image015.jpg
Giáo dục

Trường ĐH Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương tiên phong Số hóa giáo dục Âm Nhạc

Minh Phong 01/04/2025 16:35

Trường ĐH Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương tiên phong Số hóa giáo dục Âm Nhạc với Dự án VIETMUS

VIETMUS: Giá trị thiết thực từ dự án và chương trình tập huấn

Dự án VIETMUS (Vietnam Music Universities Spurring) khởi động từ tháng 1/2023, được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và do Nhạc viện Alessandro Scarlatti di Palermo điều phối.

Dự án VIETMUS bao gồm 6 trường đại học danh tiếng của Việt Nam, 3 cơ sở giáo dục âm nhạc bậc cao của châu Âu và Hiệp hội Nhạc viện châu Âu (AEC) phối hợp thực hiện.

Các đối tác Việt Nam gồm có: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Trường Đại học Hạ Long; Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Thủ Dầu Một; Trường Đại học Đồng Tháp. Các cơ sở giáo dục âm nhạc bậc cao của châu Âu gồm: Nhạc viện Alessandro Scarlatti di Palermo, Ý; Đại học Yaşar, Thổ Nhĩ Kỳ; Nhạc viện Hoàng gia Brussels (Koninklijk Conservatorium Brussel), Bỉ.

image003.png
GS. Nuno Cernadas - Đại học KCB, Bỉ chia sẻ Phòng Thí nghiệm MUSICHATHON với chủ đề lập trình nhiệm vụ tự động hóa với Chataigne.

Đây là Dự án Quốc tế về âm nhạc đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam, tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo là thành viên của dự án nói riêng, các cơ sở đào tạo âm nhạc của Việt Nam nói chung được tiếp cận các kiến thức, kỹ năng trong biểu diễn nghệ thuật, hệ thống nhạc cụ hiện đại, đẩy mạnh năng lực triển khai kỹ thuật số trong đào tạo chuyên ngành nghệ thuật.

Dự án VIETMUS dựa trên cách tiếp cận từ dưới lên, coi chuyển đổi kỹ thuật số là động cơ, phương pháp đào tạo mới, cải thiện kỹ năng phục hồi, năng lực mới trong hiệu suất từ xa và việc làm tốt hơn những cơ hội.

Quá trình này sẽ bắt đầu từ việc nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế và các thông lệ tốt nhất và sẽ tiến tới việc đánh giá và triển khai hệ thống trang thiết bị, xây dựng năng lực đội ngũ, hiện đại hóa và phát triển lĩnh vực giáo dục đại học trong xã hội và tạo lập mối quan hệ mới giữa trường đại học và doanh nghiệp.

Dự án giải quyết các vấn đề nâng cao năng lực công nghệ thông tin tại các trường đại học tại Việt Nam, đẩy mạnh công nghệ sáng tạo trong biểu diễn, giải quyết các vấn đề của ngành Âm nhạc sau hậu Covid, và đẩy mạnh tính bền vững trong hợp tác quốc tế của các trường đại học trong và ngoài nước.

Dự án được triển khai với 06 gói nhiệm vụ công việc được thiết kế nhằm đáp ứng những thách thức trong lĩnh vực giáo dục âm nhạc và thích ứng với xu hướng chuyển đổi số toàn cầu.

image005.png
GS. Fabio Crescente - Đại học Conpsa, Ý hướng dẫn “Ghi âm nhiều track dựa trên trình sắp xếp trực tuyến”.

Trong khuôn khổ chương trình tập huấn “Phòng Lab thực hành tại chỗ và tổ chức cuộc thi Sáng tạo Âm nhạc trên nền tảng số”, gói nhiệm vụ số 4 và số 5 của dự án được tổ chức tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương diễn ra từ ngày 25 đến ngày 30/3/2025.

Trong năm ngày tập huấn, dự án đã triển khai thành công chương trình đào tạo về sản xuất âm nhạc kỹ thuật số, mang lại nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng cho giảng viên và sinh viên.

Người học không chỉ được làm quen với nền tảng học tập trực tuyến Moodle và các phần mềm hỗ trợ giảng dạy mà còn được giới thiệu các công cụ biên tập âm thanh giả lập tiên tiến. Bên cạnh việc tiếp thu lý thuyết, chương trình tập trung vào thực hành với phần mềm quản lý tự động hóa, hướng dẫn phương pháp xây dựng và triển khai dự án âm nhạc chuyên nghiệp.

Đặc biệt, chương trình còn mở rộng đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sáng tác âm nhạc và thực hành chuyên sâu với phần mềm Chataigne, giúp sinh viên khai phá tiềm năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ hiện đại vào thực tiễn.

image007.png
PGS.TS. Lê Vinh Hưng - Phó Trưởng ban Quản lý Dự án VIETMUS, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW phát biểu tại Chương trình Tập huấn.

Phát biểu bế mạc chương trình Tập huấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương Lê Vinh Hưng khẳng định, chương trình tập huấn Dự án VIETMUS “Phòng Lab thực hành tại chỗ và tổ chức cuộc thi Sáng tạo Âm nhạc trên nền tảng số” đã diễn ra thành công tốt đẹp và hoàn thành các công việc theo đúng lịch trình và tiến độ của dự án.

Tập huấn đã giúp giảng viên và sinh viên nắm vững kiến thức cơ bản về công nghệ âm nhạc số và phát triển khả năng sáng tạo. Đặc biệt, sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành đã tạo môi trường học tập hiệu quả, giúp giảng viên và sinh viên tự tin triển khai ý tưởng riêng.

PGS.TS. Lê Vinh Hưng chia sẻ: “Nhìn lại hành trình triển khai Dự án VIETMUS, tôi vô cùng phấn khởi trước những thành quả đáng tự hào mà chúng ta đã đạt được. Đợt tập huấn này không chỉ đánh dấu sự kết thúc thành công của dự án mà còn mở ra chân trời hợp tác rộng mở trong tương lai - không giới hạn giữa các trường đại học Việt Nam mà còn vươn xa đến các cơ sở giáo dục nghệ thuật trên toàn cầu.

Dự án đã tạo nền tảng vững chắc để chúng ta tiếp tục đồng hành, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đồng thời mở ra cánh cửa cơ hội quý báu cho sinh viên phát triển tiềm năng và trau dồi kỹ năng cá nhân trong lĩnh vực âm nhạc”.

Thay mặt Ban Quản lý Dự án tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Lê Vinh Hưng gửi lời tri ân sâu sắc đến các chuyên gia đến từ các trường đại học thuộc Liên minh châu Âu đã trực tiếp có mặt hôm nay, các thành viên dự án, các điều phối viên, giảng viên đến từ 6 trường đại học tại Việt Nam cùng các trường thành viên của Câu lạc bộ Khối các trường đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật đã tham gia tập huấn trực tiếp và trực tuyến.

Sự hiện diện và đóng góp tận tâm của các chuyên gia, khách mời đã góp phần quan trọng làm nên thành công của chương trình tập huấn “Phòng Lab thực hành tại chỗ và tổ chức cuộc thi sáng tạo âm nhạc trên nền tảng số”.

image009.jpg
Hiệu quả của chương trình Tập huấn không chỉ nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo, mà còn là một cơ hội để lan tỏa và nhân rộng những kiến thức, kinh nghiệm quý báu tới các trường đại học và cao đẳng có đào tạo chuyên ngành âm nhạc trên toàn quốc.

Sự kiện VIETMUS Music Start Cup: Nơi tài năng âm nhạc hội tụ

Sự kiện đặc biệt của chương trình tập huấn là Cuộc thi VIETMUS Music Start Cup - sân chơi sáng tạo cho các tài năng trẻ thể hiện đam mê và khả năng của mình. Với mục đích nhằm khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực âm nhạc và tạo cơ hội cho sinh viên phát triển tài năng, Cuộc thi đã vinh danh những tài năng xuất sắc nhất thông qua các giải thưởng danh giá: Innovative Concept Cup: Vinh danh ý tưởng âm nhạc đột phá nhất; Excellence in Performance Award: Tôn vinh màn trình diễn xuất sắc nhất; Outstanding Quality Trophy: Dành cho tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao nhất; Sustainability Impact Award: Cho tác phẩm có ảnh hưởng tích cực đến môi trường và xã hội; Creative Vision Award: Vinh danh sự độc đáo và tính thời đại.

Đại diện các nhóm trình bày Dự án tại Cuộc thi VIETMUS Music Start Cup

Những giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực của các em sinh viên, mà còn là nguồn động lực to lớn giúp sinh viên thêm tự tin khẳng định bản thân, nuôi dưỡng khát vọng chinh phục nghệ thuật chuyên nghiệp. Những ý tưởng, sản phẩm âm nhạc ra đời từ cuộc thi chính là minh chứng sống động cho hiệu quả của chương trình tập huấn, đồng thời mở ra cơ hội để các tài năng trẻ tiếp tục phát triển, góp phần đưa âm nhạc Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền âm nhạc thế giới.

image011.jpg
image013.jpg
Đại diện các nhóm trình bày Dự án tại Cuộc thi VIETMUS Music Start Cup.

VIETMUS và hành trình tiếp nối

Bế mạc Tập huấn Dự án VIETMUS không chỉ đánh dấu sự thành công của một chương trình đào tạo ý nghĩa mà còn tiếp tục mở ra những bước tiến quan trọng trong giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam. Thành công của đợt tập huấn lần này một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương - đơn vị dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, định hướng và thúc đẩy sự phát triển của đào tạo nghệ thuật nước nhà.

Không dừng lại ở việc tiếp cận công nghệ, Nhà trường còn hướng đến việc kiến tạo một hệ sinh thái giáo dục nghệ thuật bền vững, nơi giảng viên và sinh viên không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn được truyền cảm hứng để sáng tạo, đổi mới không ngừng.

Các chương trình đào tạo hiện đại, sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, cùng những mô hình giáo dục tiên tiến đã giúp Nhà trường trở thành điểm sáng trong quá trình chuyển đổi số ngành nghệ thuật tại Việt Nam.

image015.jpg
Chương trình tập huấn Dự án VIETMUS “Phòng Lab thực hành tại chỗ và tổ chức cuộc thi Sáng tạo Âm nhạc trên nền tảng số” thành công tốt đẹp, tiếp tục mở ra những bước tiến quan trọng trong giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam.

Trong tương lai, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các tổ chức giáo dục và nghệ thuật quốc tế, mang đến những cơ hội học tập và phát triển chuyên môn chất lượng cao cho giảng viên, sinh viên.

Những thành tựu từ Dự án VIETMUS sẽ là nền tảng vững chắc để Nhà trường tiếp tục thực hiện sứ mệnh lan tỏa tri thức, phát huy tiềm năng của thế hệ trẻ, từ đó góp phần đưa giáo dục nghệ thuật Việt Nam vươn xa, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Với khát vọng đổi mới và tinh thần tiên phong, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương không chỉ là nơi đào tạo mà còn là bệ phóng cho những tài năng nghệ thuật, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và sáng tạo, giúp nền giáo dục nghệ thuật Việt Nam không ngừng phát triển và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Bài liên quan
Hơn 30 doanh nghiệp ‘săn’ sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
Tại Ngày hội việc làm năm học 2024 - 2025 (ngày 5/3), hơn 30 doanh nghiệp đã đến ‘săn’ sinh viên Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường ĐH Sư phạm Nghệ Thuật Trung ương tiên phong Số hóa giáo dục Âm Nhạc