Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) có hiệu lực, trường học tại Nghệ An đã dừng tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục và mục tiêu năm học, các trường tiến hành điều chỉnh kế hoạch dạy học, thời khóa biểu, tổ chức dạy thêm miễn phí cho nhóm học sinh đặc thù.
Trường THCS Bạch Liêu là 1 trong 9 trường THCS trên toàn tỉnh được chọn xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao. Đây cũng được xem như trường chuyên cấp THCS ở huyện Yên Thành, hằng năm có tuyển sinh đầu vào. Trước đó nhiều năm, công tác dạy thêm, học thêm ở trường được duy trì liên tục với sự đồng thuận cao từ phụ huynh, học sinh.
Tuy nhiên, sau ngày 14/2, ban giám hiệu dừng tổ chức dạy thêm, học thêm tại trường. Tuy nhiên, các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi lớp 9 vào lớp 10 vẫn duy trì và không thu tiền. Thầy, cô giáo trong trường tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ học sinh tự học. “Điều này mang lại khó khăn nhất định đối với nhà trường, phụ huynh, học sinh nhưng như vậy buộc chúng ta phải nỗ lực và quyết tâm lớn hơn vì không có sự lựa chọn nào khác”, thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng bày tỏ.
Bước sang học kỳ II năm học 2024 - 2025, Trường THCS Hải Hòa (TP Vinh) đã dừng tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Thu Hương cho biết, điều này chắc chắn tác động đến kế hoạch, mục tiêu năm học của trường và học sinh (đặc biệt các em lớp 9 có nhu cầu học thêm để ôn thi vào lớp 10), phụ huynh...
Theo cô Hương, trên địa bàn phường hiện không có trung tâm dạy thêm, học thêm. Học sinh của trường, lâu nay ngoài học ở trường với mức thu 23 nghìn đồng/buổi. Để đảm bảo chất lượng dạy học và tăng cường kiến thức cho học sinh, dự kiến đầu tháng 4, Trường THCS Hải Hòa tổ chức dạy ôn thi miễn phí cho học sinh cuối cấp, mỗi môn không vượt quá 2 tiết/tuần.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh cho biết, khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, phòng sẽ quản lý cả về kế hoạch, kinh phí, cũng như kiểm tra chất lượng. Thực hiện Thông tư 29, nhiều trường đã dừng dạy thêm đại trà. Việc huy động giáo viên ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí nếu có chỉ thực hiện được trong một thời điểm và với nhóm học sinh nhất định. Nếu triển khai trong thời gian cả năm học, phòng vẫn chờ hướng dẫn từ các cấp quản lý.
Đối với các trường khu vực miền núi cao Nghệ An, Thông tư 29 không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch dạy học. Tại Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông), hoạt động giảng dạy vẫn diễn ra bình thường. Các năm trước, nhà trường tổ chức ôn thi miễn phí cho học sinh khối 12 đến tận ngày thi. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên trường miền xuôi được kết nối lên Mường Quạ tình nguyện hỗ trợ các em hệ thống kiến thức, rèn kỹ năng làm bài.
Trường THPT Quế Phong có gần 1.800 học sinh, trong đó gần 600 em lớp 12. Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhà trường đang duy trì dạy thêm cho học sinh các buổi chiều và xác định việc dạy học sẽ miễn phí.
Thông tin từ thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Tư, với đặc thù huyện miền núi cao, phần lớn học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên việc giáo viên nhà trường tình nguyện dạy miễn phí đã được duy trì nhiều năm qua. Các mùa thi trước, ngoài dạy buổi chiều, giáo viên còn tình nguyện phụ đạo miễn phí cho học sinh vào buổi tối. Thực hiện Thông tư 29, nhà trường xác định giáo viên vất vả hơn nhưng không thể làm gián đoạn việc học tập của học trò.
Cùng với duy trì dạy thêm không thu tiền, Trường THPT Quế Phong dự kiến điều chỉnh thời khóa biểu. Buổi sáng chỉ học 4 tiết, các môn học như Thể dục, Hoạt động trải nghiệm sẽ chuyển sang buổi chiều, thực hiện học 5 ngày/tuần để học sinh được nghỉ thứ 7. “Hơn 1.000 học sinh của trường đang phải trọ học xa nhà. Vì thế, nếu để các em nghỉ quá nhiều buổi chiều sẽ khó quản lý. Thời gian tới, chúng tôi điều chỉnh lịch học để các em vẫn được sinh hoạt học tập 2 buổi ở trường”, thầy Nguyễn Hồng Tư cho hay.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nhôn Mai (huyện Tương Dương), chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Tân: Với đặc thù trường bán trú, lâu nay giáo viên đang thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, buổi sáng dạy chính khóa và buổi chiều phụ đạo thêm cho học sinh hoàn toàn miễn phí.
“Thực tế, học sinh của trường hầu hết là người Thái, Mông, Khơ Mú, đời sống nhiều khó khăn. Nếu dạy thêm có thu phí, phụ huynh cũng không có tiền để nộp. Vì vậy, Thông tư 29 được Bộ GD&ĐT ban hành không ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường. Giáo viên bồi dưỡng hay phụ đạo cho học sinh đều xác định từ trách nhiệm, tình yêu thương và mong muốn các em không đứt gãy việc học”, thầy Tân chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Hào Hữu Quang - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Anh Sơn (huyện Anh Sơn), dừng dạy thêm gây nên hụt hẫng, khó khăn nhất định cho học sinh, nhất là với khối 9 đang tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Để đảm bảo tính liên tục kế hoạch giáo dục, giáo viên vẫn duy trì việc bồi dưỡng học sinh giỏi miễn phí cho học sinh khối 6, 7, 8 và dạy một số buổi ôn thi vào lớp 10 cho học sinh lớp 9 không thu tiền.
Đồng thời, để “chống sốc” cho học sinh, hiệu trưởng, giáo viên đã có thư ngỏ, lời động viên và nhấn mạnh vai trò tự chủ, tự học để lĩnh hội kiến thức.
“Các em phải thay đổi thói quen học tập, thay vì dựa dẫm nhiều vào các buổi học thêm, sự kèm cặp, thúc giục của thầy cô. Điều duy nhất khiến các em giỏi hơn, đi xa hơn chính là thái độ không ngừng học hỏi, khả năng tự tìm kiếm câu trả lời, chủ động trong học tập và khát khao khám phá. Nhà trường, thầy cô luôn đồng hành với các em trong hành trình này. Ngay từ lúc này, các em cần gieo thói quen tự giác tự học để phát triển năng lực bản thân, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra”, thầy Quang nhắn gửi.
Cùng đó, thầy Quang nhấn mạnh vai trò của phụ huynh trong việc đồng hành, quan tâm con, giúp đỡ tìm kiếm phương pháp tự học, không sa vào những thú vui như điện thoại, chơi game…
Thầy Nguyễn Phúc Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Liêu (huyện Yên Thành) khẳng định, Thông tư 29 không cấm dạy thêm, học thêm, vì thế, phụ huynh có thể cho con tham gia học thêm (nếu thực sự có nhu cầu).
Tuy vậy, thầy Lộc mong muốn tập thể cán bộ giáo viên “thay đổi cách nghĩ, cách làm và cách dạy học để thích ứng nhanh với tình hình mới”, trong đó điều quan trọng nhất là phát huy thói quen tự học. Khi có thói quen tự học, học sinh sẽ lĩnh hội tri thức một cách tự chủ, theo năng lực bản thân. Ngoài ra, tự học giúp các em nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích hơn trong cuộc sống.
“Chương trình GDPT 2018 chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung (chú trọng đầu vào) sang dạy học phát triển phẩm chất và năng lực (chú trọng đầu ra). Vì vậy, chương trình thiết kế cho học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực đặc thù mỗi môn học và kỹ năng khác. Sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018 cũng được biên soạn theo hướng chủ động, sáng tạo thông qua hoạt động giáo dục.
Tất cả hoạt động giáo dục này đều được giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện trên lớp học và chuẩn bị trước ở nhà, trong phòng thí nghiệm hay các không gian trải nghiệm thực tế khác chứ không phải ở buổi học thêm kiến thức có thu phí.
Như vậy, việc dạy thêm kiến thức không cần thiết nếu học sinh không có nhu cầu, nhưng giáo viên phải đảm bảo tổ chức đầy đủ các hoạt động, không cắt xén chương trình để đạt được mục tiêu bài học (các yêu cầu cần đạt theo chương trình quy định)”. - PGS.TS Cao Cự Giác (Trường Đại học Vinh) Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên và sách giáo khoa Hóa học (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)