Trường đại học Bách khoa Hà Nội nói về luận án tiến sĩ áo nịt ngực

Pv | 03/10/2022, 20:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Sau khi báo chí đăng tải, Trường đại học Bách khoa Hà Nội phản hồi, khẳng định luận án tiến sĩ áo nịt ngực hàm lượng khoa học cao.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là đề tài chuyên ngành về công nghệ dệt, may có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn.

Đề tài có tính cấp thiết rất lớn vì áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực có thể làm cho người mặc cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da,… nếu giá trị áp lực của áo ngực lên cơ thể trong thời gian dài và lớn hơn mức chịu đựng của con người.

Trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã được công bố về đo lường các kích thước ngực, phân loại ngực nữ. Xây dựng hệ thống cỡ số áo ngực, đo lường áp lực của áo ngực. Ảnh hưởng của các loại vật liệu, cấu trúc thiết kế của áo ngực tới áp lực và độ vừa vặn... Các nghiên cứu này đã được thực hiện trên nhiều nhóm phụ nữ ở lứa tuổi khác nhau ở một số nước như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…

Với nội dung nghiên cứu của luận án này, NCS Lưu Thị Hồng Nhung cũng đã có 8 công trình nghiên cứu được công khai trong nước và quốc tế trong đó có 1 bài báo khoa học thuộc hệ thống ISI, 3 bài báo khoa học công bố (Scopus, Springer); 4 bài báo khoa học công bố trên tạp chí khoa học và công nghệ trong nước (có phản biện và được tính điểm của Hội đồng học hàm giáo sư nhà nước) và 1 giải thưởng Khoa học công nghệ đo lường Việt nam 2020.

Trong đó nội dung của các bài báo đều phản ánh kết quả của luận án. Vấn đề nghiên cứu này còn rất mới, hoàn toàn phù hợp và rất cần thiết nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học để cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ cho người mặc trong quá trình thiết kế và sản xuất áo ngực.

Nghiên cứu về áo ngực và phần ngực phụ nữ đã là vấn đề có tính thời sự và thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong 15 năm qua ở nhiều quốc gia trên thế giới với các từ khóa nổi bật như: “bra - áo ngực”, “ breast- bầu ngực”, “ pressure comfort – độ tiện nghi áp lực,…thường được sử dụng.

Một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước có liên quan đến áo ngực, được công bố trên các tạp chí như: Tác giả Nguyễn Quốc Toản và cộng sự đã thiết kế thiết bị đo áp lực áo ngực sử dụng cảm biến áp khí với phạm vi đo 0 – 14,67 kPa. Tác giả Trần Thị Minh Kiều và cộng sự đã khảo sát hình dạng bầu ngực của nữ sinh Bắc Việt Nam lứa tuổi 18-25 và sự phù hợp hình ảnh ngoại quan của một số dạng áo ngực với các dạng bầu ngực của nữ sinh Bắc Việt Nam. 

Đề tài nghiên cứu: “Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực” của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung ngành Công nghệ dệt, may. Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh và PGS.TS Nguyễn Thị Lệ. Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ dự kiến tổ chức vào ngày 12/10/2022 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Trên website của Đại họa Bách khoa Hà Nội tại địa chỉ http://sdh.hust.edu.vn  ghi tõ tóm tắt kết luận mới của luận án có 4 nội dung:

1- Thiết lập được hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến áp khí tại 8 vị trí đo, và đo áp lực áo ngực ở 3 trạng thái: tĩnh, động, tĩnh kết hợp động.

2- Xác định được các kích thước ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đa dạng bằng phương pháp đo 3D không tiếp xúc trên hệ thống quét 3D đã thiết lập và phần mềm Geomagic Design X. Phân tích được mối quan hệ giữa các kích thước ngực. Xác định được các kích thước ngực đặc trưng và phân nhóm ngực nữ sinh ứng dụng các giải thuật PCA (Principal Component Analysis), RF (Random Forest) và LVQ (Learning Vector Quantization), góp phần xây dựng cơ sở lựa chọn các kích thước ngực cho các nghiên cứu về nhân trắc ngực và áp lực của áo ngực nữ.

3- Phân nhóm ngực nữ sinh Bắc Việt Nam thành: ngực nhỏ, ngực trung bình, ngực lớn, tương ứng với các hình dạng ngực phẳng, ngực hình nón và ngực tròn bằng cách ứng dụng giải thuật K-means clustering.

4- Xác định được ảnh hưởng của các kích thước đặc trưng của ngực nữ sinh tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, mối quan hệ giữa các kích thước ngực đặc trưng với áp lực của áo ngực, với độ tiện nghi áp lực, giữa áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực thông qua các mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến với kỹ thuật BMA (Bayesian Model Averaging) trên phần mềm R.

Phần dưới là nội dung chi tiết của luận án dài 142 trang. Trong luận án, tác giả nêu mục đích nghiên cứu là xác định các đặc trưng nhân trắc ngực ứng dụng phương pháp đo 3D không tiếp xúc, trích chọn các kích thước đặc trưng và phân nhóm ngực nữ làm tiền đề cho việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực, đồng thời góp phần xây dựng cơ sở thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất và lựa chọn áo ngực nữ phù hợp. Xác định áp lực của áo ngực nữ lên cơ thể người mặc và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Xác định ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ.

Bài liên quan
Đại học Bách khoa Hà Nội cao nhất 28,29 điểm; Trường Đại học Bách khoa TPHCM tính điểm chuẩn cách mới
Đại học Bách khoa Hà Nội công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2022, trong đó ngành kỹ thuật máy tính cao nhất với 28,29 điểm. Còn đối với Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TPHCM, với cách tính điểm chuẩn mới, ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành khoa học máy tính với 75,99 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường đại học Bách khoa Hà Nội nói về luận án tiến sĩ áo nịt ngực