Các trường mầm non đã chủ động đẩy mạnh truyền thông về bệnh bạch hầu cũng như cách phòng dịch cho phụ huynh và trẻ.
Mặt khác, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nội bộ cho giáo viên nhận biết dấu hiệu về bệnh, chủ động xử lý tình huống ngay tại lớp học.
Ông Nguyễn Văn Thêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, ngay sau khi địa phương xác định trường hợp M. T. B (18 tuổi), tạm trú tại xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa) dương tính với bạch hầu, sở đã có văn bản gửi phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị trực thuộc triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Sở yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền về biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu, lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đồng thời, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc sở, chỉ đạo giáo viên thường xuyên giữ mối liên lạc với phụ huynh học sinh để theo dõi, giám sát sức khỏe học sinh trong thời gian nghỉ hè.
Ngành GD-ĐT Bắc Giang yêu cầu các trường nắm chắc diễn biến dịch bệnh bạch hầu đang diễn ra trên địa bàn, đảm bảo sẵn khu vực cách ly, vật tư, trang thiết bị phòng, chống dịch khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.
“Sở GD&ĐT lưu ý, giáo viên, học sinh khi có dấu hiệu sốt, đau họng, ho, phải đến ngay cơ sở y tế để khám tư vấn và điều trị...”, ông Nguyễn Văn Thêm nói.
Với hơn 100 trẻ đến trường tham gia các hoạt động hè, cô Nguyễn Thị Minh Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đoan Bái số 1 (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết, nhà trường đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu cho trẻ, nhất là công tác vệ sinh.
“Trường tuyên truyền tới phụ huynh để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho trẻ. Trẻ đến trường được vệ sinh cá nhân, ăn uống, theo dõi sức khỏe. Nếu phát hiện có biểu hiện của bệnh bạch hầu sẽ đưa trẻ đến ngay trạm y tế khám chữa...”, cô Minh Phương nói.
Ngay sau khi phát hiện ca dương tính với bạch hầu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có văn bản hỏa tốc chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng loạt biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trong nước và trên địa bàn tỉnh, phát hiện sớm, hướng dẫn cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức cho các đơn vị y tế trên toàn tỉnh về giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, chẩn đoán, cách ly, cấp cứu, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bắc Giang tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn và xử lý môi trường theo quy định. Tổ chức giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng có dịch bạch hầu; phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng.
“Đến ngày 11/7, toàn tỉnh Bắc Giang, chưa ghi nhận trường hợp trẻ mầm non, học sinh, sinh viên nào dương tính với bạch hầu...”, ông Từ Quốc Hiệu - Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long tuy bệnh bạch hầu chưa ghi nhận ca nhiễm nhưng công tác phòng ngừa được các địa phương, ngành Giáo dục quan tâm. Đang là thời điểm nghỉ hè, học sinh không đến trường nên các nhóm Zalo lớp kết nối nhà trường với phụ huynh là kênh truyền thông xuyên suốt.
Theo đó, nhà trường, giáo viên thường xuyên nhắc nhở phụ huynh cập nhật tình hình dịch bệnh bạch hầu. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ mầm non, học sinh tiểu học. Các trường cử nhân viên thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học.
Chị Đặng Bích Ngọc - phụ huynh ngụ tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết: “Thời điểm năm học mới cận kề, tuy học sinh không đến trường nhưng thầy cô thông qua nhóm Zalo cập nhật tình hình bệnh bạch hầu ở một số địa phương. Qua đó chia sẻ nhiều cách phòng, phát hiện khi con em có dấu hiệu mắc bệnh cũng như phương án xử lý khi nghi nhiễm. Đặc biệt, nhắc nhở phụ huynh kiểm tra sổ tiêm ngừa để đảm bảo việc tiêm phòng bạch hầu đầy đủ”.
Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã gửi thông báo đến phụ huynh về tình hình dịch bạch hầu như dấu hiệu nhận biết, mức độ nguy hiểm của bệnh cũng như biện pháp phòng, chống. Ngoài ra, nhà trường dán nội dung liên quan tại bảng tin chung và góc thông báo các lớp học để phụ huynh tiếp cận thông tin, chủ động thực hiện, phối hợp bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Cô Lương Thị Thúy Quỳnh - Hiệu trưởng cho biết: “Trong khi chờ trạm y tế phường xây dựng lịch hướng dẫn chuyên môn cho nhân viên y tế và giáo viên nhà trường trong công tác phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng, bệnh bạch hầu, ho gà và các bệnh dự phòng bằng vắc-xin, nhà trường đã chủ động truyền thông trong giáo viên. Nhân viên y tế nhà trường đã hướng dẫn giáo viên nắm được triệu chứng bệnh, nguyên nhân lây nhiễm. Giáo viên cần nhắc nhở trẻ sử dụng đúng đồ dùng cá nhân của mình như cốc uống nước, khăn lau mặt…”.
Dù trong thời gian nghỉ hè nhưng Ban Giám hiệu Trường Mầm non Nậm Chảy (Mường Khương, Lào Cai) vẫn yêu cầu cán bộ, giáo viên nhân viên y tế thông báo đến phụ huynh về đặc tính của bệnh, những dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh để phụ huynh chủ động phòng tránh cho trẻ.
Chia sẻ của cô Sền Thị Thơm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Chảy: “Nhà trường đã phối hợp với trạm y tế để nắm bắt các hướng dẫn, tập huấn về bệnh. Đặc biệt, trường yêu cầu nhân viên y tế, giáo viên phải chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình dịch bệnh. Tháng 8, trẻ bắt đầu tựu trường, công tác phòng chống bệnh phải luôn sẵn sàng, đảm bảo trẻ đến trường được an toàn. Để phòng chống bệnh hiệu quả, chúng tôi cũng tuyên truyền phụ huynh chủ động cho trẻ đi tiêm vắc-xin”.
Mặc dù trong kỳ nghỉ hè nhưng để đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, trẻ vẫn đến Trường Mầm non Tân Mai (Long Biên, Hà Nội) học bình thường. Do đó, công tác phòng chống bệnh bạch hầu được nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Bích Ngọc, đối với các lớp, Trường Mầm non Tân Mai yêu cầu giáo viên nghiêm túc thực hiện theo dõi sức khỏe trẻ từ lúc đón và khi ở trường. Tăng cường công tác vệ sinh, kiểm tra chặt chẽ quy trình thực hiện thao tác vệ sinh cá nhân của trẻ.
Giáo viên thường xuyên theo dõi sức khoẻ cho trẻ để phát hiện sớm các dấu hiệu sốt nhẹ, đau họng, chảy nước mũi, da xanh, mệt mỏi… để kịp thời thông báo cho ban giám hiệu, nhân viên y tế, phụ huynh và cơ quan y tế để xử lý, không được chủ quan, tự động đi mua thuốc cho uống.
Trước đó, Phòng GD&ĐT quận Long Biên cũng có văn bản chỉ đạo các trường về công tác phòng chống bệnh bạch hầu. Theo đó, yêu cầu các trường học chủ động tăng cường triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phổ biến kiến thức, thông tin mới nhất về các triệu chứng và cách phòng chống bệnh hiệu quả nhất (có bài tuyên truyền cụ thể) đến cán bộ giáo viên, trẻ và phụ huynh.
Nhà trường chủ động liên hệ với trạm y tế phường tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cử cán bộ phụ trách và nhân viên y tế tham gia lớp tập huấn do trung tâm y tế quận tổ chức.
Trường Mầm non Tân Mai (Long Biên, Hà Nội) yêu cầu tổ bếp đảm bảo công tác an toàn thực phẩm, thực hiện đúng quy trình chế biến món ăn, tăng cường thực phẩm tăng sức để kháng cho trẻ. Phối hợp chặt chẽ cùng giáo viên theo dõi chế độ ăn của trẻ. Sau mỗi ngày học, nhà trường phân công giáo viên, nhân viên vệ sinh lớp học, bàn ghế, đồ chơi để đảm bảo vệ sinh, mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng, hạn chế cơ hội xâm nhập của vi khuẩn.
Trong xây dựng thực đơn, Trường Mầm non Bình Minh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chú ý cân đối rau xanh và đạm để các bữa ăn ở trường đầy đủ chất dinh dưỡng. “Tâm lý chung của phần lớn trẻ không thích ăn rau xanh. Vì vậy, bộ phận cấp dưỡng phải làm sao tăng sự hấp dẫn, ngon miệng để kích thích trẻ ăn khi chế biến những món ăn có rau xanh, củ quả”, cô Hiệu trưởng Thúy Quỳnh chia sẻ. Ngoài tăng sức đề kháng thông qua điều chỉnh thực đơn bữa ăn, nhà trường còn tăng cường trò chơi vận động phù hợp với không gian lớp học để cải thiện thể chất cho trẻ.
Nước uống của trẻ cũng được nhà trường chú ý. “Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, sẽ loại bỏ nhiều độc tố ra bên ngoài. Tuy nhiên, trẻ mầm non đôi khi mải chơi quên uống nước, hoặc chỉ uống lúc cảm thấy khát. Chính vì vậy, giáo viên đứng lớp phải thường xuyên nhắc nhở. Nước uống được đun và sử dụng trong ngày, không để qua đêm”, cô Thúy Quỳnh thông tin.
Trường Mầm non Bình Minh cũng tiến hành thu thập thông tin về các mũi tiêm vắc-xin của trẻ để có cơ sở truyền thông, vận động phù hợp đến phụ huynh về dự phòng bệnh bằng vắc-xin.
Bác sĩ Phước Nhường (Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Các biện pháp chủ động phòng ngừa dịch bệnh là tuyên truyền giáo dục sức khoẻ; thường xuyên cập nhật thông tin cần thiết về bệnh bạch hầu cho người dân, nhất là bố mẹ, thầy cô giáo biết để phát hiện sớm, cách ly, phòng bệnh và cộng tác với cán bộ y tế cho các em đi tiêm vắc-xin đầy đủ. Đối với công tác vệ sinh phòng bệnh, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng. Tổ chức tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.