Theo dự thảo báo cáo tóm tắt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (công bố tháng 10/2023), cả nước hiện có 30 phân hiệu của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó gồm 20 phân hiệu được hình thành mới, 4 phân hiệu hình thành trên cơ sở trường cao đẳng sư phạm, 9 phân hiệu trên cơ sở trường đại học. Quy mô các phân hiệu được đánh giá thấp, nhưng phần nào góp phần nâng cao độ bao phủ giáo dục đại học tại một số địa phương, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc duy trì, phát triển phân hiệu của nhiều trường đại học cũng gặp trở ngại. Việc tuyển sinh, thu hút người học là một trong những bài toán khó của các phân hiệu. Thực tế cho thấy, điểm chuẩn đầu vào phân hiệu các trường đại học luôn thấp hơn so với cơ sở chính.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc của Bộ trưởng với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (cuối tháng 2/2024), TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động của phân hiệu trường tại Gia Lai rất khó khăn. Trên một địa bàn là TP Pleiku (Gia Lai), có 6 cơ sở cùng tuyển sinh, đào tạo những ngành nghề khá giống nhau”.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) có góc nhìn rộng hơn. Theo ông, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học được quy định rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (năm 2018). Do đó, việc thành lập phân hiệu của trường đại học từ các trường cao đẳng địa phương đã có hành lang pháp lý.
Nhưng vấn đề cần đặt ra trong việc này là giai đoạn “hậu sáp nhập” - các phân hiệu tồn tại và phát triển ra sao? Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, sau khi phát triển trường cao đẳng thành phân hiệu, các trường đại học phải có chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn.
“Không phải tất cả thầy cô ở trường cũ đều có trình độ, khả năng giảng dạy đại học. Như vậy sau khi sáp nhập, chưa chắc đã làm tăng sức mạnh của trường đại học mà có khi loãng nguồn lực”, ông Hoàng Ngọc Vinh nêu một ví dụ về khía cạnh sử dụng nhân sự. Ví dụ khác, nhiều trường đại học hiện tổ chức dạy “cuốn chiếu” tại các phân hiệu bởi không có nhân sự tại chỗ, phải điều động từ cơ sở chính về địa phương. Việc này về lâu dài sẽ khó đảm bảo chất lượng đào tạo.
Do đó, theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thay vì sáp nhập để thành lập phân hiệu, trường đại học có thể nghĩ đến việc hợp tác, giúp đỡ để trường cao đẳng ở địa phương lớn mạnh. Ngoài ra, cần có cơ chế đột phá để tạo điều kiện cho các trường cao đẳng ở địa phương tận dụng, khai thác được nguồn lực. Chẳng hạn có thể thành lập trường phổ thông. Điều này phù hợp với chính sách giáo dục mở và xã hội hóa giáo dục, đó là huy động mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu về dịch vụ giáo dục cho người dân.
Nhiều trường cao đẳng sư phạm thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sáp nhập vào các trường đại học. Tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 497/QĐ-TTg sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trực thuộc UBND TP Hà Nội. Trường Đại học Tây Nguyên đang hoàn thiện đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2024.