Trường Junko - nơi viết tiếp những giấc mơ dang dở

Hà Nguyên | 01/03/2022, 20:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm 1994, từ đất nước Nhật Bản xa xôi, qua giới thiệu của GS Trần Văn Thọ, ông bà Takahashi đến Quảng Nam để tài trợ xây dựng ngôi trường tiểu học tại Điện Bàn, hoàn thành di nguyện của người con gái vắn số.

Ông Takahashi (giữa) cùng GS.TS Trần Văn Nam (bìa trái) và thầy Hiệu trưởng Lê Quốc Hà trước di ảnh của Takahashi Junko ở phòng truyền thống của Trường Tiểu học Junko trong chuyến thăm trường vào năm 2019. Ông Takahashi (giữa) cùng GS.TS Trần Văn Nam (bìa trái) và thầy Hiệu trưởng Lê Quốc Hà trước di ảnh của Takahashi Junko ở phòng truyền thống của Trường Tiểu học Junko trong chuyến thăm trường vào năm 2019.

Năm 2003, trường được đổi tên là Trường Tiểu học Junku. Sự ra đời của ngôi trường đặc biệt, cùng với việc duy trì hoạt động của Hiệp hội Junko của Trường Đại học Meiji Gakuin đã nối dài đường đến trường cho nhiều học sinh nghèo.

Tiếp nối những ước mơ còn dang dở…

Năm 1993, khi đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường ĐH Meiji Gakuin (Minh Trị Học viện), Takahashi Junko cùng một người bạn thực hiện chuyến du lịch tại Việt Nam. Junko và bạn đã có những trải nghiệm thú vị ở 4 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An và TPHCM.

Theo giáo sư hướng dẫn ở đại học, khi trở về Nhật Bản, hai nữ sinh đã viết rằng đi đến đâu, họ cũng nhận được những tình cảm nồng hậu, thân thiết của người dân, đồng thời nhận thấy nhiều trẻ em Việt Nam lang thang ngoài đường thay vì đến trường học. Riêng cô nữ sinh 20 tuổi Junko mong muốn trong tương lai giúp những trẻ em khó khăn ở Việt Nam có cơ hội được học tập.

Thế nhưng, chỉ 3 tháng sau đó, Junko không may bị tai nạn giao thông và đã ra đi mãi mãi. Lần giở những trang nhật ký của con gái, ông bà Takahashi biết được ước mơ còn dang dở của con.

GS.TS Trần Văn Thọ, người đóng vai trò kết nối cho câu chuyện dài sau này về nguồn gốc của Trường Tiểu học Junko kể: Cha mẹ của Junko, ông bà Takahashi Hirotaro, muốn thực hiện ý nguyện của con gái, dùng tiền bồi thường bảo hiểm, tiền phúng điếu của người thân và bạn bè, cùng với số tiền họ để dành cho ngày vui của con trong tương lai vào việc xây dựng một cơ sở giáo dục tại Việt Nam.

Ông bà đã bàn với Giáo sư Ebashi Masahiko, người hướng dẫn của Junko và họ đã quyết định xây dựng một trường tiểu học tại Việt Nam. Vốn là bạn của Giáo sư Ebashi, GS.TS Trần Văn Thọ được ông liên lạc hỏi ý kiến và đề nghị làm đầu mối tiếp xúc với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Trong một chuyến về quê sau đó, GS Trần Văn Thọ đã đến gặp ông Nguyễn Đình An, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. GS Trần Văn Thọ đề nghị chính quyền tỉnh quan tâm dự án và chọn một làng quê ở Quảng Nam để giúp xây dựng một trường tiểu học. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng rất vui, đánh giá cao ý hướng cao đẹp này và hứa sẽ tiến hành các chuẩn bị cần thiết để sớm thực hiện.

GS.TS Trần Văn Nam – em trai của GS Trần Văn Thọ sau đó đã tiếp tục cùng với GS Ebashi Masahiko và ông bà Takahashi, với hỗ trợ của chính quyền địa phương, đã tìm hiểu và lựa chọn địa điểm, tiến hành các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án. “Với truyền thống Ngũ phụng tề phi, danh nhân Trần Quý Cáp,… đất học Điện Bàn, xã Điện Phước đã được các bên thống nhất lựa chọn.

Điện Phước còn có vị trí địa lý không quá xa Hội An hay Đà Nẵng để người Nhật, nhất là các thế hệ sinh viên Trường Đại học Meiji Gakuin, có thể dễ dàng ghé thăm khi đến Việt Nam. Cuối cùng, vào năm học 1995 - 1996, trường Junko khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên với 950 học sinh” - GS.TS Trần Văn Thọ cho biết.

Sự tiếp nốicủa một dòng chảy

Năm 2020, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio đã đến thăm Trường Tiểu học Junko. Ông khẳng định sẽ cùng với các đơn vị hữu trách, UBND tỉnh Quảng Nam xúc tiến các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện để Trường Tiểu học Junko tổ chức dạy tiếng Nhật tại đây và trao tặng học bổng cho các em học sinh. Sau chuyến thăm này, thầy Lê Quốc Hà cho biết, nhà trường đã được đầu tư xây dựng một khối nhà mới tương đương 4 phòng học, phục vụ cho việc triển khai Chương trình – SGK mới và sắp đưa vào sử dụng.

Năm 1995, trong lễ khánh thành phân hiệu được xây dựng mới của Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám, tên ban đầu của trường Junko, ông bà Takahashi đã mang theo di ảnh của người con gái đến.

Những ai tham dự buổi lễ đặc biệt ấy đều không khỏi rưng rưng xúc động. Những sợi dây kết nối giữa gia đình ông bà Takahashi với ngôi trường nhỏ ở miền Trung Việt Nam vẫn được duy trì trong suốt mấy chục năm qua để cùng vun đắp cho sự nghiệp giáo dục.

Trường ĐH Meiji Gakuin đã lập Hiệp hội Junko (Junko Association - JA) để tiếp nối sứ mệnh còn dang dở của cô sinh viên có tấm lòng nhân hậu. Theo GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, JA do một sinh viên của trường luân phiên làm chủ tịch, dưới sự bảo trợ của các giáo sư.

Hàng năm, JA đều cử đại diện sinh viên sang giao lưu, trao học bổng cho những học sinh vượt khó học tập của Trường Tiểu học Junko và giúp tu sửa nhỏ cơ sở vật chất.

Thầy Lê Quốc Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko cho biết: “Ngoài hỗ trợ học bổng cho học sinh của Trường Tiểu học Junko, suốt một thời gian dài, JA còn mở rộng việc trao học bổng đến các trường tiểu học lân cận ở Điện Bàn như Trường Tiểu học Kim Đồng, Huỳnh Thúc Kháng và một số trường tiểu học tại Đà Nẵng.

Đặc biệt, mỗi năm, sẽ có một sinh viên thuộc ĐH Đà Nẵng từng học tại Trường Tiểu học Junko được chọn trao học bổng toàn phần bao gồm ăn ở, đi lại và học tập tại Trường ĐH Meiji Gakuin”.

Về điều này, GS.TS Trần Văn Nam cho biết: “Nhờ mối quan hệ này mà ĐH Meiji Gakuin và ĐH Đà Nẵng đã ký kết hợp tác giao lưu văn hóa, khoa học và hàng năm, ĐH Đà Nẵng có một suất học bổng du học cho sinh viên tại ĐH Meiji Gakuin vốn xuất thân từ Trường Tiểu học Junko”.

Hơn 25 năm thành lập, biết bao thế hệ học sinh của miền quê nghèo Điện Phước đã tiếp nối ước mơ của Junko, học giỏi và trở lại giúp đỡ những thế hệ học sinh sau này.

Chị Trần Thị Kim Oanh (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng) chia sẻ: “Mình là một trong những sinh viên may mắn được nhận suất học bổng du học tại Trường ĐH Meiji Gakuin. Mình rất tự hào là học sinh cũ của Trường Tiểu học Junko. Nơi đây, đã mở ra cho mình nhiều cơ hội trong học tập và công việc sau này”.

Chị Kim Oanh hiện vẫn là tình nguyện viên của JA, tiếp nối những ước mơ còn dang dở của Junko, giúp đỡ những học trò nghèo nối dài đường học.

GS.TS Trần Văn Nam cho biết thêm, vào những năm 90 của thế kỷ trước, việc nhận tài trợ 128.808 USD, tương đương 1,419 tỷ đồng để xây dựng nên ngôi trường khang trang ở xã Điện Phước (Điện Bàn) là đáng mơ ước của tất cả trường tiểu học ở nông thôn.

Không chỉ vậy, đến năm 2000, cha mẹ và những người bạn của Junko lại tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu, trị giá khoảng 200 triệu đồng vào thời điểm đó. Ngoài ra, họ còn hỗ trợ rất nhiều dụng cụ học tập, để giúp ngôi trường thêm khang trang hơn.

Bài liên quan
5 tuổi này hay được thần TÀI trợ DUYÊN, làm ăn dễ GIÀU hơn khối người!
Cuộc sống này ai chẳng phải kiếm tiền, thế nhưng những con giáp hay được thần Tài sủng ái này lại có cơ may kiếm tiền dễ hơn những người khác.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường Junko - nơi viết tiếp những giấc mơ dang dở