Thực hiện CTGDPT 2018, GV được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy và chọn phương pháp phù hợp với mỗi nội dung, đối tượng, hoàn cảnh cụ thể.
Bài giảng “Vận tốc” trong chương trình Toán lớp 5 đã được cô Vũ Bích Thủy - giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) thể hiện thành công với nhiều hoạt động. Khởi động tiết học, cô cho học sinh xem một đoạn video thú vị để đặt vấn đề cho bài học, kích thích khả năng sáng tạo.
Đến phần khám phá kiến thức, cô giúp học sinh dễ dàng tìm ra công thức tính vận tốc, từ đó áp dụng để giải các bài tập liên quan. Những bài toán tưởng chừng khô khan nhưng qua lời dẫn dắt của cô, học sinh cảm thấy thú vị.
Nhằm củng cố kiến thức đã học và mang lại không khí vui tươi cho lớp học, cô Thủy cũng tổ chức trò chơi “Ghép đôi”. Qua trò chơi này, học trò không chỉ vui mà còn được khắc sâu kiến thức, phong thái tự tin, kỹ năng trình bày lưu loát, rõ ràng cùng tinh thần học tập sôi nổi.
Một buổi học của Trường Tiểu học và THCS Thụy Bình (Thái Thụy, Thái Bình), học sinh được thỏa thích tham gia vào các trò chơi dân gian hay giao lưu đọc sách ở thư viện ngoài trời. Những hoạt động sôi nổi và ý nghĩa này không những giúp các em có nhiều kiến thức hơn về văn hóa dân tộc, mà còn tạo niềm hứng khởi khi học tập tại trường.
Giờ học trên giúp em Phạm Thị Thanh (Trường Tiểu học và THCS Thụy Bình) thấy thích thú. Thông qua đó, Thanh và các bạn gắn kết hơn, được thỏa thích sáng tạo và thấy đến trường học tập thật vui và ý nghĩa.
Chia sẻ về phương pháp trên, cô Dương Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Thụy Bình phân tích: Nếu theo cách dạy truyền thống, giáo viên chỉ đọc và yêu cầu học trò đọc theo để nhớ. Thế nhưng dạy học theo chương trình mới, thầy cô chủ động, sáng tạo trong mỗi giờ dạy. Khi lên lớp, học trò tự thảo luận, trao đổi, chia sẻ với nhau; giáo viên trở thành người định hướng và tổng kết vấn đề.
Với cách dạy như vậy, lớp học sôi nổi hơn, học sinh tự tin, xung phong phát biểu, bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình. Đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh hiểu và ghi nhớ bài học tốt hơn so với cách dạy truyền thống, đồng thời giúp chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao.
Triển khai Chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục tại các trường học thuộc tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc. Chia sẻ của thầy Nguyễn Đức Tiệp - Hiệu trưởng Trường THCS Khổng Lào (Phong Thổ, Lai Châu), năm học này, nhà trường có 8 lớp với gần 300 học sinh, trong đó 98% là học sinh dân tộc thiểu số.
Để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, nhà trường thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc trao quyền tự chủ cho giáo viên, dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Giáo viên được quyền chủ động phân bổ thời gian và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, đối tượng, hoàn cảnh cụ thể.
Về phương pháp giảng dạy, giáo viên thiết kế các hoạt động dạy học phù hợp, lựa chọn kiến thức trọng tâm và sử dụng hệ thống câu hỏi gợi mở, dẫn dắt bài học để học sinh dễ tiếp cận kiến thức. Các thầy cô tích cực sử dụng phương pháp dạy học trực quan, tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học tự làm. Nhờ nỗ lực trên, dù phần lớn học sinh dân tộc thiểu số nhưng các em đã tiếp cận tốt với chương trình mới.
Cô Kiều Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS&THPT Đà Bắc (Đà Bắc, Hòa Bình) cho rằng, Chương trình GDPT mới phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đổi mới, có tính khả thi cao, phù hợp với điều kiện của nhà trường. Nội dung kiến thức có tính ứng dụng thực tế nên học sinh hứng thú tiếp nhận, phát huy được năng lực.
Các môn tích hợp giúp tinh giản, tránh chồng chéo nội dung, giảm hợp lý số môn học; giúp học sinh liên kết các nhóm kiến thức liền mạch, xuyên suốt, có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống.
Theo cô Nguyệt, những ngày đầu, nhà trường gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhận thức của một bộ phận phụ huynh... nhưng đã dần vượt qua trở ngại này. Qua những lớp bồi dưỡng, tập huấn, giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có khả năng tiếp cận chương trình, phương pháp dạy học tốt.
Trao đổi về quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, cô Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, TP Hà Nội) khẳng định: Chương trình GDPT 2018 tiệm cận, gần trùng khớp với các chương trình quốc tế mà trường triển khai. Chương trình cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc xây dựng và phát triển chương trình giáo dục mang bản sắc riêng.
Trao quyền tự chủ đã giúp nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình. Một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên có thêm nguồn học liệu phong phú, đa dạng hình thức dạy học.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định: Chương trình GDPT 2018 giao quyền chủ động cho nhà trường và giáo viên căn cứ tình hình thực tiễn tổ chức dạy học phù hợp với người học. Do vậy, giáo viên cần bồi dưỡng kỹ năng, xây dựng lựa chọn nội dung chương trình dạy học, thực hiện tốt quản lý hoạt động dạy học, hoạt động chuyên môn.
Giáo viên dạy học chương trình mới vừa cung cấp kiến thức vừa phát triển hài hòa cả phẩm chất và năng lực. Trong đó, hình thành và phát triển phẩm chất “chăm học, chăm làm, trách nhiệm, trung thực, kỷ luật”, năng lực “hợp tác, tự quản, tự học và giải quyết vấn đề”, giúp học sinh hình thành các kỹ năng thông qua hoạt động thực tiễn.