Sáng 10/4, Trường THCS Tô Hiệu, Quận Lê Chân, Thành phố Hải Phòng đã tổ chức chuyên đề Đội cấp thành phố mang tên “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 70 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng.
Tham dự sự kiện ý nghĩa này có sự hiện diện của các vị lãnh đạo: Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Bí thư Thành đoàn Hải Phòng; Bà Phạm Thị Thu Hà – Trưởng Phòng Giáo dục Trung học – Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Phòng; Bà Phạm Thị Diệu Linh - Ủy viên Ban Thường vụ Thành đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố - Trưởng ban Thanh thiếu nhi trường học Thành Đoàn; Bà Nguyễn Thị Minh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Quận ủy, Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận Lê Chân; Ông Phạm Việt Anh – Quận ủy viên – Phó Chủ tịch UBND quận Lê Chân.
Ngoài ra, còn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các ban, phòng chuyên môn trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Thành Đoàn, Cung Văn hóa Thiếu nhi thành phố, cùng các phòng, ban chuyên môn của quận Lê Chân và phường Trần Nguyên Hãn. Các thầy cô là đại diện Ban Giám hiệu, giáo viên Tổng phụ trách Đội của các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận Lê Chân, cũng như Ban phụ huynh, các đội viên và học sinh tiêu biểu, đã tham gia đại diện cho hơn 2.300 học sinh Trường THCS Tô Hiệu.
Các giai đoạn được trình bày gồm:
Giai đoạn 1890 – 1911: Thời niên thiếu và hành trình tìm đường cứu nước. Sinh ra tại làng Kim Liên (Nghệ An), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lớn lên trong bối cảnh đất nước chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1911, Người rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước đầy gian nan.
Giai đoạn 1911 – 1941: Hoạt động ở nước ngoài – Hình thành tư tưởng cách mạng. Trong hành trình qua nhiều quốc gia, Người tiếp cận chủ nghĩa Mác – Lênin, từ đó tìm ra con đường giải phóng dân tộc bằng cách mạng vô sản, sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và báo Thanh Niên, cũng như tác phẩm Đường Kách mệnh, đặt nền móng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Giai đoạn 1941 – 1945: Trở về Tổ quốc – Lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám. Sau 30 năm bôn ba, Người quay về nước, lãnh đạo phong trào cách mạng và thành lập Mặt trận Việt Minh, tại Quảng trường Ba Đình, Người đã đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giai đoạn 1945 – 1969: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên cương vị Chủ tịch nước, Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là đế quốc Mỹ, luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, giáo dục, y tế và xây dựng đạo đức cách mạng trong mọi hoàn cảnh.
Giai đoạn 1969 đến nay: Di sản và tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi. Dù Bác đã ra đi, nhưng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người vẫn là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Di sản tinh thần của Bác tiếp tục được gìn giữ và phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước cùng với giáo dục thế hệ trẻ.
Được biết, công tác chuẩn bị cho chuyên đề đã được trường THCS Tô Hiệu triển khai từ đầu tháng 3 một cách bài bản và nghiêm túc. Các đội thi đã tích cực tìm hiểu tư liệu lịch sử và những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các sách, báo, trang thông tin điện tử chính thống, từ đó phát triển ý tưởng và thiết kế các mô hình trưng bày một cách sáng tạo, kết hợp công nghệ số và nghệ thuật trình bày hiện đại.
Các bài thuyết trình và tiết mục tuyên truyền đều mang đến sự sáng tạo, cảm xúc, thể hiện lòng biết ơn và kính yêu sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của dân tộc. Chương trình khép lại bằng phần trao giải thưởng. Đội “Hành trình trở về” đã xuất sắc với tổng điểm gần như tuyệt đối, qua đó giành giải nhất cho cả 3 phần thi. Hai đội xếp thứ 2 là “Mặt trời làng Sen” và “Hành trình lý tưởng”; đồng thời, hai đội “Ngọn hải đăng” và “Sáng mãi niềm tin” cũng đã có những phần thi ấn tượng và xếp hạng 3.
Chuyên đề không chỉ là một sân chơi tri thức mà còn là hành trình giáo dục ý nghĩa, hun đúc tinh thần yêu nước và lý tưởng sống cao đẹp, cùng với việc rèn luyện kỹ năng và nhân cách cho học sinh. Mỗi câu chuyện và bài thuyết trình đều gắn kết với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh tình cảm của Bác Hồ với thanh thiếu niên, lối sống giản dị của Người, lòng yêu nước, và các đức tính quý báu như thanh cao, giản dị, khiêm tốn, gần gũi và thương yêu. Mỗi phần thi và mỗi câu chuyện đều mang lại những bài học ý nghĩa và thực tiễn về việc thúc đẩy học tập và thực hiện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên và học sinh.