Những doanh nghiệp công nghệ số có tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và hạ tầng, đồng thời sở hữu đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, sẽ góp phần đáp ứng tốt yêu cầu triển khai các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia không chỉ khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng ta mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ, nâng cao ý thức trách nhiệm của các nhà khoa học tiếp tục cống hiến, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước.
Xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW đề xuất hàng loạt cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như: đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công – tư.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, giúp tạo môi trường thuận lợi, thực tiễn hơn cho việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu.
Đặc biệt, việc chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học sẽ cho phép các nhà khoa học mạnh dạn khai phá những ý tưởng và hướng đi mới.
Trong nhiệm vụ hiện thực hoá các nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW vào thực tiễn, những doanh nghiệp công nghệ số cũng được xác định đóng vai trò nòng cốt quan trọng.
Hướng đến mục tiêu trở thành một Tập đoàn toàn cầu về công nghệ số, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW đã đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện và có những chính sách đột phá để tháo gỡ những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thời gian vừa qua.
Tư lệnh Tập đoàn Viettel lấy ví dụ điển hình về cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược…
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng chia sẻ, thực hiện các nội dung trong Nghị quyết số 57-NQ/TW không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ như VNPT khẳng định vị thế, thực sự trở thành những trụ cột chính trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam tiến lên tầm cao mới trên bản đồ công nghệ thế giới.
Là doanh nghiệp công nghệ có doanh thu tỷ USD từ thị trường nước ngoài, khi chia sẻ con đường khát vọng 36 năm để trở thành một Tập đoàn công nghệ toàn cầu, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT ví rằng, nếu Archimedes nói "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể nâng được cả thế giới", thì Nghị quyết số 57-NQ/TW chính là điểm tựa của Việt Nam để đi vào kỷ nguyên vươn mình, để trở thành quốc gia hùng cường và dân tộc phồn vinh.
"Đây là khát vọng của cả dân tộc và chúng tôi đi theo khát vọng này từ những ngày đầu. Một dân tộc hùng cường không thể thiếu những doanh nghiệp toàn cầu mạnh mẽ.
Mỹ có IBM, Microsoft; Nhật Bản có Sony, Hitachi; Trung Quốc có Huawei, Alibaba; Hàn Quốc có Samsung, LG. Việt Nam cũng cần những tập đoàn như vậy để khẳng định vị thế trong tương lai".
Thực tế gần đây, khi cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra, các tập đoàn trên toàn cầu cần phải duy trì doanh thu chục tỷ bằng cách số hóa các ngành công nghiệp truyền thống. Trong khi đó, Việt Nam sẵn sàng chuyển sang lĩnh vực mới là chuyển đổi số.
Đây cũng là lý do FPT có cơ hội hợp tác chuyển đổi số với các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu, mang về doanh thu tỷ USD từ thị trường nước ngoài.
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 diễn ra ngày 15/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Nghị quyết 57-NQ/TW là Nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp lớn có tính cách mạng, giống như Nghị quyết Khoán 10 cho nông nghiệp cách đây 40 năm, nhưng lần này là cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Với Nghị quyết này, từ chỗ thiếu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.
"Nghị quyết Khoán 10 là để thoát nghèo, Nghị quyết 57-NQ/TW là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Nghị quyết Khoán 10 là giải phóng sức lao động, Nghị quyết 57 là giải phóng sự sáng tạo. Tinh thần chung của cả hai Nghị quyết là quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm, là trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm, chấp nhận rủi ro và đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể, người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo", người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông nhận định.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, với vai trò là một trong Tập đoàn công nghệ hàng đầu, đang tham gia sâu rộng và hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, để hiện thực hóa hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW vào thực tiễn trong thời gian tới, Tập đoàn VNPT cam kết đến năm 2027, VNPT sẽ làm chủ các mô hình GenAI Make in Viet Nam trên các lĩnh vực ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh, dữ liệu; trong đó mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt của người Việt với tối thiểu 100 tỷ tham số có hiểu biết vượt trội về văn hoá, lịch sử, địa lý Việt Nam; giải quyết các vấn đề lớn của Việt Nam.
Cũng đến năm 2027, VNPT làm chủ công nghệ để xây dựng bản sao số cho các thành phố, bao gồm phát triển bản đồ số quốc gia 3D Make in Viet Nam, hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, giao thông- logistics, giáo dục, y tế, công thương, bản đồ dịch bệnh từ công trình ngầm đến không gian mặt đất tới không gian vệ tinh; xây dựng nền tảng kết nối và quản lý IoT để mô phỏng, quản lý, giám sát và phân tích dữ liệu trên bản đồ, đưa ra các kịch bản quản lý địa không gian, phục vụ cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Riêng trong năm 2025, VNPT sẽ tiếp tục phát triển các Trung tâm điều hành thông minh tại các bộ, ngành, địa phương để đưa toàn bộ hoạt động điều hành của cơ quan nhà nước trực tuyến và dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, nhận trách nhiệm, đến năm 2027 sẽ có các thiết bị 5G tiên tiến, cùng với hệ sinh thái lõi mạng truyền dẫn cho 5G, giúp kết nối nhanh hơn, chính xác hơn, phục vụ chuyển đổi số. Mục tiêu đến năm 2030 là có các thiết bị 6G đầu tiên cung cấp thương mại.
Trong lĩnh vực bán dẫn, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành đề án về xây dựng một nhà máy chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ hiện đại, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để trình Thủ tướng Chính phủ triển khai. Xác định đến năm 2030, sẽ có nhà máy sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam.
Hiện, Viettel cũng đã nghiên cứu đề án sản xuất vệ tinh quy mô nhỏ tầm thấp, phục vụ lưỡng dụng, viễn thám, được Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nghiên cứu, sản xuất, chế tạo.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Viettel được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ xây dựng trợ lý ảo pháp luật cho công chức, viên chức để trong quá trình công tác, công chức, viên chức có thể tra cứu. Với nhiệm vụ này, phấn đấu đến năm 2025, Viettel sẽ hoàn thành.
Ông Trương Gia Bình, CEO của Tập đoàn FPT cam kết, FPT sẽ trở thành Tập đoàn công nghệ số toàn cầu đạt 5 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào năm 2030. Đồng thời, FPT sẽ đào tạo 10.000 kỹ sữ bán dẫn, 50.000 kỹ sư trí tuệ nhân tạo và cung cấp kỹ năng, kiến thức về trí tuệ nhân tạo cho nửa triệu kỹ sư công nghệ thông tin vào năm 2030.
FPT cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng. Theo đó, xây dựng 2 nhà máy ở Việt Nam và Nhật Bản. Trong 5 năm tới, Tập đoàn cũng sẽ xây dựng 5 nhà máy trí tuệ nhân tạo trên toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia cung cấp hạ tầng tính toán về trí tuệ nhân tạo hàng đầu khu vực.
Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 diễn ra ngày 15/1, ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Misa cũng cam kết sẽ đầu tư tối thiểu 2.500 tỷ trong 5 năm tới để phát triển trí tuệ nhân tạo, theo hướng xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) AI với tối thiểu 100 tỷ tham số và chuyên sâu cho xử lý văn bản quy phạm pháp luật, tài chính kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp.
Chủ tịch Tập đoàn CMC Nguyễn Trung Chính cũng đưa ra cam kết, CMC sẽ xây dựng nền tảng điện toán đám mây Cloud trở thành nền tảng dẫn đầu Việt Nam, sở hữu năng lực công nghệ của người Việt như công nghệ ảo hóa máy chủ, công nghệ ảo hóa lớp mạng, ảo hóa lưu trữ. Đến năm 2028, CMC sẽ đầu tư một trung tâm điện toán đám mây hàng đầu khu vực với quy mô 80MW, hoàn toàn do Việt Nam làm chủ.
Đại diện Qualcom cũng cam kết đầu tư từ 200 – 500 triệu USD để có thể làm chủ công nghệ và triển khai mã chuỗi khối nhằm xây dựng hạ tầng chuỗi khối Make in Viet Nam. Nền tảng này sẽ được thiết kế với cơ chế vận hành khai thác, tương tác và liên thông các loại hình chuỗi khối tại Việt Nam, nhằm phục vụ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ số trên mọi lĩnh vực.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng phát biểu tại cuộc gặp các doanh nhân thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ: "Không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ doanh nghiệp nhỏ".
Thực tế, các nhà cung cấp thiết bị lớn trên thế giới cũng khởi đầu từ những doanh nghiệp với quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu phát triển rất lớn. Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã nghiên cứu, phát triển được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà cung cấp lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành chưa thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Nguyên nhân được chỉ ra là do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu công nghệ, sản phẩm mới.
Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 6 diễn ra ngày 15/1, có nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chúng ta cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW. Hãy biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, và không ngừng đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp số cần tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Hãy hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để cùng tạo nên một hệ sinh thái công nghệ bền vững. Đây là thời cơ vàng để chúng ta thực sự khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới.
Hãy không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những thách thức, và cùng nhau biến những khó khăn thành động lực để vươn xa. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi, nguồn lực sẵn có, và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý và bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của nhân dân.
Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà. Đây không chỉ là sứ mệnh cao cả, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ "Make in Vietnam" vươn xa. Hãy tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Với Nghị quyết 57-NQ/TW, từ nay, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã thực sự trở thành cuộc cách mạng của toàn Đảng và toàn dân, sẽ bước vào giai đoạn phát triển đột phá.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ góp phần đặc biệt quan trọng để Việt Nam vươn mình đứng dậy, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.