Bên cạnh môi trường giáo dục đầu tiên là gia đình, mà cha mẹ là những tấm gương để con cái bắt chước, noi theo thì môi trường quan trọng thứ hai là trường học. Trường học là một xã hội thu nhỏ đối với lứa tuổi học đường. Bởi vì mọi mối quan hệ giao tiếp và sự hình thành các kỹ năng ứng xử cũng chịu sự tác động rất lớn từ đây. Trong 18 năm đầu đời này, “Giáo dục phổ thông” có vai trò vô cùng quan trọng, các bậc cha mẹ và thầy cô phải là tấm gương sáng để học trò soi vào đó mà “sửa mình”, hoàn thiện nhân cách với hai chữ “tử tế” đặt lên hàng đầu.
Giúp trẻ em làm các công việc thiện nguyện là cách tốt nhất để giáo dục lòng yêu thương và sự tử tế. Tham gia vào các hoạt động thiện nguyện góp phần giúp các em trân trọng hơn những gì các em đang có và nhận ra còn rất nhiều bạn bè không may mắn như mình. Cứ như vậy, “mưa dầm thấm lâu”, từng ngày, từng ngày một sẽ thấm vào tâm hồn các em thành nếp sống tử tế, biết tôn trọng và biết quan tâm giúp đỡ người khác.
Muốn làm thiện nguyện đúng cách, thì phải đi từ giáo dục nhận thức đến thực hiện hành động. Phải làm sao cho học sinh hình thành cho mình một cái tâm “thiện”, biết trắc ẩn, biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ thì khi đó mới sẵn sàng “nguyện” làm việc tốt, việc thiện.
Giáo dục toàn diện cho trẻ đòi hỏi sự chung tay giữa xã hội, nhà trường và gia đình. Khi nhà trường, gia đình và xã hội bắt tay với nhau sẽ tạo ra một vòng tròn lớn, cố định và đồng nhất, cùng hướng đến mục đích chung sự phát triển tốt nhất cho trẻ.
Hơn bao giờ, chúng ta cần cứu lấy sự tử tế trong mỗi người, nuôi dưỡng nó, lan tỏa nó. Và quan trọng nhất là dạy con chúng ta, thế hệ tương lai, thành người tử tế.
Làm được như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không phải lo lắng về đạo đức giới trẻ nữa. Thế hệ trẻ sẽ xứng đáng là rường cột nước nhà trong tương lai. Như triết lý giáo dục của cố GS Văn Như Cương: “Các em có thể trở thành người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những nhà nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ, những nhà lãnh đạo xuất sắc… nhưng trước hết phải là người tử tế”.