Tối hôm ấy, Trung và em trai trải chiếu nằm giữa sân. Cả hai cùng nhìn lên bầu trời cao rộng, ngắm những vì sao đang lấp lánh, mỉm cười.
-Bố mẹ cầm số tiền này đưa em Lan lên phố khám bệnh đi ạ!
Trung ngồi gắp từng đồng tiền lẻ từ trong bụng con heo nhựa ra vuốt lại cho phẳng phiu, lẩm nhẩm đếm… được gần 2 triệu đồng. Cậu quyết định đưa tất cả số tiền tiết kiệm được cho bố mẹ để dẫn em trai đi khám bệnh.
- Thế còn dự định mua máy laptop, lâu nay con vẫn mong ước…
Chị Liên xúc động, hai hàng nước mắt rỉ xuống hai gò má lấm tấm những đốm tàn nhang đồi mồi. Anh Cương, chồng chị ngồi bên, tay cầm điếu cày rít một hơi thật sâu và dài, phả khói thành vòng nghi ngút lên khoảng không trước mặt, nhìn con trai út lên 5 tuổi miệng ú ớ chưa biết nói mà lòng quặn đau, càng ngậm ngùi khi con trai đầu vì thương em mà quyết định gác lại dự định bấy lâu ấp ủ. Anh Cương ngập ngừng:
- Coi như bố mẹ mượn con số tiền tiết kiệm này để đi khám bệnh cho em. Đợi hết mưa, mấy công trình xây trở lại, bố sẽ đi làm. Có tiền, bố sẽ trả lại cho con để còn chuẩn bị lên thành phố nhập học.
- Bố mẹ cứ lo cho em Phong trước đi ạ. Máy tính từ từ con mua cũng được. Bà Mùi từ trong buồng bước ra, trên tay cũng cầm mấy trăm ngàn tiết kiệm được từ con cháu cho, đưa cho vợ chồng con trai dồn góp làm phí đi đường lên thành phố chữa bệnh cho cháu nội đáng thương của bà.
- Vợ chồng con cầm lấy. Việc khám chữa bệnh cho thằng Phong là quan trọng hơn tất cả. Mẹ thấy tội nó quá.
Bà Mùi nâng vạt áo thấm nước mắt, lặng nhìn về phía đứa cháu đang ngồi chơi một mình giữa nhà. Thằng bé không cười, không nói gì, chỉ chăm chú vào chiếc ô tô đồ chơi bằng nhựa, hết chạy theo xe lại cầm lên tháo bánh xe ra nghịch. Chốc chốc lại giơ chiếc xe về phía bà nội, bố mẹ và anh, miệng chỉ phát ra âm thanh “chi… chi…” lạc lõng.
Bà Mùi tự trách mình rồi trách vợ chồng con trai, vì lo việc kiếm tiền đâm ra ít dành thời gian quan tâm đến con, nên giờ thằng bé mới thành ra như thế.
Vợ chồng anh Cương chị Liên lấy nhau cũng đã gần 20 năm. Ngày cưới, hai vợ chồng tay trắng, chẳng nhà cửa, cũng chẳng có chút vốn liếng nào ngoài hơn sào vườn cha mẹ anh Cương để lại. Trên miếng đất ấy, anh dựng tạm ngôi nhà mái tôn lấy nơi che mưa che nắng. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên sau khi Trung ra đời, chị Liên không dám sinh thêm, vì sợ không lo nổi cho con.
Ai ngờ, hơn chục năm sau, chị Liên vỡ kế hoạch, có bầu. Hai vợ chồng bàn đi tính lại định bỏ cái thai vì thêm một miệng ăn giữa lúc đang đi vay đi tạm xây nhà thế này sao có thể. Bà Mùi hết lời can ngăn, khuyên nhủ hai con giữ lại cái thai. Bà bảo con cái là trời cho, bỏ đi là mang tội suốt đời. Cuối cùng, thằng cu Phong cũng được chào đời.
Số tiền phát sinh từ việc xây nhà mới cũng gần cả trăm triệu khiến vợ chồng anh Cương lại phải gồng lưng lo kiếm tiền trả nợ. Công việc thợ xây không đều như trước. Phần vì các công trình xây dựng đã bão hòa. Thêm nữa, lại bắt đầu vào mùa mưa bão, ít người xây cất. Cả nhà trông vào mỗi 5 - 6 sào ruộng bao gồm cả chiêm mùa. Nếu không làm thêm việc khác thì không thể nào xoay xở đủ cho 5 miệng ăn.
Sinh thằng cu Phong được hơn 3 tháng, chị Liên phải để con trai ở nhà cho mẹ chồng chăm sóc để lo đi làm thêm. Trung thì một buổi đi học, buổi còn lại chăn bò, cắt cỏ, bắt cua, tát cá. Ở nhà chỉ có bà Mùi và cu Phong. Bà đặt nó nằm trên giường, khi rảnh thì ngồi bên trò chuyện chơi với nó, khi bận hoặc mệt trong người thì bà để nó nằm một mình trên giường, đói thì cho ăn, no thì tự chơi, tự ngủ một mình.
Đến khi thằng bé biết đi, lúc bận công việc thì bà để nó ngồi xem tivi một mình trong phòng, lúc rảnh thì bà Mùi dắt tay cháu nội ra ngồi chơi dưới gốc thị đầu ngõ. Trộm vía, thằng bé cái gì cũng biết. Chỉ tội là vẫn chưa biết nói tiếng nào cho rành rõ.
Bà Mùi thủ thỉ trò chuyện với cháu, dạy cho thằng bé phát âm từng tiếng một, những mong cháu biết nói. Chỉ cần nó gọi tiếng “bà” thôi, bà cũng cảm thấy sung sướng mãn nguyện, lòng bà cũng vơi bớt nỗi dằn vặt, muộn phiền vì đã không dành nhiều thời gian cho nó khi còn nhỏ.
Mỗi khi bà hỏi, bà bảo nó trả lời lại, thằng bé cũng chỉ gật đầu, lắc đầu hoặc “chi… chi… chi” trong kẽ miệng. Nhìn thấy cháu uốn lưỡi khó nhọc để phát ra cho được một tiếng “bà” hoặc tiếng “bố”, tiếng “mẹ”, tiếng “anh” không được, bà càng xót xa.
- Phong ơi, ra đây anh bảo này!
Trung khoát tay em trai ra dưới gốc cây thị đầu ngõ. Thằng bé Phong cười toe, hí hứng chạy ra. Nó muốn nói gì đó nhưng không biết diễn đạt thế nào, chỉ biết nhìn lên cành thị cùng với ngón tay chỉ trỏ. Đang vào mùa thị, cây thị đầu ngõ cho lứa quả bói nhưng trĩu trịt quả là quả. Mùi hương thơm lựng. Trung nhìn lên phía tay em trai chỉ, liền đoán được ý.
- Em muốn anh hái quả thị chín cho em đúng không?
Phong nhìn anh, gật đầu lia lịa. Trung xoa đầu em trai, mỉm cười.
- Chờ anh một chút.
Tức thì Trung thoăn thoắt trèo lên cây, chọn hái những quả thị vàng và thơm nhất. Thằng cu Phong đứng dưới, ban đầu còn xòe hai bàn tay bé xíu đón lấy từng trái, sau thấy anh hái cho mình nhiều quả, nó liền ngả vạt áo ra hứng. Hai mắt nó sáng rực, vẻ thích thú khiến Trung trên cây nhìn xuống cũng vui lây.
Thằng bé Phong chọn một quả thị to nhất đưa lên mũi hít hà, mắt nhắm nghiền trông rất ngộ nghĩnh, đáng yêu. Trung ngồi bên chỉ cho em trai cách ăn thị. Hai tay Trung xoay xoay bóp nhẹ quả thị cho đến khi thịt của quả mềm ra, có một phần nứt, tạo thành khe nhỏ thì đưa lên miệng cho Phong hút. Thằng bé thích chí, hút lấy hút để, được thể cười híp mí.
Trung kể lại cho em trai nghe truyện cổ tích Tấm Cám có cô Tấm hiền lành và quả thị thơm nồng nàn. Trung cố gắng nói thật chậm, luyến láy thật rõ mỗi khi nhấn mạnh một từ, một câu nào đó trong truyện để em trai có thể nhìn vào khuôn miệng mình mà quan sát và tập nói theo. Thấy em trai tập trung lắng nghe, chăm chú nhìn, Trung càng kể một cách từ tốn.
Trung dành thời gian ngắn ngủi còn lại chơi với em trai trước khi lên thành phố nhập học. Mấy cuốn truyện cổ tích có hình ảnh mà Trung mua cho em trai tuần trước, cậu mang ra đọc đi đọc lại cho em nghe. Cũng như bà nội và bố mẹ, Trung mong sẽ có điều kì diệu xảy đến với em trai. Chỉ cần em nói được cũng là kì tích với gia đình Trung rồi.
Trung vốn tự lập từ nhỏ nên từ việc nhà, việc học hành, chẳng khi nào, vợ chồng anh Cương phải lo lắng hay nhắc nhở. Năm học nào cậu cũng mang phần thưởng và giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến về tặng bà và bố mẹ.
Từ cấp 1, cấp 2, Trung đều không học thêm. Lên cấp 3 cũng vậy. Không được đi học thêm như bạn bè, Trung dành thời gian chăm chỉ, nắm vững kiến thức trên lớp. Thời gian ở nhà, Trung xuống đồng bắt cua, tát cá, vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình lại vừa bán lấy tiền tiết kiệm. Tối về, cậu dành thời gian tự học, tự luyện thêm đề, chỗ nào không hiểu, lên lớp cậu hỏi thầy hỏi bạn.
Hè đến là dịp Trung tiết kiệm được một khoản tiền kha khá từ việc bắt cua cá, ốc ếch dưới đồng. Số tiền dành dụm, Trung đưa cho mẹ mua sách vở, quần áo đầu năm học mới.
Lên lớp 12, Trung ao ước có chiếc laptop để tiện học bài, tra cứu tài liệu nên cậu xin mẹ sẽ tiết kiệm toàn bộ số tiền từ việc bán tôm, cá để mua laptop. Nhưng vì bố mẹ khó khăn mà bệnh tình của em trai lại cần chữa trị nên số tiền bán cua, ốc, cá, Trung đã đưa cho bố mẹ. Trung tin em trai chỉ chậm nói thôi chứ không phải bị tự kỉ, thiểu năng trí tuệ hay bị câm như nhiều người vẫn bảo. Sau thời gian chùng chình, nấn ná mãi, cuối cùng, bố mẹ Trung cũng thu xếp công việc dẫn em trai lên Hà Nội thăm khám.
Kể từ ngày đi khám bệnh cho cu Phong về, cả nhà thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Ai cũng vui vì biết Phong chỉ là chậm nói. Bệnh có thể khắc phục được nếu kiên trì cố gắng.
Theo lời bác sĩ dặn, vợ chồng anh Cương phần thì cho con trai tham gia lớp học dành cho trẻ chậm nói ở nhà trẻ của thôn, mỗi ngày một tiếng, còn lại ở nhà, bà, bố mẹ và anh trai sẽ thay nhau trò chuyện, dành thời gian vui chơi với Phong.
Sớm nay, dưới bóng cây thị đầu ngõ, bà Mùi ngồi sàng sẩy mớ đỗ đen vừa phơi phóng đủ nắng. Trung hái xuống cho em trai rất nhiều quả thị chín. Thằng bé Phong chọn quả ngon nhất rồi cũng thực hành như cách anh trai đã dạy hôm trước. Hai tay nó cầm quả thị xoay xoay và bóp nhẹ cho đến khi quả thị thực sự mềm và nứt ra một khe nhỏ. Nó đưa lên miệng hút rồi ăn ngon lành. Trung nhìn em trai, mỉm cười khen:
- Em giỏi lắm. À, ít hôm nữa, anh phải lên thành phố học đại học rồi. Phong ở nhà với bà và bố mẹ phải ngoan. Tối nào, anh cũng sẽ điện về nói chuyện. Thằng bé nghe Trung nói vậy thì mặt bỗng sụ xuống buồn rầu. Nó nhìn anh trai chằm chằm, im lặng một lúc, hai mắt long lanh như sắp khóc, rồi miệng nó từ từ mở ra quãng rộng, phát ra tiếng “dạ” khiến Trung ngỡ ngàng.
- Phong, em vừa nói gì. Em vừa… trả lời anh phải không? Em nói lại từ lúc nãy xem nào?
Thằng bé thấy anh trai hỏi dồn thì bật lên tiếng “dạ” lần nữa. Trung vỡ òa sung sướng hướng về bà nội.
- Bà ơi... cu Phong... biết nói rồi này!
Bà Mùi nghe bảo cháu nội nói được tức thì bỏ cả việc sàng sẩy đậu, vội bước nhanh lại bên anh em Trung. Bà nhìn cháu trai rồi mừng mừng tủi tủi. Trung kể lại cho bà nghe tiếng “Dạ” em trai vừa thốt ra khi nãy. Bà Mùi nhẹ nhàng hỏi cháu và đề nghị cháu gọi mình tiếng “bà”. Thằng cu Phong, tay cầm quả thị, đưa về phía bà “bà… ăn..” làm bà Mùi không khỏi kinh ngạc.
- Ôi, cháu của bà.
Bà Mùi sung sướng ôm lấy cháu, xúc động không kìm được nước mắt. Lúc này vợ chồng anh Cương cũng đã đi làm về. Thấy bố mẹ từ đầu ngõ, cu Phong đứng dậy chạy ra:
- B… ô… bố… m…e… mẹ…!
Nghe nó gọi tiếng “bố”, “mẹ” anh Cương chị Liên chảy nước mắt mừng mừng tủi tủi.
Trước hôm Trung lên phố nhập học, chị Liên đã chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn thiết đãi. Cả nhà ngồi quây quần cùng nhau ăn cơm, trò chuyện. Ai cũng vui vẻ nói về những điều tốt đẹp sắp tới. Cu Phong sắp tới sẽ đến trường đi học. Còn Trung là sinh viên sư phạm, tương lai sẽ làm thầy giáo.
Chị Liên đứng dậy đi vào nhà và lấy ra chiếc laptop vừa mới mua làm quà tặng con trai trước khi con lên đường nhập học. Trung rất đỗi ngạc nhiên và vui sướng vì được nhận món quà bấy lâu mong ước. Cậu hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng bà nội và bố mẹ ở nhà.
Tối hôm ấy, Trung và em trai trải chiếu nằm giữa sân. Cả hai cùng nhìn lên bầu trời cao rộng, ngắm những vì sao đang lấp lánh, mỉm cười. Hương thị đầu ngõ theo gió bay vào, lúc thoang thoảng, lúc lại sực lên nồng nàn.