Trường tư thục ghi nhận kết quả bước đầu khi triển khai Chương trình mới

Phạm Khánh | 14/03/2023, 18:45
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên), học kỳ 1 vừa qua, 100% HS lớp 10 hoàn thành chương trình đúng kế hoạch, tạo sự an tâm cho phụ huynh.

Chiều 14/3, Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường THPT Quang Trung, tỉnh Hưng Yên, về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc.

Tạo dựng niềm tin cho phụ huynh, học sinh

Báo cáo với đoàn giám sát, cô Phạm Ngọc Quá, Hiệu phó Trường THPT Quang Trung, cho biết: Hoạt động theo loại hình tư thục, nhà trường đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT) với lớp 10. Cán bộ giáo viên cơ bản đã biết vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Kết quả học tập của học sinh lớp 10 học kỳ 1 vừa qua cho thấy, trên 100% em hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình; từ đó, bước đầu tạo được sự an tâm cho phụ huynh và học sinh.

Nhà trường có đủ giáo viên cho các môn học theo kế hoạch, chất lượng đảm bảo về bồi dưỡng, tập huấn theo chương trình mới. Cơ sở vật chất đáp ứng tương đối đầy đủ về điều kiện sân chơi, bãi tập cho học sinh, đảm bảo về phòng học đối với khối THPT. Trang thiết bị đang dần đáp ứng cho quá trình đổi mới.

"Đơn cử, với môn Lịch sử, giáo viên tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn. Giáo viên đưa học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, điểm tham quan nổi tiếng tại địa phương", cô Phạm Thị Quá chia sẻ.

Thực hiện CT GDPT 2018, nhà trường đã chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực; tổ chức các giờ học cho học sinh thực hành, thí nghiệm với các vật liệu đơn giản, dễ thực hiện.

Các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường áp dụng các phương pháp tích cực hoá hoạt động của học sinh. Trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập và rèn luyện phẩm chất.

Trong công tác đổi mới về quản trị trường học, cô Quá cho hay, nhà trường được tự chủ hoàn toàn về đội ngũ, cơ sở vật chất; được Sở GD&ĐT giao quyền tự chủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên nhà trường nhận thức rõ vai trò chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học của trường cũng là của mình. Do đó giáo viên đã thể hiện được sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc dạy học.

Trường tư thục ghi nhận kết quả bước đầu khi triển khai Chương trình mới ảnh 1

Giáo viên Trường THPT Quang Trung chia sẻ về việc giảng dạy theo chương trình mới.

Ghi nhận những kết quả bước đầu

Từ thực tế giảng dạy, cô Lê Thị Nho – Tổ trưởng Tổ chuyên môn Xã hội, giáo viên môn Ngữ văn và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, cho biết: Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của CT GDPT 2018 hoàn toàn khác so với CT GDPT 2006 nên khi chuyển sang phương pháp mới còn một vài khó khăn. Nhưng bản thân tôi luôn tự nhủ phải biến cái “không nhẹ nhàng” thành “nhẹ nhàng”.

Nhà trường đã quán triệt đầy đủ, sâu sắc các văn bản chỉ đạo; cử giáo viên tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở/Phòng tổ chức. Ngoài ra, tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức trao đổi chuyên môn, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm việc thực tế. Giáo viên cho học sinh chủ động nhiều hơn trong các tiết học.

Chia sẻ về khó khăn, thầy Sinh cho biết, học sinh nhà trường đa phần có học lực trung bình, yếu. Nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc học của con, giao khoán cho nhà trường. Với một kiến thức mới, giáo viên thường phải lặp lại đến khi học sinh hiểu. Đôi khi, thầy cô phải bổ trợ lại kiến thức cấp 2 nên khối lượng công việc tương đối nặng.

Còn thầy Nguyễn Văn Sinh – Tổ trưởng Tổ chuyên môn Tự nhiên, giáo viên môn Toán, nhìn nhận: Trước đây, tiết học phụ thuộc rất nhiều vào sách giáo khoa nhưng với chương trình mới, giáo viên hoàn toàn được chủ động soạn giáo án, xây dựng hoạt động dạy học còn học sinh là người thực hành. Việc học giờ đã đảm bảo “đi đôi với hành”, giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.

Để khắc phục khó khăn, thầy cô nhà trường đã tích cực nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện đổi mới. Thầy cô đã vận dụng nhiều phương pháp dạy học như thảo luận nhóm, thuyết trình, sân khấu hóa...; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mô hình, tranh ảnh; thay đổi phương pháp kiểm tra, đánh giá để phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.

Trường tư thục ghi nhận kết quả bước đầu khi triển khai Chương trình mới ảnh 2

Một tiết học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 của học sinh tỉnh Hưng Yên.

Thay mặt Đoàn giám sát, ông Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ghi nhận tinh thần trách nhiệm, tận tâm của thầy cô giáo đang giảng dạy chương trình mới; nỗ lực khắc phục những khó khăn để nâng cao chất lượng dạy và học. Ông cũng đánh giá cao các kết quả bước đầu của nhà trường khi triển khai CT GDPT mới với lớp 10 năm học 2022 – 2023.

Chia sẻ với những khó khăn của thầy cô Trường THPT Quang Trung, ông Phan Viết Lượng đề nghị nhà trường phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục khó khăn. Trong đó, nhà trường cần tiếp tục nâng cao nhận thức, sự đồng thuận, quyết tâm thực hiện chương trình mới và duy trì chất lượng giáo dục trong nhà trường. Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới quản trị nhà trường, thực hiện tốt các vấn đề như lựa chọn sách giáo khoa, xây dựng kế hoạch bài học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị...

Ngày 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 -2022 đã làm việc với một số đơn vị, trường học trên địa bàn Hưng Yên.

Các tổ công tác của Đoàn giám sát đã đến thăm, khảo sát, thực hiện giám sát chuyên đề tại các trường THPT Chuyên Hưng Yên, THPT Quang Trung, Trung tâm GDTX - GDNN thành phố Hưng Yên, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường tư thục ghi nhận kết quả bước đầu khi triển khai Chương trình mới