Tại Trường Trung học eSport Nhật Bản, nhà trường kết hợp hoạt động học tập truyền thống với chương trình đào tạo chuyên sâu về trò chơi điện tử. Trường lắp đặt nhiều màn hình lớn, giàn máy tính cấu hình cao. Các thiết bị này sẽ hỗ trợ giáo viên giảng dạy về trò chơi nổi tiếng trên Internet như bắn súng, chiến lược thời gian thực, đấu trường trực tuyến…
Không chỉ theo đuổi con đường thi đấu chuyên nghiệp, người chơi thể thao điện tử có thể trở thành game thủ chuyên nghiệp, nhà phát triển trò chơi điện tử, người sáng tạo nội dung trên YouTube, lập trình viên...
Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong muốn thu hút học sinh không thích đến trường trở lại lớp học. Tại Nhật Bản, số lượng học sinh bỏ học trường công đang tăng cao vì các em cảm thấy môi trường học phổ thông thiếu hấp dẫn hoặc bị bắt nạt.
Còn tại Anh, Trường Cao đẳng eSport cho biết mục tiêu của nhà trường là nuôi dưỡng tài năng và xây dựng kỹ năng phục hồi. Điều này giúp học sinh chuẩn bị kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực cần thiết để thích nghi và phát triển trong môi trường thay đổi liên tục và xã hội toàn cầu đang ngày càng đa dạng.
Công ty công nghệ Intel, Mỹ, cho rằng học tập dựa trên trò chơi được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích về nhận thức và hành vi xã hội như nâng cao lòng tự trọng, thành tích học tập... Đây cũng là những kỹ năng mà các chuyên gia hướng đến khi nói về giáo dục trẻ.
Theo báo cáo “Xúc tác Giáo dục 4.0” của Diễn đàn Kinh tế thế giới, cần có nhiều nghiên cứu hơn về vai trò tiềm năng của công nghệ trong việc thúc đẩy học tập xã hội và cảm xúc.
“Màn hình và công nghệ kỹ thuật số trở thành một phần nhất quán trong cuộc sống hàng ngày của nhiều trẻ em. Công nghệ kỹ thuật số có thể là công cụ giá trị trong quá trình phát triển của trẻ. Tuy nhiên, cần tránh đặt trẻ em trở thành người tiếp nhận thụ động, không có chỗ cho sự sáng tạo, tương tác, vui chơi trong cuộc sống thực” - báo cáo phân tích.
Theo Weforum