Trường vùng sâu mong có quy định riêng về xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú

Dung Nguyễn | 16/07/2022, 06:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trường vùng sâu, vùng xa mong nhận được sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh trong quá trình dạy chữ cho học trò. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ riêng đối với giáo viên vùng khó và quy định xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Cần sự đồng hành của phụ huynh

Cô Nguyễn Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, bản thân rất đồng tình và ủng hộ các chính sách của Đảng, Nhà nước và Ngành Giáo dục. Theo đó, giáo dục Tiểu học sẽ hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh và chuẩn bị cho các em tiếp tục học trung học cơ sở.

Bên cạnh đó, phát triển giáo dục phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học, công nghệ, củng cố quốc phòng, an ninh. Đồng thời thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, bảo đảm cân đối cơ cấu ngành nghề, trình độ, nguồn nhân lực và phù hợp vùng miền…

Không những vậy, việc thay đổi chương trình SGK mới cũng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Từ đó, giúp học sinh phát huy năng lực, phẩm chất và tự giác trong việc học cũng như cuộc sống. Ngoài ra, giáo viên ngày càng có cơ hội trau dồi thêm kiến thức, năng lực của bản thân để đáp ứng việc thực hiện chương trình GDPT 2018.

“Có sự đồng hành giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh thì học sinh sẽ nâng cao được nhận thức. Từ đó, con đường học tập sẽ giúp các em có cơ hội thay đổi cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, quê hương", cô Thêu bộc bạch.

Theo cô Thêu, trong quá trình dạy học, nhà trường và giáo viên trăn trở vấn đề song hành của phụ huynh trên con đường mang con chữ đến cho các em. Cô Thêu kể: Đời sống người dân nơi đây khó khăn nên phụ huynh chủ yếu lo công việc đồng áng và làm thuê kiếm sống. Chính vì vậy, phụ huynh chủ yếu giao phó con, em mình cho giáo viên. Do đó, giáo viên vừa là người thầy, cô và cũng là người sát cánh động viên, quan tâm học sinh.

Trải qua hơn 24 năm công tác và gắn bó với Ngọc Linh, cô Thêu nhận thấy học sinh cũng từng bước phát triển về nhận thức. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn mang nặng tư duy mong được hỗ trợ nhiều hơn là tự giác lao động để phát triển kinh tế. Do đó, phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em, chỉ có lác đác vài gia đình đồng hành cùng nhà trường.

Cô Thêu chia sẻ, cô mong rằng sẽ có sự vào cuộc và đồng hành của toàn thể phụ huynh để nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, giúp các em phát triển toàn diện.

Mong có chính sách đặc thù

Trường vùng sâu mong có quy định riêng về xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú ảnh 1
Giáo viên vùng sâu đến tận nhà vận động phụ huynh cho con, em ra lớp học chữ.

Năm học vừa qua, trường Tiểu học xã Ngọc Linh có 308 học sinh, trong đó 299 em là người Xê Đăng. Theo cô Thêu, trường có 5 điểm lẻ và 1 điểm chính, hiện tại trường có 3 lớp ghép hai trình độ là lớp 1 + 2. Có những điểm trường cách trung tâm xã 7-8km, nên việc đi lại và ăn ở của giáo viên vô cùng vất vả. Những ngày mưa, giáo viên phải lội bộ vài tiếng đồng hồ để đến lớp dạy chữ. Với số lượng 25 giáo viên thì 17 thầy, cô dạy ở điểm lẻ, còn lại công tác tại điểm trường chính.

“Vừa qua tôi đã đề xuất lên các cấp, ban ngành địa phương mong muốn giáo viên khu vực Mường Hoong và Ngọc Linh sẽ được hưởng thêm chế độ như vùng biên giới, hải đảo… Từ đó giáo viên sẽ yên tâm công tác và truyền dạy kiến thức cho học trò”, cô Thêu cho hay.

Bên cạnh vấn đề cần có chính sách đặc thù cho giáo viên vùng khó, cô Thêu cũng mong rằng sẽ có quy định riêng đối với việc xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú dành cho giáo viên vùng sâu, vùng xa.

Theo cô Thêu, để nhận được những danh hiệu cao quý này giáo viên phải có nhiều thành tích tốt. Tuy nhiên, với những khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ khó khăn hơn đối với giáo viên ở nơi thuận lợi. Bởi điều kiện làm việc của thầy cô nơi đây gặp nhiều thiếu thốn nên để đạt được thành tích, đủ điều kiện xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú lại càng khó khăn hơn.

Bởi khu vực vùng sâu, vùng xa xuất phát điểm sẽ thấp hơn so với vùng thuận lợi nên ít có điều kiện thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên phải trau dồi, học thêm tiếng bản địa để có thể gần gũi, giao tiếp với học sinh. Từ đó, thầy và trò dễ dàng trao đổi và truyền tải - tiếp thu kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Thêu mong rằng, đối với vấn đề xét danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú thì sẽ có chính sách và quy định đặc thù dành cho giáo viên vùng khó. Từ đó sẽ khích lệ thầy cô cố gắng vươn lên trong công tác dạy học để có thể đạt được nhiều thành tích cao và cống hiến cho ngành Giáo dục.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trường vùng sâu mong có quy định riêng về xét danh hiệu Nhà giáo ưu tú