Giáo dục

Trường học tiếp nhận tài trợ: Làm sao để thấu tình, đạt lý?

16/09/2024 08:11

Tiếp nhận tài trợ từ nguồn xã hội hóa giúp các trường học có thêm điều kiện phục vụ dạy và học tốt hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng cần bám sát văn bản hướng dẫn để đảm bảo thấu tình, đạt lý.

Trân quý mọi nguồn lực

Đầu năm học cũng là thời điểm nhiều bậc phụ huynh lo lắng với các khoản thu từ nhà trường, nhất là những gia đình đông con. Vấn đề minh bạch trong thu chi, khoản nào bắt buộc, khoản nào tự nguyện phải được làm rõ. Việc tiếp nhận tài trợ ở mỗi nhà trường cũng cần được thực hiện theo đúng quy định Nhà nước.

Trao đổi về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Bình - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (Sóc Sơn, Hà Nội) nhấn mạnh, ngày 3/8/2018, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 16/2018 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong đó quy định rõ về nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, không để thất thoát, lãng phí.

Do nằm ở địa bàn nông thôn, đời sống kinh tế nói chung của người dân còn nhiều khó khăn nên Trường THCS Thanh Xuân ít khi huy động các nguồn xã hội hóa để nâng cao hệ thống cơ sở vật chất của đơn vị, phục vụ nhu cầu học sinh; đa phần do nguồn kinh phí đầu tư từ Nhà nước. Việc vận động, tiếp nhận tài trợ phải có kế hoạch chi tiết, được UBND huyện thông qua và thống nhất với phụ huynh thì mới thực hiện.

“Vào mỗi dịp hội khóa, các cựu học sinh về thăm trường cũ và tặng các hiện vật như ghế đá, xích đu hay những phần học bổng khuyến học dành cho học sinh nghèo vượt khó, xuất sắc, nhà trường vô cùng hoan nghênh. Điều này thể hiện sự tri ân của các thế hệ học trò tới thầy cô và mái trường xưa. Những phần quà này được sử dụng đúng mục đích nên tạo hiệu ứng tích cực và lan tỏa tốt, giúp học sinh thêm động lực phấn đấu”, cô Bình thông tin.

Tại Trường Tiểu học Hải Hưng (Hải Hậu, Nam Định), nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên nhà trường có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học khá đồng bộ, đảm bảo thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018. Khi có các nhà hảo tâm tới trường tặng quà, trao học bổng cho học sinh dịp khai giảng năm học mới, nhà trường vô cùng trân trọng.

“Chủ trương xã hội hóa giáo dục có từ nhiều năm nay. Mỗi năm học, nhà trường luôn tuân thủ theo văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như công tác tiếp nhận tài trợ từ các nguồn xã hội hóa. Nhà trường luôn trân trọng tấm lòng vàng của các nhà hảo tâm dành tặng học sinh khó khăn vươn lên trong học tập. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội sẽ góp phần đưa chất lượng giáo dục đi lên”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Tuyến nhìn nhận.

lam sao de thau tinh dat ly (1).JPG
Thầy Lê Thanh Giang - Hiệu trưởng Trường THPT Giao Thủy (Nam Định). Ảnh: TG

Đảm bảo công khai, minh bạch

Nhấn mạnh việc bám sát theo Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT, cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho hay, vận động tài trợ ở các nhà trường vốn là vấn đề khá “nhạy cảm”. Tùy theo điều kiện từng địa phương, mỗi trường sẽ có giải pháp khác nhau để tận dụng các nguồn lực dành cho giáo dục trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật.

Về nguyên tắc, mỗi trường phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ; thành lập tổ tiếp nhận gồm ban giám hiệu, kế toán, đại diện hội cha mẹ học sinh của trường. Sau khi nhận được tài trợ cần có kế hoạch sử dụng thế nào, vào mục đích gì; công khai số tiền, hiện vật được tài trợ để mọi người cùng biết và thực hiện. Giá trị của khoản tài trợ phải được theo dõi và ghi chép trong sổ kế toán của nhà trường theo quy định.

Nhiều năm nay, Trường THPT Giao Thủy (Giao Thủy, Nam Định) thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp nhận tài trợ từ các nguồn xã hội hóa để nâng cao hệ thống cơ sở vật chất phục vụ học sinh. Mỗi hiện vật, công trình được tài trợ đều sử dụng đúng mục đích. Việc này nếu thực hiện không chặt chẽ, chủ quan, lơ là rất có thể tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động chung của đơn vị.

Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Lê Thanh Giang đồng thời trao đổi: “Trước thềm năm học 2024 - 2025, chúng tôi rất phấn khởi khi một cựu học sinh thành đạt quyết định tặng nhà trường 30 chiếc điều hòa nhiệt độ lắp ở các phòng học. Toàn bộ chi phí vận chuyển, lắp đặt được vị này tài trợ 100%, nhà trường chỉ tiếp nhận và thực hiện các bước theo đúng tinh thần của Thông tư 16/2018 của Bộ GD&ĐT. Nhờ đó, học sinh được thụ hưởng điều kiện học tập tốt hơn”, thầy Giang bộc bạch.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - giảng viên cao cấp Học viện Quản lý Giáo dục khẳng định, chủ trương xã hội hóa giáo dục phù hợp với thực tế hiện nay ở nước ta.

Trong khi ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất cho các nhà trường là cần thiết. Từ đó góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Nữ chuyên gia này cũng khuyến cáo, huy động và sử dụng các nguồn tài trợ phải thực sự phục vụ cho lợi ích của học sinh; tuyệt đối không được vì mục đích thương mại hóa; đảm bảo mục tiêu minh bạch tài chính, đầu tư đúng mục đích và giá trị sử dụng. Đặc biệt, phải có sự giám sát của các cơ quan chức năng hay chính quyền địa phương để thấy rõ vai trò, giá trị việc tiếp nhận tài trợ ở mỗi trường.

Trong quá trình vận động, tiếp nhận tài trợ, nhà trường tuyệt đối không chia bình quân và ép phụ huynh phải đóng tiền vì nhiều người không muốn hoặc không có khả năng về kinh tế.

Nhà trường chỉ có thể khuyến khích để phụ huynh tự nguyện tham gia nếu có điều kiện để cùng tạo nên môi trường học tập tốt hơn cho học sinh. Về nguyên tắc, dù phụ huynh góp công hay của thì nhà trường đều trân quý và đối xử công bằng với học sinh. Do đó, mỗi trường khi tiếp nhận tài trợ phải nắm chắc văn bản và thực hiện nghiêm túc. - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng.

Bài liên quan
Tiếng Anh phủ sóng trường học: Tháo gỡ nút thắt vùng sâu, vùng xa
Để đưa đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam cần rất nhiều những nỗ lực từ nhiều phía, trong đó vai trò của các nhà đầu tư trong giáo dục cho mục tiêu này rất quan trọng, để từ đó có thể "phủ sóng" tiếng Anh tới mọi miền đất nước, trong đó có vùng sâu, vùng xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường học tiếp nhận tài trợ: Làm sao để thấu tình, đạt lý?