Còn ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP. HCM cho rằng ‘nếu doanh nghiệp sử dụng được công nghệ của ChatGPT để xử lý dữ liệu thực tế thì đó thật sự là cuộc cách mạng. ChatGPT là công cụ khai thác dữ liệu, các doanh nghiệp muốn “thắng” thì trước hết phải làm chủ dữ liệu’.
Trong phần trao đổi của sinh viên, nhiều bạn lo lắng về tương lai nghề nghiệp của mình khi theo học khối ngành kinh tế, logistics, liệu với sự phát triển của AI và cụ thể là ChatGPT sẽ ra sao. Các diễn giả cũng đã giải đáp chi tiết yếu tố này, “chatbot” thông minh này có thể thay đổi cách thức làm việc của con người như chăm sóc khách hàng, soạn thảo nội dung, PR thương hiệu hay xử lý thông cáo báo chí, đơn hàng,… nhưng vẫn có rủi ro khi phụ thuộc hoàn toàn vào ChatGPT. Do đó, con người làm việc trong lĩnh vực có ứng dụng máy móc cần phải thay đổi, cập nhật, nếu không sẽ dễ bị đào thải.
Ngoài ra, sinh viên còn được các chuyên gia giới thiệu cụ thể về ChatGPT, chức năng, ưu điểm, nhược điểm, hướng dẫn cách thức sử dụng và một số lưu ý về công nghệ ChatGPT; Đánh giá khả năng ứng dụng ChatGPT trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, logistics; Tầm quan trọng của số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, logistics để các bạn biết cách ứng dụng và ứng xử phù hợp trong học tập, công tác sau này.
Nhiều năm qua, UEF được biết đến là trường đại học song ngữ, quốc tế, đã đóng góp cho xã hội hàng nghìn nhân lực chất lượng, có thế mạnh về ngoại ngữ, đặc biệt là khối kiến thức đào tạo luôn được trường cập nhật nhằm mang lại sự thích ứng tốt cho sinh viên khi ra trường.
Vì vậy, buổi tọa đàm trên vừa mang tính thời sự đồng thời là một phần học tập kinh nghiệm thực tế mà tất cả sinh viên của trường đều được trải nghiệm và giải đáp. Đây là bước làm giàu hành trang cho người học của Nhà trường.