Truyện ngắn 'Láu' của Linh Linh

Truyện ngắn của Linh Linh | 24/10/2022, 15:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Mấy cô 'liễu yếu đào tơ' bị đâm, quay lại chưa kịp phản ứng thì Láu đã vằn mắt quát: 'Đi kiểu gì thế? Đi trước không chịu nhìn người đằng sau gì cả'.



Láu, vâng, tên cúng cơm của nó là Lều Văn Láu lớn lên trong kỳ vọng của một gia đình “cơ bản”, không giàu có gì nhưng tem phiếu đủ ăn, đủ mặc hơn ối con nhà khác. Bố mẹ nó bận đi làm, lúc đó chả có chuyện học thêm học nếm gì, bố mẹ cũng không phải “yêu lấy thầy” theo kiểu sau này nên cái nguyên lý phối hợp “nhà trường - gia đình” hầu như không được thực thi cụ thể lắm.

Nhưng phải công nhận nó là đứa sáng dạ, biến báo cũng gọi là tài. Nó mải chơi, nghịch ngợm, lười học nhưng chỉ cần nghe mấy đứa cùng “truy bài” một lúc là nó đã thuộc được kha khá, bị gọi lên bảng chả được 7 - 8 bao giờ nhưng cũng không đến nỗi dưới trung bình.

Nó còn bày trò trêu bọn con gái như bôi kếp xuống chỗ ngồi để bọn con gái dính quần vào ghế, khóc dở mếu dở hoặc lấy chỉ buộc tóc đứa bàn trước rồi thòng chỉ xuống ô để lọ mực, buộc ngang cái thước kẻ vào đó, hết tiết học đứa bàn trước đứng lên thì bị giật tóc ngược lại phía sau… Bọn cùng lớp rất ghét nó nhưng cũng có đứa thích vì nó đá bóng giỏi.

Cứ nhúc nhắc vậy rồi nó cũng vào được đại học. Trường nó không có sân bóng nên mấy đứa thường phải đi xe đạp xuống Đại học Sư phạm đá nhờ. Có lần nó thấy mấy đứa con gái Sư phạm đang đi bộ phía trước liền tăng tốc xe đạp đâm thẳng vào người một đứa.

Mấy cô “liễu yếu đào tơ” bất ngờ bị đâm, quay lại chưa kịp phản ứng thì Láu đã vằn mắt lên quát: “Đi kiểu gì thế này? Đi đằng trước không chịu nhìn người đằng sau gì cả?!”. Vậy mà mấy nàng cũng líu ríu “em xin lỗi anh, em xin lỗi anh”.

Láu cười vang rồi thản nhiên lên xe phóng đi. Có một chuyện hy hữu mà Láu bảo “thắng lợi vượt ngoài dự kiến” trong một buổi thi. Hôm ấy lớp nó thi vấn đáp, nó vào bốc được đề không khó nhưng vì không ôn kỹ nên chỉ làm được vài ý. Khi thầy gọi lên chỉ ọ ẹ được chút, thầy gợi ý mãi cũng không nói thêm được nên hạ bút cho hai điểm vào cạnh bài (lúc này đại học chấm điểm 5).

Thấy Láu trả bài xong ra cửa, mấy đứa xúm lại hỏi thế nào? Láu lủng bủng trong mồm: “Mẹ nó, tao làm thế mà nó chấm cho tao đ. ra gì cả”. Không may, mà là may cho Láu, thầy cũng ra ngoài đi vệ sinh, nghe thấy thế chỉ mặt Láu bảo: “Cậu nói ai là nó? Tôi sẽ đề nghị kỷ luật cậu. Sao lại có sinh viên hỗn láo thế này chứ”.

Đúng là họa vô đơn chí, cả bọn tái hết cả mặt. Láu đi đi lại lại một lúc rồi nhằm lúc thầy chưa hỏi ai liền chạy vào phòng khoanh tay xin lỗi thầy. Rằng “em trẻ người non dạ, không hiểu sao lúc đó em lại nói vậy, em không dám láo với thầy cô đâu. Thôi thì kết quả bài thi thế nào không quan trọng, em chỉ mong thầy bỏ qua cho em lỗi lầm rất đáng tiếc lúc nãy. Đây là bài học rất sâu sắc em hứa không bao giờ tái phạm ạ”.

Thầy nghe thế thì thái độ cũng dịu đi, bảo nó cứ ra ngoài. Cả bọn nán lại cuối buổi thi, thắc thỏm chờ thầy cho thi xong ra để cùng nhau xin cho Láu. Và thầy đã ra, thầy chủ động đi đến phía mấy đứa, nghe mấy đứa biện hộ cho Láu đầy vẻ thông cảm rồi bảo: “Bạn biết lỗi thế là tốt rồi. Đánh người chạy đi không ai đánh người chạy lại. Tôi tin bạn ấy đã có bài học sâu sắc. Tôi sẽ không báo cáo đề nghị kỷ luật nữa và bài bạn ấy được ba điểm thì vẫn là ba, cái gì đi cái ấy”.

Những “thắng lợi” kiểu đó tạo cho nó một niềm tin rằng chả cần cày sâu cuốc bẫm làm gì, cứ biến báo giỏi thì việc gì cũng qua.

Tốt nghiệp ra trường, mọi người được phân công công tác về nhiều đơn vị khác nhau, Láu được phân công đi một tỉnh miền Trung nhưng nó không đi. Nghe nói nó cứ vật vờ ăn bám bố mẹ, có lúc tham gia đá bóng cho vài cơ quan kiếm hộp sữa, cân đường.

***

Bẵng đi một thời gian dài, gặp lại nó thật “bảnh chọe”. Tóc húi cao, áo sơ mi kẻ giắt trong quần si-mi-li là phẳng, cưỡi con Cúp 82 kim vàng giọt lệ long lanh. Nó khoe đang làm trợ lý giám đốc một công ty xây dựng tên tuổi.

Hỏi nó là bố mày về hưu rồi mà vẫn lo cho mày được chỗ “thơm” thế à? Nó cười bảo “tao tự lực cánh sinh, lại hợp duyên với sếp, mày ơi”. Mà tự lực cánh sinh thật. Sếp công ty này rất thích bóng đá, bởi vậy mọi người phải thi tay nghề vào làm việc, còn nó thì thi… “chân nghề”.

Sếp thấy nó cao ráo sáng sủa như Cao Cường, đi bóng như Ba Đẻn, lại có quả ném biên xa như Trần Duy Long thì mê tít. Từ khi tuyển nó vào, đội bóng của công ty đá đâu thắng đó, tên công ty cũng được nhắc tới khắp nơi. Sếp bỗng thấy giá trị của nó vượt ra cả ngoài chuyện bóng banh nên càng quý, đi đâu cũng cho nó theo.

Lúc này bắt đầu xuất hiện văn hóa phong bì. Sếp là người hơi đãng trí nên nhiều lúc đến đám cưới, đám ma lại quên phong bì. Láu tinh ý, lẳng lặng chuẩn bị sẵn trong cặp mươi cái phong bì với mệnh giá khác nhau, một loại ghi “Kính viếng”, một loại ghi “Chúc mừng”, tất nhiên là phía trên ghi tên sếp. Khi cần kíp thì cứ tùy tình hình thực tiễn mà rút ra đưa sếp.

Láu tự tin là “tư vấn cho sếp áp dụng nhiều kỹ, chiến thuật và tiểu xảo bóng đá trong kinh doanh rất hiệu quả”. Từ động tác giả, đến bóng qua người không qua; từ đổ bê tông toàn diện đến pờ-rét-sinh tầm cao.

Rồi móc ngoặc với cầu thủ đội bạn, rồi đi đêm với trọng tài, trường hợp cần thiết thì chém đinh chặt sắt chẳng từ nan… Không ít công ty trong đó có cả những người bạn cũ của Láu lụn bại vì nó. Càng ngày, nó càng thể hiện không chỉ láu cá mà còn phàm ăn, ăn dã man, to nhỏ, sạch bẩn ăn tất, hễ có cơ hội là vồ ngay, gặm nhấm ngay.

Có người bạn cũ bảo nó một vừa hai phải thôi, nó bảo thương trường là chiến trường, chiến trường mình không giết nó thì nó sẽ giết mình, phải tinh khôn như mèo, phải biết gặm nhấm như chuột.

Nó rất khoái câu “thà phụ người hơn để người phụ mình” của Tào Tháo, lại thích câu của Đặng Tiểu Bình rằng “không cần biết mèo vàng hay mèo đen chỉ cần bắt được chuột”. Có những “trận chiến” nó sát ván để được lợi tối đa, thậm chí đẩy cả đối tác vào vòng lao lý, bạn bè, anh em “chả là cái đinh” gì cả.

Càng ngày sếp càng mê Láu, quyết định bổ nhiệm nó làm trợ lý, thậm chí còn ngầm tính toán sắp xếp nó làm truyền nhân nữa. Công ty lớn, sếp cũng tư duy làm ăn lớn nên đã động viên và tạo điều kiện cho nó học tiếp để tính kế dài lâu, khi thì học từ xa, khi thì vừa làm vừa học. Tiền học, tiền ăn, tiền lo sao có được bằng, cứ vô tư đi.

Hỏi Láu là “mày không sợ nhân quả à?”. Nó cười khà khà “mày lại lòe tao Phật pháp gì à. Đạo Phật mâu thuẫn bỏ mẹ đi ấy. Khi thì dọa nhân quả, lúc lại khuyên người ta chỉ quan tâm ngay bây giờ, tại đây thôi. Cứ mưa lúc nào mát mặt lúc ấy mày ạ”.

***

Lại bẵng đi một thời gian, thấy nó đại diện công ty tham dự hội nghị quốc tế lớn, chém gió phần phật, trong tham luận thỉnh thoảng đệm những từ chuyên môn tiếng nước ngoài làm nhiều người lác mắt.

Láu thường vỗ ngực là nó đã có sự “thay đổi về chất”. Ngạc nhiên hơn là có lần nó còn chủ trì một hội thảo lớn với biển đề “Chaiman - TS. Leu Van Lau” trước mặt. Đại biểu dự hội thảo không ít tai mắt trong giới kinh doanh thuộc lĩnh vực công ty nó, lại có cả một số ông Tây và giáo sư mấy trường đại học danh tiếng nữa.

Kỷ yếu mấy trăm trang để trong cái túi thiết kế mang dấu ấn công ty đẹp và sang trọng, cánh truyền thông chạy ngược chạy xuôi. Nó còn mời được cả một vị tai mắt đến phát biểu khai mạc, động viên. Giờ giải lao thấy nó tung tăng chỗ ti-bờ-rếch bá vai, bá cổ nhiều yếu nhân chụp ảnh tự nhiên, thân thiết.

Láu tự tin điều hành, tham luận nào nó cũng có ý kiến đưa đẩy thú vị. Hình như lĩnh vực kinh tế hay lĩnh vực kỹ thuật Láu đều có thể “tay bo”, có lúc dùng mấy câu thơ, có lúc còn lẩy cả Kiều, ra dáng hình ảnh một hội thảo tầm cỡ, có chất, có tiếng vang cả về chuyên môn kỹ thuật, cả về văn hóa.

Kể cũng tài, vậy nhưng người tinh ý sẽ thấy, khi diễn giả là chuyên gia kỹ thuật xây dựng nói thì Láu sẽ lái sang lĩnh vực kinh tế xây dựng mà khi diễn giả là chuyên gia kinh tế xây dựng nói thì Láu liền lái sang lĩnh vực kỹ thuật xây dựng. Thì ra mấy năm qua, cu cậu đã giắt lưng được cái bằng thạc sĩ kỹ thuật xây dựng và bằng tiến sĩ kinh tế xây dựng.

Cũng lại tùy tình hình thực tiễn mà rút ra. Những điều trên của hội thảo để lại dư âm cũng là đáng kể nhưng điều đọng lại nhiều hơn không chỉ đối với những người trực tiếp dự hội thảo lại là ở phát biểu của một vị khách quốc tế, mà ở ngay câu đầu tiên.

Để thể hiện sự tôn trọng chủ tọa, ông Tây này mở đầu bằng tiếng Việt rồi mới trình bày bằng tiếng nước ngoài. Gỡ băng ghi âm nguyên văn câu mở đầu là: “Kinh-thua oong - lếu - văn- láo!”. Kẻ xấu mồm cứ tán rằng vừa vào ông Tây đã “vừa kinh vừa thua” ông lếu văn láo rồi.

Sau này nhắc lại nhiều người gọi hội thảo này là “hội thảo lếu văn láo” làm nó cay mũi mãi. Nhưng “làm việc lớn không bận lòng vì chuyện lặt vặt”, cứ có danh, có tiền là có đủ thứ. Đó đây người ta đã nhắc đến nó như một doanh nhân quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, một ngôi sao đang lên.

***

Sự nghiệp của Láu thế cũng gọi là vẻ vang. Thiết tưởng cũng cần nói thêm về gia đình “cu cậu” chút. Mải mê sự nghiệp và mải mê… chơi bời, sau bảy tám mối tình vắt vai, Láu quyết định lấy vợ.

Thật mãn nguyện khi Láu lấy được chính cô bạn mà nó theo đuổi từ hồi học đại học, tuy cô bạn đã qua một đời chồng. Láu bảo “ra đường thấy cánh hoa rơi, hai tay bưng lấy cũ người mới ta”. Nó còn bảo một đại ca mà nó biết có câu rất hay là “Pơ-giô cũ hơn Thống nhất mới”.

Nó mua một biệt thự to, đẹp với hẳn một gian thờ hoành tráng (mà gọi là điện thờ mới đúng) cho vợ vì nàng bảo “anh là người kinh doanh, mà kinh doanh nhiều khi ác lắm. Không thịnh cúng thì quả báo nhỡn tiền ngay”.

Pơ-giô cũ đã có một đời chồng mà không có con. Vậy mà tình cũ gặp nhau vài tháng thì bụng đã lùm lùm. Chín tháng mười ngày mẹ tròn con vuông. Đầy tháng con, Láu cho mổ bò làm tiệc to cả trăm khách nhưng ông bà nội nhất định không đến vì “nghe bao chuyện vô đạo của nó mà khuyên bảo nó chả nghe”.

Đẻ rồi thì “nhất mẹ nhì con”, vợ nó dường như quên nó luôn. Láu thì lại lao vào “chinh chiến” cả thương trường, cả tình trường, lại gặt hái bao “chiến công”, lại làm bao người điêu đứng. Cái sự mặn mà của vợ chồng, cái ấm áp gia đình cũng “ngắn chửa tầy gang”.

Lúc Láu hơn 50 tuổi thì bị một trận “miệng nôn trôn tháo” ác liệt (xưa gọi là thổ tả thì phải) sau một bữa rượu chiêu đãi của đối tác, nghe nói có chai rượu Tây phải trả đến mấy chục triệu đồng.

Sau cú này bỗng sinh lý của Láu có chuyện, chữa trị các kiểu cũng chả đi đến đâu. Chữa trị gần chục năm rồi phát chán. Bởi “chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng” liên miên nên Pơ-giô cũ đâm chán ở nhà, chuông mõ cũng bỏ bê luôn.

Sau nhiều đêm không ngủ, thở dài thì sáng nào nàng cũng phấn son ra khỏi nhà tối mịt mới về, đêm ngủ nói mê lảm nhảm đủ thứ chuyện. Lại nữa, cô con gái đến tuổi thập tam đã cao hơn mét sáu, nét nào ra nét ấy, da trắng nổi bật màu đen đen càng ngày càng rõ ở dưới hai cánh mũi, vỡ giọng nghe ồm ồm, chỉ thích gần gũi bạn gái nhỏ nhắn, mềm mại.

Họa vô đơn chí, một số nét trên khuôn mặt Láu cũng có sự “thay đổi về chất”: Lông mi, lông mày, râu, ria của nó dài ra trông thấy và chuyển trắng tinh không còn một sợi đen. Mà lạ chưa, tóc lại đen nhánh không có một sợi bạc.

Gần đây nghe nói nó còn mọc cái răng khôn, là răng hàm bên trái. Răng này to, nhọn, sắc nhưng lại có hướng ngang nên đẩy lệch cả một bên mặt, nhìn không ra cười, không ra mếu, rất lạ. Có kẻ ác khẩu bảo “tâm sinh tướng”, nghe cũng thấy có gì đó gờn gợn trong lòng.

Lần đầu tiên trong đời, nó rất bối rối không biết xử lý một góc con người nó thế nào. Bởi rất khó coi nên nó không đi làm nữa. Nhà to có rồi, tiền cũng tích lũy được một khoản không nhỏ.

Nhưng thường thì vợ đi đằng vợ, con đi đằng con, bếp xịn toàn đồ ngoại rất ít khi đỏ lửa. Chỉ có nó thường xuyên ở nhà. Bên ngoài nhìn vào thì thấy một gia đình hoành tráng nhưng nhiều lúc Láu cứ thở dài thườn thượt, nghĩ nó chán.

Nó nhớ xưa có một sư thầy vốn là bạn của bố nó khuyên nó sớm tu nhân tích đức kẻo cuối đời nhiều tiền mà khổ vì vợ con, râu tóc. Ông còn bảo “thằng này muốn làm người có ích thì chỉ có lên chùa đi tu”.

Khi đó nó cười mà rằng “tôn giáo là mê tín, mê muội rồi thì còn làm ăn gì nữa. Mà bạc thì nhuộm, rụng thì cấy thêm, cùng lắm thì cạo trọc đi càng độc đáo”. Sư thầy thở dài bảo nó “Phật giáo chính là đạo lý sống ở đời, cháu luôn luôn muốn có nhiều, nhiều hơn cái cháu cần, nhiều hơn cái cháu đáng được hưởng nên cái tham, sân, si nặng lắm, còn đâu là đạo lý?”.

Nó bỗng thấy hoang mang. Hay bây giờ là lúc phải cạo trọc đầu? Mà với “thành tích” bất hảo bao năm qua thì liệu trời - Phật có dung không? Giờ tu còn kịp không…

Chả biết rồi nó sẽ quyết định thế nào nhưng người ta vẫn thấy sáng sáng nó ngồi một mình trước cửa nhà, mắt lim dim, tay liên tục vuốt vuốt râu, vừa tí tách cắn hạt hướng dương hoặc hạt gì đó, mùa nào thức ấy.

Dạo này nó hay nổi nóng vì chuyện không đâu, những lúc đó râu ria nó thường dựng ngược, mắt long lên, miệng gừ gừ. Có lúc thấy nó lấm la lấm lét nhìn người qua đường như vừa bị bắt quả tang cái gì đó. Nó tuổi chuột mà có người quả quyết nhiều lúc trông có nhiều nét của mèo. Chất mèo và chất chuột giao thoa, lúc cái này trội, lúc cái kia nổi. Cũng tài.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Truyện ngắn 'Láu' của Linh Linh