Giới quan sát nhận định sau vụ thủ lĩnh Hassan Nasrallah bị ám sát, Hezbollah gần như chắc chắn sẽ phản ứng mạnh, còn Iran có thể thận trọng hơn, chờ xem xét thêm tình hình.
Những gì diễn ra trong 48 giờ qua ở Trung Đông - Israel ám sát thành công thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và tiếp tục oanh tạc lực lượng này khắp Lebanon - một lần nữa dấy lên nỗi sợ rằng cuộc xung đột có thể leo thang thành giao tranh toàn diện.
Việc ông Nasrallah thiệt mạng hôm 27-9 là đòn giáng mạnh và mới nhất vào Hezbollah, sau khi Israel tấn công hàng loạt chỉ huy và cho phát nổ hàng ngàn thiết bị liên lạc của các thành viên.
Câu hỏi đặt ra là: Hezbollah - hay thậm chí là Iran - sẽ làm gì?
Những người ủng hộ cầm ảnh thủ lĩnh Hezbollah ở Sidon - Lebanon hôm 28-9. Ảnh: Reuters.
Về phần Hezbollah, CNN nhận định nhóm lãnh đạo cấp cao trước tiên sẽ đánh giá về cách thức họp mặt, liên lạc và phản ứng. Hiện vẫn chưa rõ sẽ có những yếu tố nào tác động đến hành động của lực lượng này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những thất bại vừa qua chưa đủ để Hezbollah suy yếu hoàn toàn.
"Cơ sở hạ tầng quân sự của Hezbollah chịu đòn giáng mạnh nhất kể từ khi thành lập" – ông Hanin Ghaddar, thành viên cấp cao tại Viện Washington, nhận định.
Tuy nhiên, ông Ghaddar cho hay nhóm này vẫn còn những chỉ huy thiện chiến, cũng như nhiều khí tài mạnh, trong đó có tên lửa dẫn đường chính xác hay tên lửa tầm xa có thể gây thiệt hại lớn tới cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự của Israel.
Cho đến nay, Hezbollah chưa bắn loạt tên lửa nào tác động đáng kể tới các mục tiêu của Israel. Ngay cả sau khi ông Nasrallah bị ám sát, nhóm vẫn chưa giáng đòn trả đũa mạnh tới mức khiến hệ thống phòng không Vòm Sắt và lưới điện của Israel bị rung chuyển.
Theo cựu quan chức tình báo Mỹ Jonathan Panikoff, Hezbollah gần như chắc chắn sẽ đáp trả. "Phản ứng đủ lớn để khả năng xung đột toàn diện tăng vọt" - ông nói.
Còn Iran, nước này tỏ ra thận trọng trước khả năng tham gia giao tranh trực tiếp với Israel. Giới quan sát nhận định việc Iran trực tiếp trả đũa có thể sẽ lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington tin Iran sẽ can thiệp nếu họ cho rằng mình sắp "đánh mất" Hezbollah.
Hệ thống David's Sling đánh chặn tên lửa bắn từ Lebanon về phía Tel Aviv vào tuần trước. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, khả năng đàm phán ngoại giao là rất hạn chế, đặc biệt khi những nỗ lực suốt nhiều tháng qua nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong xung đột Dải Gaza chưa đạt được tiến triển.
"Không có cuộc xung đột tiêu hao nào trong số này sẽ sớm kết thúc và cũng sẽ không có một kết cục ngoại giao tốt đẹp như trong các bộ phim Hollywood" – ông Aaron David Miller, cựu đàm phán viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Trung Đông, nhấn mạnh.
"Tốt nhất nên tập trung vào răn đe, quản lý xung đột và có thể là các thỏa thuận giữa Hezbollah, Israel, và Iran để kiềm chế giao tranh" - ông nói thêm.