Gia Bình, học sinh lớp tôi chủ nhiệm năm mới về trường huyện. Trước đó, tôi dạy trường tư thục ở thành phố được 5 năm.
Học sinh trường tư đâu phải dễ trị. Nhưng suốt 5 năm đó, tôi cũng chưa phải từ chối một học sinh bao giờ. Vậy mà về trường công nổi tiếng học trò ngoan, tôi lại phải đau đầu với một học sinh cá biệt.
Gia Bình làm tôi ăn không ngon, ngủ không yên với cái tính quậy, mà quậy tới bến.
Dù trước khi nhận lớp, tôi đã được các cô thầy cảnh báo, lớp có học sinh cá biệt, cá biệt của cá biệt luôn. Là Gia Bình, cậu từ trường chuyên, bị chuyển xuống vì quá quậy ở trường cũ.
*
Giờ chào cờ đầu tiên, cô hiệu trưởng bảo tôi xuống kiểm tra sĩ số lớp, Gia Bình hình như trốn tiết ngồi trên lớp, đó là theo lời cô hiệu trưởng tinh tường.
Tôi lên lớp, em ngồi đó với đôi mắt nhìn bất cần vào tấm bảng đen lem nhem trắng chưa bôi bảng. Em không chào tôi. Chỉ hơi cúi mặt, rồi lảng đi chỗ khác. – Gia Bình, sao em không xuống chào cờ? Một sự im lặng. – Gia Bình, em ổn chứ? – Tôi lặp lại.
Vẫn là sự im lặng và lặng thinh. Tôi biết sao được. – Tôi ngồi xuống, bên em, nhìn thẳng vào mắt em, tôi bắt gặp một ánh mắt vô hồn, bất cần khiến tôi thấy thắt ở ngực. Trước ánh mắt ấy, tôi chỉ còn cách nhường em. Tôi đặt tay mình lên bàn tay phải đang gõ gõ trên mặt bàn của em trong khi bàn tay kia vắt hờ kiểu ngồi ngửa người sau ghế.
Tôi nói: - Thôi được, hôm nay có thể em có chuyện buồn gì đó, nhưng chỉ lần này thôi nhé. Cô mong lần sau em sẽ xuống chào cờ cùng các bạn. Cô cũng mong khi cô hỏi thì nhận được câu trả lời. Và cô còn mong em nhìn vào mắt cô, khi cô hỏi. Tôi nói, vừa siết chặt hơn bàn tay em, bàn tay lạnh tanh của một sáng mùa Thu đến sớm.
Tôi thưa với hiệu trưởng, Gia Bình mệt. Giờ chào cờ đó, đôi mắt trò Bình làm tôi nhớ người bạn của mình thuở cắp sách tới trường, người bạn bị trầm cảm nặng vì chuyện gia đình.
Tâm lý bạn ấy rất thất thường, khóc cười như chuyện ăn, uống, vệ sinh hàng ngày vậy. Khi thì nói nhiều, khi thì suốt ngày, suốt mấy ngày liền không nói câu nào. Rồi người bạn ấy đã bỏ đi, và không ai biết là bạn ấy đi đâu.
Tiết sinh hoạt chủ nhiệm đầu tiên, cả lớp đều đứng lên chào tôi. Trừ Gia Bình.
Tôi không mời cả lớp ngồi xuống và bảo Gia Bình đứng lên, như ở một số lớp khác có trường hợp tương tự. Mà tôi chỉ nhắc chung: - Thật khó khi ai đó ép ta nói điều ta không muốn nói, cũng không dễ khi ta không muốn chào mà cứ ép ta chào.
Nhưng cô nghĩ, chỉ cần các em nghĩ rằng, thoáng nhìn nhau dù chỉ mất 10 giây đầu giờ, 10 giây cuối giờ cũng đủ để chúng ta cảm thấy còn muốn gặp lại nhau. Đến cuối giờ, Gia Bình đã đứng dậy chào. Và tôi biết, bằng cách nhẹ nhàng ấy, mình đã thành công.
Nhưng học trò cá biệt không chỉ một lần suy nghĩ và hành động khác người.
Gia Bình ngồi trong lớp siêu quậy. Hết nói chuyện rồi chơi trò, khi thì lấy dây chun bắn bạn, lúc lại xé vở gấp những ngôi nhà, mà ngôi nhà ấy đẹp thật, khiến các bạn mất tập trung.
Gia Bình hầu như không chép bài. Tôi thuyết phục. - Môn Văn vốn là môn thi tốt nghiệp, dù rằng em chọn khối A, nhưng cô muốn giờ học của cô em phải ghi chép, phải nghe giảng.
Tôi thẳng thắn khi Bình không chú ý. Hơn một lần tôi gọi em đứng dậy nhắc lại lời tôi, hay trả lời câu hỏi, dù là câu hỏi khó em cũng suy nghĩ rất nhanh và trả lời khá chính xác. Và tôi biết cách làm của tôi không hiệu quả.
Em quá thông minh. Thực ra thì em yêu cầu cao hơn. Biết thế, tôi thường đặt những câu hỏi cao hơn, và sau đó em có hứng thú hơn. Có giờ kiểm tra, tôi phải cho em đề riêng, vì đề chung cả lớp ai cũng làm được thì Gia Bình sẽ không làm bài.
Em quậy đến mức tôi phải kỉ luật trước lớp, rồi kỉ luật trước trường. Dù tôi biết, khiển trách, kỉ luật một học trò trước lớp, trước trường sẽ không thể là cách Giáo Dục có tính giáo dục. Không thể bằng cách bêu xấu một người để mong người đó tiến bộ.
Nhưng tôi buộc phải làm thế vì nếu không các học trò khác trong lớp sẽ phá tới cùng khiến tôi không thể kiểm soát được. Cách kỉ luật học trò trước trường không khiến Gia Bình tiến bộ, chỉ là răn các bạn khác, có chăng chỉ vậy.
Rồi Gia Bình lại tiếp tục gây sự. Lại một giờ chào cờ khác, tôi phải đứng kèm vì em sẽ làm trò khiến lớp tôi bị trừ hết điểm thi đua. Vì Gia Bình sẽ làm hư các bạn trong lớp. Vì Gia Bình sẽ không để yên cho lớp. Rồi giờ sinh hoạt, tôi kêu những học trò nào vi phạm nội quy trường tuần qua, tự động phê bình và tự phê giờ chủ nhiệm này.
Gia Bình viết lên bảng cả dãy những lỗi, cả những lỗi không ai bắt khai như: Nhìn lén vòng 1 của bạn gái xinh trong lớp. Như ghét cô giáo dạy Thể dục vì nói to, hoạt động hơi nhiều, không nữ tính… Rồi em viết: Đêm về em hay mơ tới người con gái mà em thích. Rồi em từng nghĩ, muốn tới đốt nhà cô hiệu trưởng vì cô đề ra những quy định nghiêm ngặt quá, như lấy đi cả tự do của học sinh…
Sau tiết chủ nhiệm là 2 tiết Văn liên tục, tôi đuối với việc trị Gia Bình. Cảm giác chung như các giáo viên chủ nhiệm khác, là sau tiết sinh hoạt chủ nhiệm không còn hứng thú giảng bài, vì bực, vì buồn, vì mệt, và vì vô vàn lý do khác. Tôi cũng vậy.
Một hôm, sau tiết chào cờ và sinh hoạt chủ nhiệm, tôi vừa bước chân vào lớp sau giờ ra chơi, Gia Bình đã nói: “Nhìn cái mặt thấy ớn”. Cảm giác như bị dội một gàu nước lạnh vào mặt, tôi bình tĩnh. Tôi không phản ứng lại. Tiếp tục bài giảng đã chuẩn bị kĩ, nhưng tiết giảng đó tôi thấy như quả bóng bị thủng lỗ nhỏ, chỉ chờ tự xẹp mà không nghe tiếng thở dài nào.
Dù mệt nhưng vào giờ học tôi vẫn ráng hết lòng với bài giảng. Vài học sinh tinh tế mới nhận ra. Chính Gia Bình đã tạo cho tôi thử thách mà với 10 năm tuổi nghề tôi vẫn phải nói “giá như”.
Tôi vẫn cố gắng, làm như không có vấn đề gì. Về nhà soi lại mình trước gương, thì ra thấy mình hơi khó ưa thật. Tôi đã mặc cả một bộ áo dài màu đen. Từ đó tôi không hề mặc lại bộ đồ đó nữa.
Và tôi nghĩ, hay là không phải vì Gia Bình cá biệt, mà vì tôi quá khắt khe? Nhưng các cô thầy bộ môn đều nói về Gia Bình, đâu phải riêng tôi. Tiếp tục, Gia Bình vi phạm hết nội quy này rồi đến quy định khác, chẳng bao giờ em để cho lớp được yên ổn. Điểm thi đua của lớp, có khi âm cả trăm điểm, vì một học trò quậy.
Thấy nản! Tôi phải có cách chứ. Chẳng lẽ cứ để một con sâu…, bao nhiêu bạn khác nỗ lực, hoạt động các phong trào vì lớp. Bao nhiêu bạn thấy xấu hổ vì lớp mình toàn đứng hạng đầu dưới lên… Tôi phải có cách.
Tháng cuối học kỳ I là tháng “hạn” của tôi trong công việc chủ nhiệm. Tôi buộc phải đưa Gia Bình ra Hội đồng kỉ luật học sinh, vì lỗi đánh nhau. Em kéo thêm hai người bạn nữa, đánh một bạn nam lớp trên với lý do là: Ham học quá, lúc nào cũng sách, cũng vở, cũng thư viện với cọng kính cận lù lù.
Hai mắt đít chai. Đó là tôi thuật lại, theo đúng lời của Gia Bình khi hỏi lý do đánh bạn. Trước đó em đã bị kỉ luật trước lớp, trước trường nhưng mọi hình thức kỉ luật với em cũng như không.
Dù học sinh đó chỉ bị tím mắt vì cú đánh của Gia Bình nhưng tôi phải đề nghị kỉ luật em, hình thức nặng là đuổi học.
Trước thầy hiệu trưởng, trước Hội đồng kỉ luật, tôi chắc chắn là không có cách giáo dục Gia Bình, tôi chịu thua trước em. Em là học trò hư hỏng.
Từ khi Gia Bình nghỉ học, thú thực tôi thấy như nhổ được cái gai trong mắt, như trút được gánh nặng thật nặng trong lòng, các tiết sinh hoạt chủ nhiệm sao mà nhẹ nhàng đến thế.
Hai tuần trôi qua, tôi không có tin gì về người học trò cá biệt của mình. Tôi cũng chẳng cần bận tâm cho mệt. Sau đó, tôi được tin em bỏ nhà đi. Em đi đâu không ai biết. Cha em cũng không biết.
Em đã mượn xe bạn rồi bỏ đi.
Một ngày gần, cô hiệu trưởng báo Công an Bến Lức (Long An) gọi điện báo đang giữ Gia Bình, học sinh của trường. Trong đầu tôi lù mù hiện lên hình ảnh trại cải tạo phục hồi nhân phẩm ở Bến Lức mà tôi đọc trong báo Pháp luật lâu rồi. Tôi hình dung em bị tống vô đó. Vùng vẫy với phòng biệt giam như Andy trong Nhà tù Shawshank mà tôi từng đọc của Stephen King. Andy có hồn tự do nên biệt giam anh vẫn như vị thiền sư, còn Gia Bình của tôi… xanh lè và non chẹp. Ngợp đến… tức thở.
Tôi thấy tim mình nhói như có búa nện vào đá. Tôi lại cảm thấy mình sụp đổ, chính mình đã đẩy em vào cảnh ngộ ấy. Lòng tôi nặng như có tấn sắt đè lên ngực, thỉnh thoảng nghĩ về em, tôi lại có cảm giác nhói phía ngực, mỗi lần nghĩ và một lần điếng. Như người bệnh tim? Tôi cảm thấy ăn năn. Tôi cảm thấy thất bại. Từng là giáo viên chủ nhiệm giỏi, nhưng giờ thì tôi đã cảm thấy mình thất bại.
Thất bại là khi, dù gián tiếp, dù vô tình đẩy học trò cá biệt đến không còn sự lựa chọn. Thất bại là khi tôi đẩy em ra khỏi sự kiểm soát của mình, chỉ để bản thân được trút gánh nặng. Lòng tôi càng nặng nề hơn khi tìm hiểu tôi biết ba mẹ em ly dị, em ở với ba, mẹ em theo người khác dưới miền Tây.
Em bỏ đi là đi tìm mẹ. Em mượn xe bạn cắm, lấy tiền đi tìm mẹ dưới miền Tây. Rồi em hết tiền. Em làm bậy, ăn cắp đồ của người ta rồi bị bắt. Lúc đầu công an hỏi em không chịu nói gì. Bảo cha mẹ ở đâu em không nói, rồi hỏi mãi báo tin cho ai em cho địa chỉ trường. Sau đó, công an kể lại hỏi “em làm gì?”, em nói “đâm thuê chém mướn”.
Công an lại hỏi băng nhóm nào, em tỉnh bơ: “Băng nhóm Không Gia Đình”. Với thái độ bất cần, đôi mắt vô hồn bâng quơ của em, công an có tra hỏi vậy cũng là điều không ngẫu nhiên. Mãi sau, tôi mới biết em là con ông đồ tể. Hàng ngày, em phải dậy sớm phụ ba mổ heo. Đổi lại, em có tiền đóng học, có tiền chơi game khi em thích. Và tiền em trang trải cuộc sống như cách em thích.
Mọi chuyện xảy ra với em rồi cũng qua với sự bảo lãnh của cô hiệu trưởng. Dù rằng lúc em vi phạm pháp luật, em đã không còn là học trò của trường. Cô hiệu trưởng nói “em đã nhận là học trò của trường thì không có gì trường lại chối bỏ em trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó”. Tôi hiểu cách ứng xử của cô.
*
Sau một tháng Gia Bình nghỉ học, trong tiết học buổi sáng hôm đó, tôi nghe có tiếng gì xào xạo phía cửa sổ, ngoài tường. Ánh mắt của các học trò bớt chăm chú tới bài giảng. Dường như chúng đang phân tâm, tôi tưởng là tại có cô lao công hay bác bảo vệ đang làm gì đó ngoài cửa sau phòng học. Tôi cứ mải giảng bài, chợt có tiếng hắt hơi phía sau cửa sổ. Tôi nhìn ra. Là Gia Bình.
Ánh mắt em mới tha thiết làm sao. Nếu trước đây ánh mắt em bất cần bao nhiêu thì nay ánh mắt ấy thiết tha bấy nhiêu. Nó tựa làn gió nhẹ làm xôn xao đám dương liễu bên góc sân trường. Dường như nó lung linh như vì sao trời đêm trăng muộn. Em hơi cúi ánh mắt làm cho vẻ mặt bất cần hàng ngày thay thế bằng vẻ thư sinh của học trò cận không chịu mang kính bao giờ.
Cảnh tượng xưa nay hiếm đó làm tôi chùng lòng. Thú thực các bạn cũng rất nhớ em, chính tôi thấy em trở lại cũng xôn xao lòng, muốn xoa đầu để làm an lòng em. Để em biết rằng cô và các bạn vẫn rất nhớ em.
Nhưng tôi nghiêm mặt. Không để lộ cảm xúc thật của mình. Chỉ để răn đe các học trò khác, trò hư sẽ không dễ được tha thứ.
Gia Bình thiết tha, tay vẫn bám chặt lấy thành cửa sổ, chân nhón phía dưới khiến hàm mặt em gác vào thành dưới cửa sổ, ánh mắt đã ngước lên, để nhìn chăm chú, thiết tha vào tôi khiến đôi mắt vốn to, hơi lồi chút càng to hơn. Đồng tử em như giãn nở tột độ.
Tôi đọc được ở đó không chỉ là tình cảm nhớ cô thương bạn, mà cả sự ăn năn. Nhưng quá muộn rồi. Em thiết tha, vừa nhún nhường vừa nhỏ nhẹ: - Cô, cô ơi, cô đừng đuổi em đi, cô đừng báo cô hiệu trưởng nhé. Cô, cô cho em đứng đây nghe cô giảng bài chút, cho em nhìn các bạn chút, em nhớ cô với tụi nó lắm.
Có bạn ngồi dưới lớp kêu lên: “Bình ơi, Bình…” rồi mọi ánh mắt đổ dồn cả về phía cửa sổ. Ai cũng như muốn biết thêm tin tức về Bình. – Nhìn nó gầy quá. Có tiếng thốt lên.
Có bạn xin cô đi vệ sinh chút. Và tôi biết nó sẽ chạy ra ôm lấy thằng bạn cá biệt đó. Thấy thương học trò quá. Lần đầu tiên tôi thấy hối hận. Giá như tôi đừng đuổi học em. Giá như tôi chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh gia đình em, chắc đã không đẩy em vào cảnh này.
Nhưng cứ để em ở trong lớp sẽ ảnh hưởng đến các học trò khác. Tôi vẫn phải nghiêm khắc. “Các em đừng bao giờ làm một con sâu làm rầu nồi canh. Mọi việc các em làm tự các em nhận hậu quả. Hãy nhớ điều đó. Đôi khi cuộc sống không khoan dung như cha, mẹ các em đâu.
Muốn sửa lỗi cũng phải đánh đổi nhiều thứ, mất đi nhiều thứ. Cho đến khi các em có ông chủ khó thì mới nhận ra cô thầy đã tận tâm tận tụy như thế nào. Mọi thứ còn chưa muộn, nhưng nếu không tỉnh ngộ thì sẽ là quá muộn”, Gia Bình vẫn đứng đó, lặng im nghe tôi chửi khéo.
* * *
Sau đó tôi xin cho em về học ở trường tư, nơi bạn tôi dạy.
Trên bầu trời một tối cuối Hạ, tôi bỗng nhìn thấy vì sao chổi lóe lên với cái đuôi sáng rực, vụt tắt trong khoảnh khắc. Vì sao chổi linh thiêng ơi, hãy cho học trò Gia Bình một sự lạc quan. Tôi ước mơ hồ như vậy. Tôi tin, chỉ cần có thái độ lạc quan, Gia Bình sẽ tiến bộ rất nhanh.
Chỉ cần em lạc quan, mọi buồn phiền trong cuộc sống chỉ càng làm cho em mạnh mẽ thêm. Chỉ cần em lạc quan, em sẽ yêu mỗi buổi học. Tôi muốn gửi tới Gia Bình lời xin lỗi và niềm tin: Có một thời người da đỏ ở Mexico, thậm chí tổ tiên chúng ta còn CẦU XIN muông thú và chim chóc tha thứ trước khi giết chúng để làm thức ăn.
Chỉ cần em lạc quan, em có khả năng tự thanh lọc tâm hồn mình để tự lèo lái cuộc đời em dù từng có những cơn sóng thần trong đại dương tâm hồn em. Một người bề ngoài lạnh lùng, bất cần như em thường mang một trái tim nhạy cảm, dễ tổn thương. Nhưng mỗi vết thương là một nấc thang để em định vị được bản lĩnh của mình.
Ngoài trời, có gió lay động muôn cây. Gió vẫn thổi về phía gió đến. Gió vẫn đi về phía không phương hướng, nhưng tôi tin gió luôn đi đúng đường. Những ngọn gió chúng có cách nhận đường rất nhanh và đi đúng hướng.
Học trò cá biệt, cũng như những ngọn gió, nếu đã từng đi lạc thì cũng rất dễ nhớ đường về. Gia Bình, tôi tin em sẽ sớm tìm lại được sự lạc quan và hướng đi bình thản cho mình giống như Andy tự do ngay trong ngục Shawshank vậy.