Truy tìm sách... nhiễm độc

Thiên Lý | 12/06/2022, 09:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chất màu từng được sử dụng để trang trí cho nhiều thứ, từ hoa giả đến bìa sách cách nay 200 năm được cho là có chứa chất độc.

Những quyển sách ra đời vào thế kỷ 19, bìa có thể gây độc hại.Những quyển sách ra đời vào thế kỷ 19, bìa có thể gây độc hại.

Một chuyên gia bảo tồn, bảo tàng đang cùng các đồng nghiệp truy tìm để xử lý những tập sách độc hại, theo đúng nghĩa đen, ra đời từ thế kỷ 19, rải rác trên các thư viện khắp thế giới.

Cách mạng bìa sách

Những quyển sách mang chất độc hại ra đời vào thế kỷ 19, có bìa bọc vải màu xanh ngọc lục bảo tẩm thạch tín, hay asen (arsenic). Phần lớn trong số chúng không được chú ý trên những kệ sách và trong các bộ sưu tập.

Mãi đến gần đây, nhà khoa học nữ Melissa Tedone, người đứng đầu phòng thí nghiệm về bảo tồn tài liệu thư viện thuộc Bảo tàng Winterthur, Công viên & Thư viện ở Delaware (Mỹ), mới tìm hiểu và khởi động “Dự án Sách độc” nhằm xác định, lập danh mục những tập sách nguy hại này.

Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã phát hiện 88 quyển sách từ thế kỷ 19 có bìa vải màu xanh lục bảo. Mặc dù chất độc trên những quyển sách 200 năm tuổi này chỉ có tác hại nhỏ, nhưng không phải là không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những người thường xuyên tiếp xúc với chúng, chẳng hạn như thủ thư hoặc nhà nghiên cứu, khi vô tình hít hoặc nuốt phải các hạt có chứa asen, khiến họ cảm thấy lờ đờ, choáng váng hoặc bị tiêu chảy và đau bụng. Đối với da, asen có thể gây kích ứng và tổn thương.

Những quyển sách xanh độc này phổ biến đến mức nào? “Hơi khó dự đoán vì dữ liệu thu thập còn quá ít, nhưng theo tôi, có thể có hàng nghìn quyển trên khắp thế giới. Bất kỳ thư viện nào sưu tập các bìa sách bọc vải của các nhà xuất bản vào giữa thế kỷ 19 đều có thể có ít nhất một hoặc hai quyển mang chất độc”, bà Tedone cho hay.

Độc tính của asen đã được biết đến từ lâu, nhưng sắc màu rực rỡ khi pha trộn chúng vẫn được ưa chuộng, sử dụng trên nhiều sản phẩm. Sách đầu thế kỷ 19 là những sản phẩm thủ công, được đóng bìa da từ các nghệ nhân, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi theo hướng tích cực.

Vào những năm 1820, nhà xuất bản William Pickering và người đóng sách Archibald Leighton đã phát triển quy trình thương mại đầu tiên bằng cách phủ tinh bột lên vải, tạo ra một chất liệu cứng cáp, và bìa sách bọc vải đầu tiên ra đời. Sách bọc vải phổ biến vào những năm 1840, và quy trình làm ra chúng trở thành một bí quyết luôn được giữ kín.

Sắc tố xanh độc hại

Nhà khoa học Melissa Tedone, người khởi động “Dự án Sách độc”.

Vào mùa Xuân năm 2019, một người bạn của Tedone đề nghị bà cho mượn quyển sách Rustic Adornments for Homes and Taste, xuất bản năm 1857 của thư viện để trưng bày.

“Cuốn sách này có bìa màu xanh lá cây tươi sáng, rất đẹp về mặt thị giác, nhưng trong tình trạng tồi tệ” - Tedone nói. “Gáy và bìa sách đã bị bong, chỉ khâu đã sứt, vì vậy nó cần được tân trang trước khi mang triển lãm”.

Đặt cuốn sách đẹp nhưng bị xô lệch dưới kính hiển vi, Tedone chăm chú nhìn lên bìa trước. “Có một chất giống như sáp trên bề mặt. Khi cố gắng lấy nó ra bằng bút lông nhím, tôi nhận thấy chất tạo màu trong bìa sách bong ra rất dễ dàng”, bà nói.

Dưới con mắt của người không chuyên môn, điều này chẳng có gì bất thường nơi một quyển sách 162 năm tuổi, nhưng là nhà khoa học, bà Tedone không thể bỏ qua hiện tượng này.

Bà nhận thấy hình như lớp tinh bột phủ trên tấm vải được trộn với một chất màu xanh. Để hiểu rõ hơn, Tedone mang mẫu vật đến gặp Rosie Grayburn, nhà khoa học nữ đứng đầu phòng thí nghiệm phân tích và nghiên cứu khoa học của bảo tàng.

Đầu tiên, Grayburn nghiên cứu mẫu bằng một máy quang phổ huỳnh quang. Máy này dùng tia X bắn mẫu vật và đo năng lượng các photon phát ra để xác định thành phần hóa học của nó. Kết quả cho thấy có sự hiện diện của cả đồng và asen trong sắc tố xanh lục.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã đến phòng thí nghiệm của Đại học Delaware để đo lượng asen trong bìa sách Rustic Adornments và phát hiện bìa bọc vải này chứa trung bình 1,42 miligam asen trên một cm2. Nếu không được sự can thiệp của y tế, liều asen gây tử vong cho một người lớn là khoảng 100 miligam, khối lượng bằng vài hạt gạo.

“Việc có quá nhiều asen trong bìa sách, trên găng tay của bạn, trong quá trình xử lý sẽ gây ra những tác động gì? Điều đó nghĩa gì đối với sức khỏe và sự an toàn của bạn?”, Grayburn đặt vấn đề.

Đi tìm câu trả lời, Tedone và Grayburn đã liên hệ với Michael Gladle, Giám đốc sức khỏe và an toàn môi trường thuộc Đại học Delaware. Nhà khoa học này nói: “Asen là một kim loại nặng và có một số độc tính liên quan.

Nguy cơ từ bìa sách màu xanh ngọc lục bảo phụ thuộc vào tần suất tiếp xúc và là mối quan tâm hàng đầu đối với những người kinh doanh bảo quản sách”.

Để giúp xác định những cuốn sách có phủ thạch tín và những rủi ro tiềm ẩn từ chúng, nhóm đã thiết kế thẻ đánh dấu trang sách có hình ảnh bìa sách bọc vải màu xanh lục bảo để cảnh báo, đồng thời đề xuất các biện pháp phòng ngừa và xử lý.

Họ đã gửi hơn 900 thẻ đánh dấu trang này qua đường bưu điện đến khắp Hoa Kỳ và 18 quốc gia khác. Kết quả có 6 tổ chức đã xác định được nhiều cuốn sách có tẩm thạch tín trong bộ sưu tập của họ.

Và thông điệp quan trọng nhất từ Tedone là, đừng vứt bỏ những cuốn sách độc. “Bạn không cần phải hoảng sợ và vứt bỏ chúng” - bà nói - “Chúng tôi chỉ muốn mọi người xem xét nó một cách nghiêm túc”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truy tìm sách... nhiễm độc