South China Morning Post cho biết, chiến dịch chống hối lộ như vậy là một phần trong ưu tiên của CCDI trong năm 2024 nhằm trấn áp “tham nhũng liên quan đến sự thông đồng chính trị và kinh doanh”, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, doanh nghiệp nhà nước và các ngành năng lượng, thuốc lá, y tế và cơ sở hạ tầng.
Bắc Kinh đã nhiều lần cảnh báo hàng triệu cán bộ đảng Cộng sản tránh đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân nhằm tránh tình trạng quyền sở dễ hữu dẫn đến tham nhũng. Nội quy của đảng nghiêm cấm các quan chức nắm cổ phần trong các công ty chưa niêm yết, hạn chế họ chỉ đầu tư vào cổ phiếu niêm yết.
Các quan chức cũng được yêu cầu báo cáo các khoản đầu tư của gia đình, bao gồm cổ phiếu, tài sản và bảo hiểm cho cơ quan giám sát kỷ luật hàng năm. Ngoài ra, Luật Công chức cũng quy định công chức không được “vi phạm các quy định liên quan để tham gia hoạt động vì lợi nhuận hoặc kiêm nhiệm vị trí trong doanh nghiệp, tổ chức vì lợi nhuận khác".
Theo CCDI, để lách luật và tránh bị điều tra, các quan chức thường chỉ định các thành viên trong gia đình hoặc các bên thứ ba khác làm cổ đông của công ty.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng kể từ khi lên nắm quyền hơn 10 năm trước. Trong năm qua, chiến dịch này đã trừng phạt hơn 1,5 triệu quan chức chính phủ.
Tính riêng trong năm nay, cuộc trấn áp của CCDI đối với lĩnh vực tài chính trị giá 61 nghìn tỷ USD đã trừng phạt hơn 100 giám đốc điều hành và quan chức. Hồi tháng 1/2024, CCDI thông tin khoảng 110.000 quan chức phải đối mặt với biện pháp kỷ luật, tăng 13% so với năm trước. Hồi năm 2023, CCDI đã mở cuộc điều tra tham nhũng đối với 45 quan chức cấp cao - con số kỷ lục.
Không có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến dịch nói trên sẽ sớm kết thúc. Trong chỉ thị với CCDI vào tháng 1/2024, ông Tập Cận Bình cho biết ông coi những nỗ lực này là rất quan trọng đối với sự lãnh đạo lâu dài của đảng và “bản chất tiên tiến và trong sạch” của đảng.