Trường đại học kêu khó nếu không tăng học phí

10/08/2023, 12:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp khó khăn khi đối diện với chủ trương không tăng học phí trong năm học 2023 – 2024.

Công văn gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế của Trường ĐH Y dược Thái Bình viện dẫn, thực hiện Nghị quyết số 24/2023/NQ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2023, nhà trường đã điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng, tương đương tăng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.

Nếu thực hiện theo Kết luận về việc không tăng học phí trong năm học 2023 – 2024 thì nhà trường là một trong những đơn vị tự chủ không có ngân sách cấp chi thường xuyên, học phí 4 năm liên tục không được tăng, chi phí đào tạo cho ngành khoa học sức khỏe rất cao, phải đảm bảo mức lương cơ sở cho cán bộ, giảng viên theo quy định mới khiến nguồn thu của nhà trường giảm sút nghiêm trọng.

Dự kiến, nguồn kinh phí năm học 2023 – 2024 của nhà trường không đủ đảm bảo được các khoản chi cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ viên chức, người lao động và không duy trì được hoạt động bình thường của nhà trường.

Trường ĐH Y dược Thái Bình đề xuất, Bộ GD&ĐT tham mưu trình Chính phủ có quy định riêng đối với các trường đại học đã được giao tự chủ mức 1 (tự chủ một phần chi thường xuyên), mức 2 (tự chủ hoàn toàn).

Trường hợp được tăng học phí, nhà trường cam kết thực hiện đúng các quy định hỗ trợ các học viên, sinh viên diện khó khăn theo quy định của Chính phủ và hỗ trợ của nhà trường để đảm bảo người học có đủ điều kiện học tại trường.

Nếu không được điều chỉnh mức học phí, nhà trường cần có chính sách cấp bù tiền học phí cho cơ sở giáo dục đại học theo đúng mức trần học phí năm học 2023 - 2024 đã quy định tại Nghị định 81 cho các đơn vị tự chủ nhóm 1, nhóm 2.

Cho rằng, đầu tư cho giáo dục đại học còn thấp, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam viện dẫn, ngân sách chi cho giáo dục đại học khoảng 0,27% GDP. Với mức chi này, hầu như không có nước nào đầu tư cho giáo dục đại học thấp như vậy. Chúng ta không nên đánh đồng tự chủ đại học với tự túc về nguồn lực.

TS Nguyễn Viết Khuyến đề xuất, cần thanh tra, kiểm tra việc thu, chi của các cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, nếu trường nào thực sự khó khăn, cần hỗ trợ thì Nhà nước nên đầu tư nguồn lực.

“Chúng tôi đề xuất giải pháp hỗ trợ các trường, nhất là các trường tự đảm bảo chi thường xuyên. Có trường vừa tuyên bố tự đảm bảo chi thường xuyên thì ngân sách Nhà nước cấp về bằng 0, học phí không tăng. Vì vậy, làm thế nào để bù đắp được kinh phí thâm hụt này” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề và cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ ngành để đề nghị có chính sách hỗ trợ các trường. Việc này tương tự như Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để tiếp tục tục sản xuất kinh doanh.

Trích ý kiến tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-keu-kho-neu-khong-tang-hoc-phi-post650074.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-dai-hoc-keu-kho-neu-khong-tang-hoc-phi-post650074.html
Bài liên quan
Trường tư Hàn Quốc 'rục rịch' tăng học phí
Trong bối cảnh tài chính eo hẹp, các trường đại học Hàn Quốc lên kế hoạch tăng học phí cho năm 2025, kết thúc tình trạng đóng băng kéo dài 17 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường đại học kêu khó nếu không tăng học phí