Trung Quốc: Nhộn nhịp thị trường dạy 'chui'

Tú Anh | 29/08/2022, 08:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau một năm thực hiện chính sách “giảm kép”, việc dạy thêm, học thêm tại Trung Quốc vẫn còn nguyên sức nóng. Dù các trung tâm hoạt động dưới bất kỳ hình thức nào, giá cả đắt đỏ ra sao, phụ huynh nước này vẫn thi nhau đăng ký vì tương lai của con cái.

Đơn cử, trước lệnh cấm, chị Wu chi hơn 20 nghìn nhân dân tệ mỗi năm (khoảng 68 triệu đồng) cho các lớp học tiếng Anh. Hiện tại, phụ huynh này phải trả gấp đôi số tiền cho dịch vụ gia sư một kèm ba. Ước tính, tiền học thêm của con gái chị Wu tiêu tốn 10 nghìn nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 34 triệu đồng).

Mức chi tiêu này vẫn nằm trong khả năng của vợ chồng chị Wu bởi cả hai đều có công việc tốt. Thu nhập hàng năm của họ là hơn một triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng). Nhưng nhiều gia đình không may mắn như vậy. Trung bình các cặp vợ chồng ở Bắc Kinh có thu nhập hàng năm chỉ bằng 1/4 gia đình chị Wu.

GS Cherng nhận định: “Giá học thêm hiện nay vô cùng đắt đỏ. Ngay cả những gia đình trung lưu khá cũng không thể ứng phó. Khi chính sách “giảm kép” được ban hành, chính phủ cần thêm những quy định sâu rộng để đảm bảo không “tiếp tay” cho giới thượng lưu”.

Dù không lo lắng về chi phí các lớp học, chị Wu vẫn bày tỏ quan ngại lịch trình học thêm dày đặc sẽ khiến con gái căng thẳng và mệt mỏi. Nhưng bà mẹ không còn lựa chọn nào khác bởi nhiều bạn bè cùng lớp với con gái chị cũng học thêm suốt mùa hè. Wu không muốn con gái bị tụt lại phía sau.

“Đôi khi tôi thắc mắc tại sao phụ huynh tại Bắc Kinh và Thượng Hải phải chạy theo việc học tập của con cái một cách điên cuồng như vậy. Nhưng đó là bầu không khí chung ở thành phố lớn, tôi cảm thấy bản thân bị ép phải đăng ký cho con cái học thêm. Tôi không hài lòng nhưng buộc phải làm vậy”, chị Wu tâm sự.

Nỗi lo nhân lên gấp bội

Trung Quốc: Nhộn nhịp thị trường dạy 'chui' ảnh 2

Học sinh Trung Quốc ngồi chờ tại một trung tâm dạy thêm.

Còn với những phụ huynh không thể “lách luật”, nỗi lo còn nhân lên gấp bội. Con gái chị Fan, sống tại Thượng Hải, từng theo học hai lớp tiếng Anh và một lớp Toán trước khi có lệnh cấm. Hiện nay, các trung tâm đã ngừng dạy trực tiếp và chỉ cung cấp bài giảng trực tuyến được ghi sẵn.

Chị Fan cho biết: “Nhiều trung tâm dừng hoạt động nhưng không hoàn lại tiền cho tôi. May mắn thay, tôi không đặt cọc quá nhiều nên so với nhiều phụ huynh khác, khoản lỗ của tôi là không đáng kể”.

Từng là người khá thoải mái trong việc học tập của con gái, nhưng hiện nay, chị Fan ngày càng lo lắng, căng thẳng. Con gái chị Fan học được rất ít từ các bài giảng trực tuyến và điểm số của em bắt đầu tụt dốc. Dù bà mẹ đã dành nhiều thời gian hướng dẫn con, hiệu quả không thể bằng các lớp học thêm.

Chị Fan rất muốn tìm trung tâm “ngầm” nhưng điều đó nói dễ hơn làm. Các trung tâm dạy thêm hoạt động chui thường không quảng cáo hay tiết lộ thông tin tràn lan vì sợ bị chính quyền phát hiện. Còn những phụ huynh trong trường rất kín tiếng.

Thái độ trên hiện rất phổ biến. Nhiều phụ huynh thừa nhận họ muốn giữ bí mật về các lớp dạy thêm ngầm. Một số người lo lắng người khác có thể tố cáo với chính quyền khiến trung tâm đóng cửa, con cái không còn nơi gửi gắm. Còn số khác không muốn những đứa trẻ khác được học thêm để cạnh tranh với con cái mình.

GS Cherng nhận định, tâm lý này là “tác dụng phụ” của chính sách “giảm kép”. Trong khi đẩy phụ huynh trung lưu vào thế khó, những gia đình thượng lưu lại tìm được lối thoát từ chính lệnh cấm. Còn các trung tâm đang tìm cách lách luật.

Tháng 6 vừa qua, hàng trăm phụ huynh Thượng Hải thi nhau tải ứng dụng Think Academy sau khi nghe tin tổ chức này sẽ luyện thi Olympic Toán trong kỳ nghỉ hè. Theo giáo viên của Think Academy, tổ chức này đã đăng ký tại nước ngoài nên không vi phạm các quy định của Trung Quốc.

Giá sử dụng ứng dụng tính bằng tiền tệ Singapore (khoảng 660 SGD, tương đương 11 triệu đồng) với nội dung bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Tuy nhiên, hầu hết giáo viên đều là người từng làm cho trung tâm dạy thêm TAL Education.

Think Academy đang chơi một trò chơi mạo hiểm. Từng có một công ty hoạt động tương tự nhưng chỉ sau hai ngày đã bị chính quyền địa phương đóng cửa với lý do ứng dụng “tạo ra sự hiểu lầm rằng hoạt động kinh doanh dạy thêm tư nhân đang phục hồi”.

Nhưng phụ huynh không bao giờ do dự đăng ký. Họ sẵn sàng chuyển tiền sau khi nghe thông tin về một trung tâm dạy thêm bí mật hoạt động. Nhiều người cảm nhận các trung tâm dạy thêm đang âm thầm quay trở lại nhưng cả giáo viên lẫn phụ huynh vẫn còn rất thận trọng.

“Chúng tôi không biết mình có thể đi bao xa. Chính sách vẫn được giữ nguyên. Các nhà chức trách có thể thắt chặt quản lý bất cứ lúc nào và điều đó đồng nghĩa với việc chấm dứt các lớp. Dạy thêm vẫn là một công việc kinh doanh đầy bất trắc”, một gia sư dạy thêm “chui” chia sẻ.

Theo Sixth Tone
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trung-quoc-nhon-nhip-thi-truong-day-chui-post605766.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trung-quoc-nhon-nhip-thi-truong-day-chui-post605766.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc: Nhộn nhịp thị trường dạy 'chui'