Trường Tiểu học xã Núa Ngam tích cực đổi mới các hoạt động giáo dục, khắc phục khó khăn để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đổi mới quản lý trên nền chuyển đổi số
Năm học 2024 – 2025, Trường Tiểu học xã Núa Ngam, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có 401 học sinh. Nhà trường hiện có 28 cán bộ quản lý, giáo viên và 3 nhân viên.
Công tác chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả về số lượng và chất lượng, gắn với đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” luôn được nhà trường đẩy mạnh.
Cô Bùi Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Núa Ngam chia sẻ: “Nhà trường tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, thực hiện tốt việc triển khai các văn bản mới về lĩnh vực tổ chức cán bộ cũng như việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục”.
Theo đó, nhà trường tích cực đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học và tổ chức các hoạt động giáo dục từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong giáo dục. Đưa việc chuyển đổi số làm mục tiêu để nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời, đổi mới trong công tác tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh; trong việc sử dụng hồ sơ điện tử.
Trường Tiểu học xã Núa Ngam cũng tích cực khai thác, sử dụng hệ tốt thống phần mềm cơ sở dữ liệu ngành GD&ĐT, hệ thống mạng trực tuyến ứng dụng trong tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cán bộ quản lý giáo viên, nhân viên. Thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Tham gia xây dựng, sử dụng kho tư liệu, bài giảng điện tử, bài trình chiếu của ngành. Đến nay, 100% cán bộ, giáo viên của trường sử dụng hồ sơ điện tử.
Nhà trường đã tổ chức tập huấn bồi dưỡng kĩ năng công nghệ số và phương pháp học tập số cho toàn bộ cán bộ, giáo viên trong trường. Cùng với đó, làm tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ GD&ĐT năm học 2024 - 2025 trên địa bàn như: Công tác tuyển sinh lớp 1 huy động học sinh đến trường, công tác phổ cập giáo dục-xóa mù chữ, hướng dẫn thay sách giáo khoa lớp 5 theo chương trình GDPT 2018.
Với việc tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, Trường Tiểu học xã Núa NGam đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tại “Trường học kết nối” trong quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Tích cực tổ chức các hoạt động chuyên môn; sưu tầm, tuyển chọn tư liệu, xây dựng kho tư liệu chuyên môn, thiết kế bài giảng điện tử…
“Đơn vị thường xuyên tuyên truyền phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của trường của địa phương. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính về GD&ĐT, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nhân dân trên địa bàn được tiếp cận các văn bản của giáo dục. Hội đồng trường thực hiện tốt vai trò quyết nghị, xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển cũng như thường xuyên kiểm tra giám sát các hoạt động giáo dục của trường” – cô Hằng chia sẻ.
Vượt khó nâng cao chất lượng
Núa Ngam là một trong những xã vùng ngoài, còn nhiều khó khăn của huyện Điện Biên. Nhận thức về giáo dục của một bộ phận nhân dân còn thấp; đời sống nhân dân trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, sự quan tâm của cha mẹ, gia đình học sinh đến việc học tập và giáo dục còn hạn chế. Một số học sinh nhà ở xa trường nên việc đi đến trường gặp khó khăn, nhất là những ngày trời mưa, rét.
Theo cô Bùi Thị Thu Hằng, năm học 2024 – 2025, nhà trường không thuộc thôn bản khó khăn, nên học sinh điểm trường xa trung tâm như Na Sang, Huổi Hua, Tin Lán xuống trường học không được chế độ. Học sinh ở tại trường phải đóng góp tiền ăn, củi, gạo đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng chung của nhà trường.
Vượt qua những khó khăn đó, bên cạnh đổi mới công tác quản lý, Trường Tiểu học Núa Ngam cũng tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường tập trung đổi mới giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 đối với tất cả các khối lớp. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, tạo hứng khởi cho học sinh trong mỗi tiết học.
“Chúng tôi ứng dụng hiệu quả các hoạt động giáo dục STEM nhằm hỗ trợ, tăng cường giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán, Tin học và Nghệ thuật. Qua đó, tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập, giúp học sinh khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề trong bối cảnh cụ thể của thực tiễn cuộc sống” – cô Hằng cho biết.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường phối hợp với FPT đăng kí và kích hoạt tài khoản thi VioEdu cho 100% học sinh toàn trường. Các giáo viên phối hợp với phụ huynh học sinh tạo tài khoản cho học sinh đối với môn Tiếng Anh. Thành lập và tổ chức bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi của trường. Nhờ đó, kết quả hoàn thành tốt các môn học của học kỳ 1 năm học 2024 – 2025 có sự tiến bộ hơn so với năm học trước.
Công tác tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đối với lớp 1, 2, 3 được nhà trường chú trọng. Năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học xã Núa ngam có 81 học sinh lớp 1 học tăng cường Tiếng Việt. Theo kế hoạch, thời gian tăng cường tiếng Việt cho học sinh được thực hiện trong 80 tiết. Tuy nhiên, nhà trường tổ chức 5 tuần dạy thực tế để đảm bảo chất lượng giáo dục. Qua các lớp tăng cường, giáo viên giúp học sinh rèn luyện 4 kỹ năng quan trọng: Nghe, nói, đọc, viết. Từ đó, giúp các em làm quen với phương pháp giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô Lò Thị Phượng, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Núa Ngam chia sẻ: “Với lợi thế là 1 giáo viên người dân tộc, tôi thường xuyên sử dụng song ngữ trong quá trình tăng cường năng lực tiếng Việt cho học sinh. Nhờ đó, các em nắm bắt nhanh và cải thiện được năng lực nghe, đọc tiếng Việt trong học tập, giao tiếp”.
Còn cô Vũ Thị Lên, giáo viên lớp 5 cho biết, hiện tại, nhà trường triển khai thực hiện giải pháp dạy Tập làm văn theo hướng mở, dạy học phát triển năng lực môn Tiếng Việt. Tăng cường nội dung đọc hiểu văn bản, mở rộng vốn từ, xây dựng "cây từ vựng tiếng Việt", dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc gắn với giao tiếp. Xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh thông qua việc tổ chức hoạt động thư viện xanh, thư viện lưu động, thư viện góc lớp, giao lưu tiếng Việt.
"Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, nhà trường đặt mục tiêu duy trì và giữ vững chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 ở mức vững chắc. Duy trì tốt sỹ số học sinh, quan tâm đến học sinh người dân tộc thiểu số. Giữ vững các chỉ số kiểm định chất lượng giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đảm bảo giáo dục toàn diện và giáo dục học sinh mũi nhọn” – cô Bùi Thị Thu Hằng chia sẻ.