu thì giáo viên văn hóa cũng không thể dạy thay thế…

Để tháo gỡ khó khăn hiện tại về đội ngũ với giáo viên 2 môn Tiếng Anh, Tin học, ngành Giáo dục Lào Cai đã đưa ra một số giải pháp như: Bố trí giáo viên Tiếng Anh phục vụ tối đa chuyên môn, không kiêm nhiệm. Như vậy, giáo viên sẽ có nhiều thời gian để tập trung vào công việc.

Cùng đó, đẩy mạnh giáo viên Tiếng Anh các cấp hỗ trợ nhau. Giáo viên THCS cùng địa bàn xuống dạy hỗ trợ trường tiểu học để đủ số lượng giáo viên đứng lớp. Những giáo viên được huy động giảng dạy hỗ trợ đều phải đảm bảo trình độ đại học, chuyên môn tốt...

Ngành cũng đẩy mạnh phong trào trường giúp trường, phòng giúp phòng, giáo viên giúp giáo viên… trong dạy học ngoại ngữ theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Ngành Giáo dục quận Hà Đông (Hà Nội) cũng sẵn sàng phương án cho các trường chủ động hợp đồng giáo viên Tiếng Anh, Tin học nếu giáo viên ở các trường chuyển việc, nghỉ chế độ… Bà Phạm Thị Lệ Hằng bày tỏ: “Nếu ở một số địa phương việc hợp đồng giáo viên Tin học, Ngoại ngữ khó khăn thì tại Hà Nội nguồn tuyển dồi dào, bảo đảm cả chất lượng và số lượng. Việc hợp đồng giáo viên bù vào chỗ trống không đáng lo ngại”.

Ông Hà Huy Giáp cũng cho biết, việc tháo gỡ thiếu giáo viên Tin học của ngành đầy khả quan: Với trường gần nhau thì huy động giáo viên dạy liên trường. Giáo viên THPT, THCS dạy hỗ trợ trường tiểu học. Ngoài ra, các trường tiểu học có thể hợp đồng bên ngoài theo nhu cầu để đáp ứng đủ giáo viên đứng lớp.

Mặt khác, với trường có nhiều điểm lẻ nhưng ít học sinh lớp 3/điểm sẽ thực hiện dồn học sinh về học trường chính, hoặc dồn học sinh lớp 3 ở các điểm lẻ về điểm trung tâm nhất. Như vậy không chỉ “gỡ” được vấn đề thiếu giáo viên, mà còn bảo đảm cả về cơ sở vật chất phòng lớp học khi triển khai môn học.

Trong quá trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy môn Nghệ thuật lớp 10 năm học tới, ông Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Ninh Bình), chia sẻ: Bộ GD&ĐT mới đây đã có công văn hướng dẫn địa phương lấy giáo viên THCS để hỗ trợ dạy học môn Nghệ thuật ở THPT nên có cơ sở để triển khai tháo gỡ.

Tuy nhiên, việc trưng dụng này phải tiến hành rà soát kỹ số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật THCS có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy mới ra được số lượng thực tế chứ không phải giáo viên nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, số lượng giáo viên giảng dạy môn Nghệ thuật lớp 10 từ nguồn THCS có thể sẽ thiếu ít nhiều so với thực tế sử dụng.

Cũng theo ông Hòa, đây là môn học mới, các địa phương đều cần tuyển giáo viên, trong khi đó lượng giáo viên nghệ thuật ra trường hàng năm không nhiều nên nguồn tuyển mới sẽ gặp khó khăn nhất định (đặc biệt ở những địa phương có điều kiện không thuận lợi). Sinh viên mới ra trường thường có xu hướng chọn các địa phương thuận lợi để thi tuyển chứ rất ít đến vùng khó để cống hiến.

Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú (Tam Điệp, Ninh Bình) trong giờ Tin học. Ảnh: TG

Cần giải pháp về đội ngũ

Bà Hồ Thị Minh, Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng trị, Đại biểu Quốc hội khóa XV nhìn nhận khó khăn lớn nhất khi triển khai dạy học môn Tin học, Ngoại ngữ ở lớp 3 và môn Nghệ thuật ở lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 là về đội ngũ giáo viên. So với số lượng giáo viên hiện có, cấp tiểu học còn thiếu khoảng 6.000 giáo viên Tin học và 5.000 giáo viên Ngoại ngữ. Hầu hết, các trường THPT chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.

Một thực tế được bà Hồ Thị Minh đưa ra là hiện nhiều tỉnh, thành thiếu nguồn tuyển giáo viên tiểu học dạy Ngoại ngữ, Tin học, đặc biệt là những tỉnh vùng khó. Để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh tiểu học triển khai thí điểm chương trình Tiếng Anh 10 năm, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình tạm thời bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên dạy Tiếng Anh ở cấp tiểu học và giao nhiệm vụ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiếng Anh tiểu học cho 20 cơ sở đào tạo giáo viên, nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cơ bản cho những người có bằng cử nhân tiếng Anh muốn trở thành giáo viên dạy Tiếng Anh ở cấp tiểu học.

Đồng thời, triển khai mô hình học 5 năm có hai bằng “sư phạm tiểu học” và “cao đẳng sư phạm Tiếng Anh” với chuẩn tiếng Anh đầu ra đạt 500 điểm TOEFL PBT; mô hình đào tạo bổ sung, cấp chứng chỉ tiếng Anh B2 cho sinh viên tốt nghiệp Khoa Giáo dục Tiểu học; xây dựng được 4 chương trình đào tạo giáo viên Tiếng Anh theo học chế tín chỉ.

Theo bà Minh, hiện tuyển dụng giáo viên đạt trình độ đại học môn Tiếng Anh và Tin học (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo của Luật Giáo dục 2019) là không dễ. Lý do quan trọng là dạy học tiểu học vất vả, khó có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, thu nhập thấp. Các địa phương cũng chưa có nhiều chính sách thu hút để tuyển dụng được đội ngũ này.

“Để khắc phục khó khăn, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ và các địa phương cần nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ chính sách để thu hút tuyển dụng đối với đội ngũ giáo viên các môn đặc thù, để bảo đảm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh đó, địa phương triển khai luân chuyển giáo viên môn đặc thù giữa các cấp học để bảo đảm ổn định được nhân sự tại địa phương, giải quyết tình trạng thừa thiếu cục bộ mà đặc biệt là không làm tăng ngân sách hàng năm để trả lương cho giáo viên mới và bảo đảm thực hiện chương trình mới” – bà Hồ Thị Minh đề xuất.

Từng công tác trong ngành Giáo dục nhiều năm, bà Hồ Thị Minh đồng thời đề cập đến giải pháp cho việc thiếu giáo viên bằng việc Chính phủ cho phép các địa phương được hợp đồng giáo viên theo định mức, nhu cầu của vị trí việc làm thực tế; bổ sung kinh phí để thực hiện hợp đồng giáo viên. Trước mắt, khi chưa giao đủ biên chế, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tính toán, bố trí ngân sách cho các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện hợp đồng lao động giáo viên cho số biên chế chưa giao bổ sung, nhằm bổ sung kịp thời số lượng giáo viên còn thiếu trong trường hợp không được giao bổ sung biên chế.

Chia sẻ một số giải pháp triển khai dạy Nghệ thuật ở trường THPT, ông Lê Anh Tuấn - Chủ biên Chương trình môn Âm nhạc - cho rằng: Các sở GD&ĐT cần chỉ đạo, hướng dẫn một số trường THPT trọng điểm triển khai trước việc này; đồng thời giới thiệu giáo viên giỏi cấp THCS có thể dạy thỉnh giảng cho trường THPT. Với các trường THPT, cần triển khai dạy từng môn (Âm nhạc hoặc Mỹ thuật), môn nào có đủ điều kiện thì triển khai trước. Nhà trường có thể mời giáo viên thỉnh giảng (giảng viên trường nghệ thuật, cha mẹ học sinh, nghệ sĩ hoặc giáo viên Âm nhạc ở trường THCS có đủ trình độ và năng lực) dạy trong thời gian ngắn.

“Việc tận dụng nhân lực giáo viên nghệ thuật THCS dạy kiêm THPT là cách tháo gỡ tối ưu hiện tại. Song ngành Giáo dục Ninh Bình vẫn phải lựa chọn và sử dụng linh hoạt, cùng đó động viên khuyến khích để giáo viên vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở khối THCS vừa hỗ trợ khối THPT hiệu quả....”, ông Hòa trao đổi.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Triển khai môn học mới với lớp 3, 7 và 10: Đừng để cho có!