Vì đặc thù học sinh của trường bán trú, 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, lại sống ở vùng khó khăn vì vậy sự định hướng của bố mẹ phần nào đó bị hạn chế do. Do đó bước vào lớp 9, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh từ đó có những định hướng cụ thể cho mỗi em.
Cô Đỗ Thị Nhung chia sẻ: “Sức học của nhiều học sinh còn yếu, mức độ trong lớp chưa đồng đều, nhiều em gia đình khó khăn, một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình việc nhà dẫn đến phần nào quá trình ôn lại kiến thức bị hạn chế”.
Cô Nhung cho biết thêm, một số học sinh khả năng tự học không cao cộng thêm phụ huynh phó mặc cho các thầy cô, không theo sát, đôn đốc học, làm bài ở nhà. Do đó, giáo viên nhà trường phải có chiến lược cũng như phương pháp ôn tập riêng, tận dụng tối đa thời gian các em ở trường để hướng dẫn, gia cố kiến thức cho học sinh.
“Sở GD&ĐT Lạng Sơn luôn quan tâm đến chất lượng đầu ra của học sinh THCS nên trong những năm gần đây, Sở cũng như Phòng giáo dục luôn có định hướng rõ ràng, cụ thể cho giáo viên, học sinh ôn tập. Đặc biệt, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT đại trà, sẽ thi ba môn Toán, Văn, tiếng Anh.
Đồng thời, hàng năm đều có ma trận, đặc tả đề thuận tiện cho giáo viên và học sinh trong toàn tỉnh góp ý và ban hành, làm căn cứ để giáo viên, học sinh xây dựng nội dung ôn tập phù hợp, bám sát và hiệu quả”, cô Đỗ Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hoà Bình, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.