Truyện ngắn: Cận vệ

26/12/2023, 06:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bằng một động tác thuần thục, ông ta nắm lấy sợi dây thừng đi thụt lùi đạp chân vào tường tụt xuống.

truyen-ngan-can-ve-3229.jpeg

- Xuống đi, ngã bây giờ... Xuống tao mang thuốc lá cho mày đây này! Nhanh...

Tiếng người phía dưới tha thiết, nhưng người leo trèo gần như không bận tâm. Ai cũng nghĩ, họ là ruột thịt. Mọi người nhìn người đàn ông đứng dưới bằng ánh mắt cảm thông. Ông ta ngoài bảy mươi, khuôn mặt khắc khổ, đầu đội mũ cối, mặc áo màu cỏ úa đã chuyển sang trắng bạc, chân đi đôi dép rọ nâu kiểu nhà binh.

Phía trên, loáng thoáng bóng một người đàn ông mặc áo ba lỗ màu cháo lòng, thọt lỏn chiếc quần đùi bộ đội đang trèo lên ngọn cây, rồi đu người sang mái căn nhà liền kề. Cả đoạn phố tắc nghẽn, ai cũng nghếnh cổ, nín thở, hồi hộp dõi theo.

- Rảnh quá! Các ông bà rảnh quá... Chỉ vì một thằng điên mà làm tắc hết cả đường.

Một thanh niên muộn giờ làm bực tức quát lên. Ai vội mặc kệ, lách lên mà đi, nhưng kẻ tò mò vẫn dõi theo người đàn ông được cho là điên đó một cách chăm chú.

Từ trong căn phòng gác hai, một thanh niên cởi trần để lộ hình xăm chằng chịt sau lưng, trèo ra ban công, tay cầm chiếc gậy dài, cố gắng tìm vị trí người đàn ông trên nóc nhà mình để thọc, xua đuổi xuống.

- Này anh gì ơi! Tôi xin anh đừng làm đau ông ý...

Có tiếng thét: “Trông kìa, nguy hiểm quá!”. Trên cao, người đàn ông mặc áo màu cháo lòng từ mái nhà đu xuống cửa sổ phía tường hồi, rồi lấy cuộn dây thừng buộc một đầu vào song sắt, đầu kia tung xuống đất.

Bằng một động tác thuần thục, ông ta nắm lấy sợi dây thừng đi thụt lùi đạp chân vào tường tụt xuống. Tiếp đất, ông nằm rạp xuống nền đường nhựa nóng bỏng lăn lê bò toài, thi thoảng lại vùng dậy chạy, miệng hô liên hồi: “Xung phong, các đồng chí xung phong... pằng pằng pằng”.

Đám đông giờ chắc đã hiểu chuyện. Một người, rồi nhiều người hùa theo vỗ tay tán thưởng. Họ khâm phục màn biểu diễn của người đàn ông bị điên. Ở cái tuổi ấy mà leo trèo nhanh nhẹn như vậy, chắc chắn hồi trẻ, phải rèn luyện gian khổ lắm...

“Ông ý là bộ đội đặc công phải không? Chắc chắn rồi, chỉ có bộ đội đặc công mới làm được như vậy?” - Mọi người quay sang hỏi người đàn ông đội mũ cối đi cùng. Ông ta không trả lời mà hớt hải đuổi theo người đàn ông kia:

“Tuấn ơi, Tuấn, đừng chạy nữa, đợi tao với... Tuấn!”.

***

Sớm bảnh mắt, chuông chiếc điện thoại cục gạch của ông Hải réo liên hồi. Nhìn thấy tên người gọi, ông bật máy ậm ừ vài câu rồi vội vã đội mũ cối, dắt xe đạp ra cổng.

“Không cho mấy con lợn ăn đã rồi hẵng đi”. Bà Lý với theo trong vô vọng. Bà biết, những lúc như thế này có các vàng, các bạc, cũng đừng mong giữ chân ông Hải ở nhà. Bà còn nhớ, vào sớm chạng vạng mùa Hè năm trước, ông Hải sau khi nhận được cuộc điện thoại như thế cũng tất tưởi dắt xe đi.

Vội quá, ông bỏ lại đống rau bèo cho lợn đang băm dở ở sân. Bà Lý từ bếp ra, nước mắt giàn giụa vì khói củi vô tình vấp phải chiếc thớt gỗ ngã sõng soài xuống nền xi măng, may mà bà kịp chống được tay, nếu không thì đầu đã đập phải cán chiếc dao phay ông vứt gần đó.

Cú ngã bất ngờ không khiến bà gẫy chiếc xương nào trên cơ thể, nhưng toàn thân ê ẩm không đứng lên được. Thằng út đi làm ăn xa mãi tận khu công nghiệp Bình Dương, nhà chỉ có đứa con gái bị bại liệt bẩm sinh nằm co quắp trên giường. Bà Lý cố hết sức gào lên, xem có ai đi qua thì trợ giúp.

May mà có một thanh niên đi tới nghe được liền tri hô, rồi chạy vào sân bế bà lên giường. Bà con hàng xóm xúm tới, mang rượu gừng xoa bóp mất cả buổi, bà mới đỡ đau. Bà giận ông Hải lắm! Nếu còn trẻ, chắc chắn bà sẽ bỏ về nhà mẹ đẻ cho ông Hải biết tay. Vợ con ở nhà sống chết không hay, lại đi lo việc bao đồng thiên hạ...

Hôm đó, trời tối mịt, ông Hải mới mò mặt về. Biết chuyện bà bị ngã, ông nhìn chân tay vợ thâm tím mà xuýt xoa. Ông lằng lặng xuống bếp rang lá ngải cứu định chườm, nhưng bà không khiến.

Mấy hôm sau, bà cũng không cho ông đụng vào người. Mất nửa tháng, bà không thèm nói chuyện với ông, phó mặc hết việc nhà cho ông làm. Tưởng sau vụ đó, ông chừa, không đi nữa, nhưng đâu lại hoàn đó!

Ở với ông mấy chục năm trời, bà biết ông Hải là người sống trọng nhân nghĩa. Giận rồi lại thương, cái nhà chú Tuấn kể cũng tội, một mẹ, một con. Bà cụ mẹ chú ấy nhận ông Hải là con nuôi, ơn trời phật phù hộ, năm ấy, cụ cũng ngoài chín mươi tuổi mà vẫn minh mẫn, đi lại, cơm nước được.

Ở cái tuổi ấy, như ngọn đèn dầu trước gió, tổ tiên gọi lúc nào là “lên đường” lúc đó. Nhưng cụ bảo có đi cũng không nhắm mắt, vì lo cho thằng Tuấn. Ông Hải vỗ về: “Cụ cứ sống thanh thản, việc chú Tuấn, con lo”.

Vậy mà thiêng, chỉ một tuần sau, cụ đã bay về trời. Ông Hải nhớ như in đôi mắt đăm đắm của cụ khi nhìn ông Hải. Đôi mắt như ủy thác niềm tin của người sắp đi xa đặt vào ông. Ông khẽ gật đầu và nhẹ nhàng vuốt tay khép đôi mi lại cho cụ yên giấc ngàn thu.

***

- Bác Tuấn bỏ nhà đi từ sớm, chắc lại lên phố thôi. Bác mau đi tìm, không làm gì dại dột người ta đánh cho thì khổ...

Bà Vải nghe tiếng xe đạp lách cách, biết ngay ông Hải tới, liền chạy bổ ra cửa nói. Là hàng xóm sát vách nhà ông Tuấn, mỗi khi ông lên cơn, bà Vải là người gọi điện báo tin cho ông Hải biết, bà cũng là người nhận tiền trợ cấp của chính quyền để lo cơm nước cho ông Tuấn hàng ngày.

Người trong làng kể lại, hồi còn thanh niên, ông Tuấn đẹp trai, dáng người săn chắc to khỏe, chả thế, cả đợt tuyển quân của tỉnh năm đó, chỉ có ông Hải và ông Tuấn được chọn vào binh chủng đặc công.

Ngày nhập ngũ, ông Tuấn háo hức tòng quân mà không để ý một đôi mắt huyền cứ nhìn ông tha thiết. Người con gái ấy âm thầm lóc cóc đạp xe tiễn ông hơn chục cây số tới chỗ nhận quân, nhưng lại e thẹn chẳng dám tới gần...

Rồi vẫn người con gái ấy, giữ mãi trái tim thầm yêu đợi ông về nhưng ông đâu cảm nhận được tình cảm của bà. Lỡ thì, bà được đoàn thể phân công chăm sóc một anh thương binh nặng mù hai mắt về làng, sau đó lại vun vén để bà lấy làm chồng.

Sau đợt huấn luyện, đơn vị hai ông được điều chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc này, quân và dân ta đang giành những thắng lợi liên tiếp. Cuộc kháng chiến thống nhất đất nước sắp đến ngày toàn thắng.

Tiếp nối truyền thống hào hùng của bộ đội đặc công Rừng Thác, hai ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt, bất ngờ thọc sâu, đánh hiểm vào các cứ điểm, cơ sở hạ tầng của ngụy, tiêu diệt nhiều quân địch và khí tài quân sự của chúng.

Rất nhiều đồng đội của các ông đã anh dũng hy sinh, nhưng các ông vẫn may mắn lành lặn trở về. Chỉ tiếc, nếu ngày về của ông Hải là niềm vui trọn vẹn của gia đình, thì ngày đoàn tụ của ông Tuấn với người mẹ đau đáu chờ mong, bỗng chốc lại đượm một nỗi buồn riêng.

Ban đầu, chỉ thấy ông Tuấn luôn ủ rũ, ít nói, ngại giao tiếp với mọi người. Đêm đến, ông không ngủ mà ra bờ ao cuối xóm hút thuốc cho đến sáng. Rồi tới một ngày, ông nói năng lảm nhảm, vùng chạy khắp xóm, leo trèo từ cành cây này sang mái nhà khác.

Mẹ ông nhìn con khóc nấc. Tưởng như bà suy sụp sau cú sốc ấy, nhưng rồi, như một bản năng sinh tồn tự nhiên, bà trở thành cây đa cổ thụ, cằn cỗi mà vững chãi làm chỗ dựa cho ông.

Dòng tộc nhà ông Tuấn ba đời ở cái làng này không có mả điên. Bệnh viện thuốc thang không khỏi, mấy tay lính phục viên về làng khẳng định như đinh đóng cột: Bệnh tình của ông Tuấn chỉ còn cách lên Hòa Bình, tìm một ậu lang (thầy giải bùa) cao tay sẽ khỏi.

Họ nghi ngờ với cái mã đẹp trai như thế, ông Tuấn đã bị một cô gái dân tộc nào đó bỏ bùa yêu. Chẳng là, đơn vị ông hành quân nay đây mai đó suốt dọc dài đại ngàn Trường Sơn, cùng ăn, cùng ở nhiều tháng với đồng bào dân tộc, biết đâu lại có cô nào thầm yêu trộm nhớ?!

“Vớ vẩn”! Ông Hải cụt lủn đúng hai từ đó khi một lần, bà Vải bóng gió muốn ông đi tìm ậu lang cho ông Tuấn. Ông cầm lấy cái điếu cày ở góc nhà rít sòng sọc rồi thả khói mù mịt lên trời. Mắt ông nhìn theo làn khói mà nhớ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Bộ đội Rừng Thác sống trong rừng ngập mặn có ba mối nguy rình rập: Bom đạn địch, cá sấu và muỗi. Ngày mới vào Rừng Thác, Tuấn bị lây sốt rét, phải nằm điều trị tại quân y trạm. Tuấn đúng là có số đào hoa, đi chữa bệnh, thế nào lại chiếm được trái tim của cô y tá xinh đẹp tên là Út Hương. Những lúc rảnh rỗi, Tuấn thường đi nhờ thuyền vào trạm gặp người yêu.

Những ngày đầu tháng Tư năm một chín bảy lăm, bộ đội đang áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Tuấn đến trạm y tế tạm biệt người yêu, vì ngày mai, đơn vị của Tuấn nhận nhiệm vụ mở đường đánh vào trung tâm thành phố. Đến giờ quay lại đơn vị thì không có thuyền ra. Út Hương xin phép trạm trưởng lấy thuyền đưa người yêu về.

Bất ngờ, địch điên cuồng pháo kích vào Rừng Thác. Không may, một quả đạn pháo nổ tung gần đó làm thuyền lật úp. Út Hương bị trúng đạn pháo ngã xuống kênh rạch, còn Tuấn thì văng lên một bụi cây.

Tỉnh lại, Tuấn thấy trên mặt nước nổi lên bốn năm cái đầu cá sấu đang tranh mồi. Màu đỏ nhuộm loang lổ, xa xa là chiếc áo của Út Hương lập lờ trôi. Bất chấp nguy hiểm, Tuấn lao xuống dòng nước bơi về phía chiếc áo, nhưng vô vọng!

Đã từng trải qua nhiều trận đánh, chứng kiến đồng đội hy sinh, nhưng sự ra đi bi thương của Út Hương, người con gái mà ông yêu thương là cú sốc tâm lý ám ảnh Tuấn suốt cuộc đời.

Trong hành trang trở về ngày thống nhất đất nước, có một kỉ vật thiêng liêng mà Tuấn cất kĩ dưới đáy ba lô, đó là chiếc áo bà ba của Út Hương. Chưa ai được nhìn thấy chiếc áo đó, trừ ông Hải. Đó là mối tình đầy sâu nặng ông ôm ấp giấu kín trong lòng, chẳng muốn chia sẻ cùng ai.

Chiến tranh là thế đó, chiến tranh không chỉ để lại những vết thương trên cơ thể, mà còn cả những vết thương lòng không thể lành trở lại, luôn giày vò tâm trí những cựu binh như ông Tuấn.

Thương đồng đội, ông Hải nguyện giữ trọn lời hứa với bà mẹ già đã khuất của Tuấn để suốt đời đi theo bảo vệ ông Tuấn mỗi khi ông lên cơn tâm thần.

***

Một tháng nay, ông Hải thường xuyên bị đau nhói bên mạn sườn phải, cơn đau tăng dần. Bà Lý giục chồng đi khám, nhưng ông viện lý do nấn ná không chịu đi. Rõ ràng ông Hải có bệnh trong người, bà Lý thấy dạo này ông gầy xọp, da dẻ vàng vọt. Lo sợ điều chẳng lành xảy đến với ông Hải, bà Lý gọi điện thoại vào Bình Dương triệu thằng út về đưa ông đi bệnh viện.

Nhìn tờ kết quả xét nghiệm, ông Hải cứ thở dài thườn thượt. Ông không lo cho ông mà lo cho Tuấn, sắp tới ông phải nhập viện điều trị dài ngày, Tuấn lên cơn, bỏ nhà đi, ai sẽ bao bọc, chở che cho nó!?

Chỉ có bà Lý là người hiểu nỗi lòng của ông Hải lúc này, bà không chì chiết ông, mà nhẹ nhàng động viên: “Ông cứ yên tâm điều trị bệnh cho khỏi, đừng lo cho chú Tuấn, thằng út sẽ thay ông làm chuyện đó!”.

Thằng út nghe mẹ nói, liền tiến đến nắm chặt bàn tay gân guốc của bố: “Con nghĩ kĩ rồi, bố mẹ đều đã già yếu, con sẽ không đi làm xa nữa, mà tìm một việc gần để có điều kiện chăm sóc bố mẹ. Còn chú Tuấn, bố cứ yên tâm. Con hứa với bố, sẽ trở thành một cận vệ trung thành của chú ấy...!”.

Ông Hải mỉm cười khi thằng út dùng từ “cận vệ”. Ông gật đầu và tin vào lời hứa của con trai. Với vóc dáng cao to, trẻ khỏe, khuôn mặt khôi ngô, nhất định nó sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà ông giao phó.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan
Truyện ngắn: Bến sông vẫn đợi
Không biết gia đình tôi làm nghề chài lưới trên sông từ bao giờ, chỉ biết rằng tôi sinh ra trên một con thuyền.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn: Cận vệ