Không thể dồn trách nhiệm lên trẻ
Cô Vũ Thị Phương Vân, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Lê Chân, TP Hải Phòng có kinh nghiệm 14 năm dạy lớp 1. Theo cô Vân, 2 năm gần đây chất lượng học sinh lớp 1 có một số hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc học tập của cô và trò vất vả hơn nhiều.
Nhưng việc phụ huynh lo lắng cho con đi học chữ trước là phản khoa học. Bởi, trẻ trước 6 tuổi đã phải ngồi học bài dễ dẫn đến bệnh về cột sống, mắt. Đáng nói, trẻ được học trước khi vào lớp 1 sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không chịu học. Vì vậy, cô Vân cho rằng: Phụ huynh nên chú ý đến việc rèn kỹ năng như dậy sớm, vệ sinh cá nhân, hợp tác… Bên cạnh đó, có thể chơi cùng trẻ qua trò chơi con số, đếm số để bước đầu có tư duy.
Chương trình SGK mới cũng như các chương trình trước, có mặt mạnh và hạn chế. Về kiến thức thì tương đồng nhau, nhưng chương trình mới đòi hỏi nhiều kỹ năng cao hơn nhất là đối với môn Tiếng Việt. Vì thế, phụ huynh không nên quá lo lắng về kiến thức mà cần phối hợp với nhà trường, giáo viên để rèn thêm nhiều kỹ năng cho con.
Cho rằng, việc dạy chữ trước khi vào lớp 1 sẽ vô tình khiến trẻ áp lực, mệt mỏi, mất hứng thú học tập khi cách dạy không đúng, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh thông tin:
Khi chuyển môi trường từ chơi sang học, trẻ cần những kỹ năng cơ bản như: Làm quen với sách, ngồi học, ăn ngủ đúng giờ. Tạo bầu không khí vui tươi khiến trẻ háo hức khi đến trường bằng những câu chuyện kể.
Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng khẳng định không cần thiết phải cho trẻ học tiền lớp 1. Lý do ông Giáp đưa ra là trong Chương trình GDMN cho trẻ 5 tuổi đã có những nội dung để chuẩn bị về tâm thế, kiến thức, kỹ năng cho trẻ vào lớp 1.
Đơn cử, trong Chương trình GDMN cho trẻ 5 tuổi có nội dung cho trẻ làm quen với Toán (nhận biết số lượng, chữ số trong phạm vi 10; chia tách nhóm đối tượng trong phạm vi 10; ứng dụng số lượng, số thứ tự vào cuộc sống…); Nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ (nghe, nói tiếng Việt; chuẩn bị cho trẻ kỹ năng tiền đọc - viết); nhận biết mối quan hệ giữa lời nói và chữ viết; đoán chữ; nhận biết các ký hiệu thông thường trong cuộc sống; nhận biết hình thức chữ viết: In - viết, hoa - thường; hình thành kỹ năng học tập cho trẻ (tư thế ngồi học, kỹ năng cầm bút); Nội dung cho trẻ làm quen và khám phá về trường tiểu học để trẻ sẵn sàng tâm thế bước vào môi trường mới.
“Bên cạnh đó, tiếp nhận trẻ vào lớp 1, các trường tiểu học công lập đều không yêu cầu đầu vào. Nhà trường sẽ có trách nhiệm tổ chức dạy học tiếp nối chương trình giáo dục mầm non, giúp trẻ hoàn thành chương trình lớp 1 mà không cần phải học tiền tiểu học”, ông Hà Huy Giáp nhận định.