Tương tự, Th.S Mai Thị Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Tâm lý học- Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết theo kết quả khảo sát thực trạng hành vi tự huỷ hoại bản thân của 3.400 trẻ vị thành niên ở các đô thị phía Nam Việt Nam, có khoảng 37% trẻ có nguy cơ tự huỷ hoại bản thân. Kết quả nghiên cứu sâu hơn cho thấy 6,1% (213 trẻ) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình.
Quang cảnh hội thảo. |
Từ thực trạng nêu trên, nhóm nghiên cứu gồm GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM và PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đưa ra những khuyến nghị về mặt chính sách tại TPHCM nhằm hướng đến việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho sinh viên, trẻ vị thành niên tốt hơn.
Theo đó, nhóm nghiên cứu kiến nghị xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần dựa vào cộng đồng; cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ có sự phối hợp trên địa bàn thành phố; xây dựng hệ thống chăm sóc đại trà và chăm sóc chuyên biệt về sức khoẻ tâm thần hậu Covid-19; đầu tư vào các công trình nghiên cứu toàn diện về sức khoẻ tâm thần tại TP để đưa ra các định hướng, chiến lược và phương án sát với thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sức khoẻ cho người dân trên phương diện đa ngành…