"Đây là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền được quy định rõ ràng trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế có liên quan", ông Chol nhấn mạnh.
Chuyên gia này nói thêm rằng Bình Nhưỡng tiến hành các cuộc tập trận bắn thử tên lửa theo "cách an toàn nhất" trong khi tính đến an ninh của các quốc gia khác và "cho đến nay không có thiệt hại nào". Ngoài ra, Triều Tiên cũng đã ban hành một cảnh báo hàng hải cho Cơ quan An ninh Hàng hải Nhật Bản và thông báo cho IMO về thời gian phóng và vị trí mà tên lửa có thể rơi xuống, mặc dù không bắt buộc phải làm như vậy.
Một phần phương tiện phóng của Triều Tiên bị rơi xuống vùng biển ngoài khơi phía Tây bán đảo Triều Tiên hôm 31/5. Ảnh: Reuters
Như đã đưa tin, ngày 31/5, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận, Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia (NADA) của nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự "Malligyong-1" gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới "Chollima-1".
Trước khi phóng một ngày, một quan chức giấu tên thuộc IMO cho biết phía Triều Tiên đã thông báo cho tổ chức này về kế hoạch phóng vệ tinh. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên gửi thông báo như vậy tới IMO kể từ năm 2016.
Tuy vụ thử thất bại, tên lửa đẩy rơi xuống biển nhưng khiến Hàn Quốc và Nhật Bản phải ra cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ở một số khu vực.
Sau vụ phóng không thành, ngày 1/6, hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên dẫn lời bà Kim Yo-jong, Phó trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng lại vệ tinh trinh sát quân sự vào quỹ đạo không gian một cách chính xác.