Thời gian qua Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như xử lý nghiêm việc nhập lậu hàng hoá thực phẩm, nông sản. Do vậy họ đã bắt, tịch thu số lượng lớn hạt điều nhập lậu, thực ra là nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Do đó, việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch hạt điều của Việt Nam sang Trung Quốc đã không còn phù hợp.
“Chính vì thế, chúng tôi khuyên cáo các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm việc sản xuất, chế biến phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu của phía đối tác, đóng gói bao bì, có nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đồng thời xuất khẩu theo đường chính ngạch để đảm bảo giá trị cao, tránh rủi ro.
Đây cũng là điều hết sức tích cực, giúp cho các doanh nghiệp của Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mà còn vươn ra xuất khẩu cho nhiều thị trường khác trên thế giới”, ông Hậu nói.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 56,8 nghìn tấn hạt điều, thu về 310 triệu USD, tăng mạnh 47,6% về lượng và tăng 31,8% về giá trị so với tháng 9 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng năm nay, xuất khẩu hạt điều của nước ta đạt 452.600 tấn, trị giá 2,59 tỷ USD, tăng 18,8% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá bình quân xuất khẩu hạt điều đạt 5.722 USD/tấn, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD" của ngành nông nghiệp, hạt điều là mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng đứng thứ 3, chỉ sau ngành rau quả và gạo.
Về thị trường, trong tháng 9, xuất khẩu hạt điều sang tất cả các thị trường truyền thống và tiềm năng đều tăng mạnh 2-3 con số so với tháng 9/2022.
Theo yếu tố chu kỳ, hoạt động xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sẽ diễn ra sôi động trong các tháng cuối năm. Nhu cầu tiêu thụ hạt điều phục vụ cho các dịp lễ, tết sẽ tăng mạnh. Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng cao sẽ đóng góp vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung ngành hàng này.