Trường nghề linh hoạt tuyển sinh để tồn tại

Anh Tú | 28/06/2022, 20:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

GD&TĐ - Nhiều trường nghề vẫn đang đối diện với thách thức trong tuyển sinh vì người học thờ ơ. Để thoát khỏi tình cảnh lay lắt chờ đợi người học, các trường đang chủ động và linh hoạt tìm cách để thu hút thí sinh.

Linh hoạt các phương thức tuyển sinh

Ths Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường TC Quốc tế Khôi Việt cho biết chưa năm nào cảm thấy băn khoăn lo lắng như năm nay khi số lượng hồ sơ nộp vào trường khá ít ỏi.

“Dù đã triển khai công tác tuyển sinh từ đầu tháng 3 nhưng đến thời điểm này số hồ sơ xét tuyển nộp về trường khá ít, mới hơn 150. Số chỉ tiêu ngắn hạn thì có đỡ hơn nhưng rõ ràng xu hướng chọn trường nghề của học sinh vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân có thể các em vẫn chờ đợi và ngóng đợt thi tốt nghiệp THPT. Dự báo năm nay công tác tuyển sinh vẫn đối mặt nhiều thách thức”, Ths Đức cho biết.

Cô Phạm Thị Xuân, phụ trách công tác tuyển sinh Trường CĐ Kỹ thuật Đồng Nai cho biết để tránh những khó khăn trong tuyển sinh, ngay sau khi các trường THCS và THPT thi học kỳ 2 xong nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động tư vấn. Không chỉ hướng nghiệp hệ 9+, trường còn thông tin về các chính sách miễn học phí, thông tin về chính sách cấp học bổng…, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đến học sinh… nên khá nhiều phụ huynh, học sinh liên hệ để mua hồ sơ tuyển sinh.

“Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 30-40 người liên hệ mua hồ sơ và rất nhiều phụ huynh liên hệ bằng cách gọi điện thoại, nhắn tin qua kênh Zalo, Facebook để tìm hiểu về ngành nghề đào tạo của trường. Để kịp thời giải đáp thắc mắc của phụ huynh, thí sinh, bộ phận tuyển sinh của trường huy động 10 nhân viên hỗ trợ”, cô Xuân cho biết.

Theo cô Xuân, những vấn đề mà phụ huynh quan tâm là hình thức đào tạo của các ngành nghề, quá trình học, cơ hội việc làm sau khi ra trường, mức lương có thể đạt được sau khi tốt nghiệp. “Điều này cho thấy phụ huynh đã biết rõ năng lực học văn hóa của con và lựa chọn cho con ngành nghề để có thể tham gia thị trường lao động sau khi tốt nghiệp. Sau khi tư vấn, chúng tôi đều hướng dẫn phụ huynh vào website của trường để đọc kỹ hơn về mô tả các ngành nghề đào tạo”, cô Xuân nói.

Là trường có tuyển sinh lớp 10, hệ 9+ và Cao đẳng chất lượng cao, Ths Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cho biết thực tế công tác tuyển sinh năm nay cũng không “dễ thở” gì hơn những năm trước do tư tưởng và suy nghĩ của phụ huynh và học sinh về giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa có nhiều thay đổi. Tuy vậy, với những thay đổi mạnh mẽ của hệ thống GDNN trong 3 năm qua, cùng công tác đảm bảo đầu ra việc làm ngày một tốt hơn cho người học, đã giúp những trường có thương hiệu tuyển sinh ổn hơn.

“Thực tế, để triển khai tốt và có hiệu quả công tác tuyển sinh các trường nghề cần phải linh hoạt nhiều phương thức và cơ chế để tiếp cận thí sinh. Mặt khác, các trường cần định hướng nghề cho học sinh tốt hơn. Bởi phần lớn các em chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Cá biệt, vẫn còn một số học sinh chọn ngành nghề theo phong trào, “học cho vui” chứ không xác định công việc tương lai. Do đó, ngoài hoạt động tư vấn, hướng nghiệp thì các trường cần cho học sinh thấy cơ hội việc làm, cơ hội nghề nghiệp và cả sự chắc chắn trong con đường liên thông học cao hơn”, Ths Lý chia sẻ.

Trường nghề linh hoạt tuyển sinh để tồn tại ảnh 1

Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thực hiện ký cam kết đầu ra việc làm cho tất cả sinh viên của trường.

Thêm ngành mới để hút thí sinh

Theo Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC), các trường nghề ngoài chính sách học bổng, mang lại cơ hội việc làm cho học sinh thì vẫn cần phải tìm nhiều cách để cải thiện công tác tuyển sinh, nhất là mở thêm nhóm ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

“Trường BKC đang xin phép để có thể mở một số ngành “hot” hiện nay nhằm thu hút thêm nhiều người học. Hiện ngành may mặc đang có tỷ lệ xuất nhập khẩu cao và giữ vai trò quan trọng, có năng lực cạnh tranh cao trong quá trình hội nhập nên BKC quyết định triển khai kế hoạch chương trình đào tạo ngành Công nghệ may. Ngoài ra, BKC còn lên kế hoạch triển khai đào tạo nhiều ngành mới khác như Công nghệ chế biến thực phẩm; Kỹ thuật máy lạnh & điều hòa không khí, Ngôn ngữ Hàn”, TS Phúc cho hay.

Cũng theo tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, những ngành mới mà trường dự kiến mở đều là những ngành đang có nhu cầu lớn trên thị trường. Như ngành Ngôn ngữ Hàn, rất nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn lực thành thạo tiếng Hàn vì hiện hợp tác kinh tế - xã hội giữa Việt Nam - Hàn Quốc đang mở rộng rất nhanh. Đây được xem là “sức hút” mới của các trường nghề với học sinh trong bối cảnh tâm lý người học vẫn chưa chuộng học nghề.

Cũng xác định đa dạng nhóm ngành nghề đào tạo để tạo sức hút mới mẻ cho người học, Trường Cao đẳng Viễn Đông mở thêm ngành Quản trị bệnh viện. Theo ban giám hiệu của trường, ngành học này tuy khá mới mẻ nhưng đang giải quyết nhu cầu nhân lực cực lớn của thị trường lao động ở tương lai.

“Khi ngành học mà học sinh theo học thể hiện rõ ràng cơ hội việc làm, nhu cầu nhân lực sẽ cần trong tương lai cùng mức lương đủ hấp dẫn thì người học sẽ quan tâm nhiều hơn, chấp nhận sẽ hướng theo học nghề tốt hơn”, vị cán bộ trên chia sẻ.

Xác định việc đổi mới và thay đổi trong công tác tuyển sinh là bài toán sống còn của nhà trường, TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho rằng để đẩy mạnh hiệu quả tuyển sinh thì các trường phải có nhiều hoạt động thích nghi theo thời điểm, mở hệ đào tạo thích nghi theo tình thế và quan trọng hơn là đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

“Thực tế, với đối tượng học sinh trường nghề, điều quan trọng nhất là làm sao mang đến cho các em niềm tin về cơ hội việc làm cùng các chính sách hỗ trợ song hành trong quá trình học. Tất nhiên, điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy… hoạt động dịch vụ và đổi mới trong công tác tư vấn tuyển sinh vẫn phải được duy trì. Nhưng cá nhân tôi đánh giá để thích ứng với bối cảnh mới, hoạt động tuyển dụng và nhu cầu nhân lực ngày càng cao của doanh nghiệp, các trường buộc phải tự làm mới mình trong mọi mặt. Đặc biệt là phải thường xuyên cập nhật các ngành nghề mới theo thời cuộc, sự thay đổi của nền kinh tế để mang lại hiệu quả trong tuyển sinh và đào tạo”, TS Lê Lâm nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường nghề linh hoạt tuyển sinh để tồn tại