Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên

Hà Thuận | 22/09/2022, 06:53
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên là giải pháp mà ngành GD-ĐT tỉnh Lào Cai áp dụng gỡ khó tình trạng thiếu GV lớp 3, 7 và 10.

Nhiều trường “trắng” giáo viên

Học sinh lớp 3, 7 và 10 bắt đầu học theo chương trình mới. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Lào Cai còn thiếu nhiều giáo viên Tiếng Anh, Tin học lớp 3 và hầu hết trường THPT đều “trắng” giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc lớp 10.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Lào Cai, năm học này, toàn tỉnh thiếu hơn 600 giáo viên của 4 môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Trong đó, môn Tiếng Anh thiếu 242 giáo viên, Tin học thiếu 153 người, Âm nhạc thiếu 110, Mỹ thuật thiếu 97 người. Đặc biệt, với cấp THPT, chỉ có 1/36 trường có giáo viên Âm nhạc và không trường nào có giáo viên Mỹ thuật.

“Lịch dạy học dày đặc gây khó khăn cho tôi trong việc chuẩn bị phương tiện, thiết bị khi lên lớp. Nhiều khi mệt mỏi nhưng vì học sinh, tôi vẫn cố gắng hoàn thành công việc được giao” – cô Thúy chia sẻ.

Do khó tuyển dụng nguồn mới nên nhiều trường phải tăng số tiết dạy cho giáo viên hoặc phân công dạy kiêm nhiệm. Nhiều năm nay, cô Vũ Thị Thúy, giáo viên Trường Phổ thông DTBT THCS Tả Giàng Phìn, thị xã Sa Pa một mình đảm nhiệm dạy môn Tiếng Anh của trường. Để đảm bảo tiến độ dạy học, mỗi tuần cô Thúy phải đứng lớp 24 tiết và thêm 7 tiết tăng giờ.

Năm học này, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 2 Sán Chải, huyện Si Ma Cai có 11 lớp với 176 học sinh. Toàn trường có 20 cán bộ, giáo viên, đang thiếu giáo viên của 4 môn: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Thầy Vũ Ngọc Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đối với môn Tin học, những năm trước, nhà trường có giáo viên hợp đồng. Năm nay, chưa tuyển dụng được. Còn với môn Âm nhạc và Mỹ thuật, trường phải phân công giáo viên chủ nhiệm các lớp đảm nhiệm để đáp ứng khung chương trình. Riêng môn Tiếng Anh, nhà trường nhờ giáo viên trường khác hỗ trợ”.

Các trường THPT trên địa bàn tỉnh cũng đang “đau đầu” vì thiếu giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật lớp 10. Theo thầy Hồ Vương Thái, Hiệu trưởng Trường THPT số 3 thành phố Lào Cai, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như giáo viên, với tổ hợp môn Âm nhạc và Mỹ thuật của lớp 10, trường chưa thể triển khai dạy cho học sinh.

Còn tại Trường THPT số 3 Mường Khương, do không có giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật nên nhà trường định hướng cho học sinh chọn tổ hợp môn học khác. Theo thầy Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, đa số học sinh ở đây đều chọn nhóm môn Khoa học Xã hội.

Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên ảnh 1

Học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Thanh Kim, thị xã Sa Pa.

Khó tuyển dụng

Trước tình trạng thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ và mạng lưới trường, lớp. Sở GD&ĐT đồng thời phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 206 về tuyển dụng viên chức sự nghiệp GD-ĐT tỉnh Lào Cai. Theo đó, số lượng tuyển dụng là 500 giáo viên. Đến hết ngày 15/8, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã đã tuyển dụng xong, tiến hành phân công công tác để có giáo viên ngay từ đầu năm học.

Tuy nhiên, theo bà Giàng Thị Bằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai, mặc dù được tổ chức sớm hơn những năm học trước nhưng việc tuyển dụng rất khó khăn. Trong tổng số 485 thí sinh đăng ký xét tuyển ở tất cả cấp học, chỉ có 399 người có mặt dự thi, 86 người bỏ thi. Nhiều môn có số thí sinh dự thi ít hơn chỉ tiêu cần tuyển.

Tại huyện Si Ma Cai, theo kế hoạch phải tuyển dụng 77 chỉ tiêu cho năm học 2022 – 2023. Nhưng huyện mới tuyển được 50 chỉ tiêu do một số môn không có giáo viên dự tuyển hoặc số lượng tham gia dự tuyển ít hơn nhu cầu. Cụ thể, môn Toán 7 chỉ tiêu nhưng chỉ có 2 hồ sơ dự tuyển. Môn Tin học cần tuyển 11 người nhưng có 2 hồ sơ đăng ký. Chỉ tiêu đối với Ngoại ngữ là 6, Âm nhạc 4, song đều không có hồ sơ đăng ký dự tuyển.

Còn tại thị xã Sa Pa, theo rà soát, năm học này, toàn huyện còn thiếu hơn 187 giáo viên các môn học (Tiếng Anh thiếu 15 và Tin học thiếu 13 người). Thực hiện kế hoạch tuyển dụng, địa phương đã tuyển được 41 giáo viên. Hiện vẫn còn thiếu hơn 140 người.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng phòng GD&DT thị xã Sa Pa, cho biết: “Trong đợt này, chúng tôi chỉ tuyển được 1 giáo viên Tiếng Anh. Huyện còn thiếu 13 giáo viên Tin học nhưng không có hồ sơ nào đăng ký”.

Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên ảnh 2

Học sinh tại Trường PTDTBT TH&THCS Hầu Thào (thị xã Sa Pa) học tiếng Anh kết nối.

Đẩy mạnh dạy và học trực tuyến

Theo bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên các môn chuyên biệt như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, ngành GD-ĐT Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp. Có thể kể đến như: Dồn ghép, sắp xếp trường, điểm trường, lớp học để nâng cao chất lượng giáo dục và tiết kiệm biên chế giáo viên.

Đồng thời, giảm tối đa định mức nhân viên trong các trường để dành biên chế bố trí đủ định mức giáo viên. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển giáo dục mầm non, phổ thông dân lập để giảm tải cho cơ sở giáo dục công lập…

“Đối với các môn chuyên biệt còn thiếu nguồn tuyển như: Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, chúng tôi khuyến khích cơ sở giáo dục thực hiện dạy trực tuyến trong trường hoặc kết nối nhiều trường với nhau. Như vậy, 1 tiết có thể dạy được nhiều lớp” – bà Dương Bích Nguyệt cho biết.

Ngoài 2 môn Toán và Ngữ văn, Trường PTDT Bán trú THCS Tả Giàng Phìn (thị xã Sa Pa) thiếu giáo viên chủ yếu ở các môn chuyên biệt như: Tiếng Anh, Tin học. Giải pháp nhà trường đưa ra được thầy Nguyễn Vỹ Nam chia sẻ là tạm thời giảm định mức tiết học/tuần để giáo viên không bị áp lực.

“Phòng đã lên kế hoạch sử dụng hợp lý, cân đối đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên hiện có. Đồng thời, tiếp tục tăng cường, biệt phái và thực hiện phong trào “phòng giúp phòng”, “trường giúp trường”, “giáo viên giúp đỡ giáo viên” để giảm áp lực về nhân sự, đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh, Tin học”, ông Nguyễn Trường Chinh thông tin.

“Âm nhạc và Mỹ thuật là môn năng khiếu, rất đặc thù nên không thể để giáo viên môn khác dạy thay. Chúng tôi tính đến việc tuyển giáo viên hợp đồng hoặc mượn người của trường khác về giảng dạy” – thầy Thái cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường giúp trường, giáo viên giúp giáo viên