Giáo dục

Trường học phòng bệnh từ xa ngày giá rét

11/02/2025 18:19

Trong bối cảnh thời tiết lạnh kéo dài và sự gia tăng của bệnh cúm mùa, các nhà trường áp dụng nhiều giải pháp để bảo vệ sức khỏe cho trẻ...

Bảo đảm ăn nóng, ngủ ấm

Những ngày qua, phụ huynh có con học tại Trường Mầm non Hoa Sen, TP Phủ Lý (Hà Nam) được khuyến cáo cần mặc đủ ấm cho trẻ khi đến lớp, không cần thiết mặc áo đồng phục. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Minh Hồng cho biết, tỷ lệ chuyên cần của trẻ những ngày sau nghỉ Tết đạt gần 90%.

Trước đó, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế phường và một số ban ngành, đoàn thể tiến hành tổng vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, không gian lớp học bằng dung dịch Cloramin-B để phòng chống dịch bệnh. Các đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế… được giáo viên lau dọn sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp để trẻ tới lớp với niềm phấn khởi và an toàn.

“Chúng tôi tuyên truyền trên nhóm Zalo các lớp để phụ huynh chủ động mặc ấm cho trẻ khi đến trường. Bữa ăn bán trú được ưu tiên nấu theo thực đơn mùa Đông, đảm bảo giữ độ ấm nóng để trẻ ăn ngon hơn; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong lớp có hệ thống mành rèm và cửa chống gió lùa giúp giữ ấm cho trẻ khi ngủ hay các hoạt động khác”, cô Minh Hồng thông tin thêm.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) cho hay, nhà trường đã tuyên truyền các bậc phụ huynh mặc đủ ấm cho trẻ khi trời rét. Trẻ đến trường được học và tham gia các hoạt động trong lớp mà không tổ chức hoạt động ngoài trời. Cô giáo chăm sóc, vệ sinh cho trẻ bằng nước ấm, các lớp có hệ thống bình nóng lạnh.

Chú trọng công tác nuôi dưỡng cho trẻ tại trường, thức ăn được chế biến đúng thời gian và đảm bảo còn ấm khi cho trẻ ăn. Tổ chức cho trẻ ngủ tại lớp đủ ấm. Nhà trường trang bị đủ sạp ngủ, đệm, chăn cho 100% nhóm lớp và chỉ đạo giáo viên thường xuyên quan sát và đắp chăn cho trẻ trong giờ ngủ.

Tại Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông (Hà Nội), các lớp đều có đầy đủ hệ thống nước nóng lạnh để trẻ sử dụng. Cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu An trao đổi và nhấn mạnh thêm, nhà trường hạn chế cho trẻ hoạt động ngoài trời, tổ chức hoạt động phù hợp, nấu ăn đảm bảo ấm nóng; cho trẻ vệ sinh rửa tay, mặt bằng nước ấm; giờ ngủ đảm bảo đệm êm, chăn ấm và mắc màn để tránh gió lùa.

Một trong những vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu là an toàn phòng chống dịch bệnh. Thời điểm sau Tết, nhiều nơi xuất hiện tình trạng trẻ mắc cúm A. Theo cô An, hiện nhà trường chưa ghi nhận trẻ bị cúm nhưng công tác phòng dịch đặc biệt quan tâm. Trẻ được khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi ra đường, cha mẹ cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho trẻ để phòng cúm.

xoc-lai-he-mien-dich-cho-tre-1.jpg
Lực lượng y tế phun khử khuẩn định kỳ toàn bộ khuôn viên, lớp học tại Trường Mầm non Hoa Sen, TP Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh: TG

Chủ động phòng bệnh từ xa

Vào mùa lạnh, một số vấn đề sức khỏe thường gặp ở người như: Cảm lạnh, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu... Nguyên nhân chủ yếu do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hay do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột. Người già và trẻ nhỏ nằm trong số các đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sức khỏe.

Cô Bùi Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng nhất khi chăm sóc sức khỏe trẻ nhỏ trong mùa lạnh chính là giữ ấm cơ thể. Trẻ mầm non dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết và có thể bị cảm lạnh, ho hoặc viêm họng nếu không được bảo vệ đúng cách. Vì vậy, mặc đủ ấm cho trẻ rất quan trọng.

Các bậc phụ huynh và giáo viên cần chú ý đến việc chọn trang phục phù hợp, bao gồm áo ấm, mũ, khăn, găng tay và tất, giúp trẻ giữ nhiệt cả ngày. Bên cạnh đó, lớp học và không gian sinh hoạt cũng cần đảm bảo kín gió, ấm áp để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ. Trẻ cũng cần được tham gia các hoạt động thể chất ngay tại lớp để giữ ấm cơ thể.

“Chế độ ăn uống đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp trẻ có sức khỏe tốt để chống lại tác nhân gây bệnh. Các bữa ăn nên được bổ sung nhiều loại rau củ quả như cà rốt, bí đỏ để hỗ trợ hệ miễn dịch. Ngoài ra, khuyến khích trẻ uống đủ nước, đặc biệt nước ấm sẽ giúp cơ thể luôn duy trì sự cân bằng nhiệt độ, tránh tình trạng khô rát cổ họng”, cô Vân nói.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cúm mùa thường xảy ra vào thời tiết lạnh, đặc biệt giai đoạn chuyển mùa Đông Xuân. Bệnh cúm mùa có từ rất lâu ở các nơi trên thế giới, thường gây ra bởi virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp.

Trên cơ thể người khỏe mạnh có hệ miễn dịch tốt thì các biểu hiện cúm thường nhẹ như sổ/ngạt mũi, hắt hơi, ho, đau người, sốt và nếu được nghỉ ngơi, giữ ấm, ăn uống đầy đủ và uống thuốc cảm cúm thông thường sẽ tự khỏi và không phải nhập viện. Các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu như: Tăng cường vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, giữ ấm, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh môi trường, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo: Người cao tuổi, có hệ miễn dịch yếu, trẻ em dưới 5 tuổi... nên chủ động tiêm phòng cúm hằng năm để phòng bệnh. Vắc-xin cúm mùa sẽ giúp hệ miễn dịch của chúng ta chống đỡ được virus khi có dịch cúm và nếu mắc bệnh sẽ giảm nguy cơ tiến triển nặng. Cần lưu ý, việc tiêm phòng cần nhắc lại mỗi năm chứ không phải tiêm một lần mà miễn dịch lâu dài.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-phong-benh-tu-xa-ngay-gia-ret-post719033.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-phong-benh-tu-xa-ngay-gia-ret-post719033.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học phòng bệnh từ xa ngày giá rét