Theo đó, Bộ GD&ĐT đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt để quản lý văn bằng chứng chỉ; chấn chỉnh công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, đưa hoạt động này dần đi vào nề nếp, khắc phục căn bản những hạn chế, thiếu sót, sai phạm đã xảy ra trong thời gian qua.
Bộ cũng đã triển khai việc tập huấn và nâng cao năng lực quản lý văn bằng chứng chỉ cho các cơ sở giáo dục và các địa phương, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong quản lý văn bằng chứng chỉ. Nhiều sở GD&ĐT đã thống nhất đơn vị đầu mối, nhân sự làm công tác quản lý văn bằng chứng chỉ.
Chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý văn bằng chứng chỉ đã được nâng lên, có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, có tinh thần trách nhiệm cao, được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, thực hiện nhiệm vụ tương đối chuyên nghiệp. Từng bước chấn chỉnh công tác quản lý văn bằng chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục, các địa phương.
Bộ GD&ĐT đổi mới hoạt động công nhận văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, phân cấp mạnh hơn cho các cơ sở giáo dục đại học và các địa phương.
Mở rộng công nhận văn bằng đối với các hình thức đào tạo khác nhau, phù hợp với xu thế mở của giáo dục đào tạo, mở rộng đối tượng được miễn thủ tục công nhận văn bằng, tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong công nhận văn bằng.
Hiện tại, có 52/63 sở GD&ĐT đã triển khai dịch vụ công nhận văn bằng tại cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó 36 sở thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 và 16 sở thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ hoan nghênh các ý kiến đóng góp của đại diện các sở GD&ĐT.
Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị, trước mắt cần nâng cao nhận thức về thi và quản lý chất lượng giáo dục. Nhận thức đúng sẽ có hành động đúng. Mỗi thành viên trong trường cần nhận thức đầy đủ và có ý thức, trách nhiệm về kiểm định chất lượng giáo dục.
Trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có báo cáo với Chính phủ, tinh thần là giữ ổn định như năm 2022. Có thể điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị hoàn thiện các văn bản chỉ đạo. Văn bản càng kỹ, càng tạo điều kiện cho cơ sở trong việc triển khai thực hiện. Công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ cần tiếp tục triển khai chặt chẽ, hiệu quả.
Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, ngoài ra, công tác kiểm định phải đồng bộ với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, lãnh đạo theo hướng: Rõ người, kín việc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, chỉ đạo điều hành quyết liệt.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng nhấn mạnh, trong đổi mới giáo dục, đổi mới quản lý là quan trọng.
Phương Liên