Tuy nhiên, nhà trường vẫn xác định hàng loạt khó khăn phía trước với vị trí của một trường đại học địa phương. Sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đào tạo ngày càng gay gắt. Xu hướng sáp nhập các trường, mở phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học lớn tại địa phương tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với công tác tuyển sinh và sự phát triển của trường.
Trường Đại học Bạc Liêu tham gia chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh khối 12 các trường THPT tại Bạc Liêu, tháng 3/2024. Ảnh: BLU |
Là trường công lập trực thuộc địa phương đầu tiên trong cả nước được thực hiện cơ chế đổi mới hoạt động theo Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 13/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, dù phát huy nhiều thuận lợi, song nhà trường cũng gặp trở ngại. Một mặt, các chính sách về tự chủ đại học chưa được hướng dẫn, áp dụng đồng bộ.
Mặt khác, nguồn lực đầu tư của nhà trường rất hạn chế. Theo lãnh đạo nhà trường, “tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước ngừng đầu tư” quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong các hội nghị, hội thảo về tự chủ đại học; song Trường Đại học Trà Vinh vẫn khó tiếp cận các dự án đầu tư lớn từ Trung ương và dự án nước ngoài so với các trường ở quy mô vùng.
Ngoài ra, nhà trường còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có học vị, học hàm để về hỗ trợ. Chế độ đào tạo, giữ chân đội ngũ giảng viên, bác sĩ có trình độ cao rất hạn chế do thiếu nguồn lực và chính sách. Thủ tục cấp phép lao động cho giảng viên, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động chuyên môn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hợp tác quốc tế và vai trò cửa ngõ của trường.
Trường Đại học Thủ Dầu Một, trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương. Ảnh: TDMU |
Trường Đại học Bạc Liêu mỗi năm có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 800, kết quả tuyển được khoảng 80%. Năm học 2023 - 2024, trường tuyển được 640 tân sinh viên các chuyên ngành đào tạo. Tại lễ khai giảng năm học, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, trường cần tập trung triển khai tốt công tác giảng dạy, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả chủ trương, kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn.
Đặc biệt chú trọng các dự án liên quan tới phát triển nguồn nhân lực được giao với phương châm “đào tạo những gì mà xã hội và doanh nghiệp cần” để tránh lãng phí. Nhà trường phấn đấu sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đạt tỷ lệ có việc làm cao, khắc phục được tình trạng người học ra trường không có việc làm, hoặc phải làm công việc không cần đến trình độ đại học.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Bạc Liêu, nhà trường đang được tỉnh đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, nên điều kiện dạy học tốt. Trong thời gian tới, khi trường tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo và được tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh thì chắc chắn số người theo học mỗi năm cũng tăng lên. Các ngành nghề đào tạo của trường bám sát định hướng phát triển kinh tế; giữ được học sinh của tỉnh vào học đại học tại địa phương.
Trường đang tập trung nguồn lực triển khai Dự cán cải tạo và phát triển cơ sở vật chất; Dự án xây dựng hệ thống quản trị số và phòng thí nghiệm trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; thành lập tạp chí khoa học; phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gồm 5 mã ngành cấp năm và mở mới ngành đại học Giáo dục tiểu học…
Đồng thời, trường triển khai các dự án nhằm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí về chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng và kết quả hoạt động, mà trọng tâm là triển khai Đề án tổ chức lại bộ máy gắn liền với Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn lực phục vụ công tác đào tạo…
Trước thực trạng trên, GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, trong giai đoạn trước mắt và tương lai lâu dài, nguồn tuyển sinh có chất lượng luôn là thách thức mà các trường đại học nói chung phải đối mặt. Nếu trước đây, nhiều trường, có chỉ tiêu tuyển sinh là học sinh đến học thì nay mọi thứ đã khác. Học sinh ngày nay có quá nhiều lựa chọn, không chỉ học trong nước mà đi học nước ngoài.
Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học phải liên tục nâng cao chất lượng để cạnh tranh thu hút sinh viên, từ việc đổi mới chương trình đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học đến cập nhật thường xuyên nội dung, phương pháp giảng dạy. Đầu ra cho sinh viên cũng phải tính đến. Điều này không thể có được trong một sớm một chiều mà phải chuẩn bị và đầu tư lâu dài.
Trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học. Định hướng sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn tới năm 2030 theo các phương án: Tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.