Việt Nam là một trong những nước mở cửa du lịch sớm sau đại dịch COVID-19 với kỳ vọng khách du lịch sẽ đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của kinh tế. Nhưng kết quả đã không như kỳ vọng khi năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, tuy nhiên chỉ đón 3,6 triệu lượt khách.
Nhìn sang các quốc gia trong khu vực năm 2022, lượng khách quốc tế đến Singapore đạt 6,3 triệu; Thái Lan 11,8 triệu (trong khi kế hoạch chỉ 8 triệu); Malaysia 7,2 triệu lượt... mới thấy cảnh đẹp thôi chưa đủ mà còn là dịch vụ, sự thân thiện và tiện ích dành cho du khách nữa.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó chỉ ra những hạn chế của ngành du lịch và giao nhiệm vụ cho các bộ ngành cần tăng cường quảng bá, rút ngắn thủ tục, tăng thêm thời hạn visa để thu hút du khách nước ngoài.
Du lịch đang phát triển và đã từng đạt được những con số kỷ lục. Nhưng có thu hút được khách đến mà gặp tình trạng "chặt chém", tận thu thì du khách ngoại quốc sẽ ngán ngại, khách trong nước sẽ quay lưng.
Du lịch cần nhất là ấn tượng, mà nếu ngay từ cái nhìn đầu tiên du khách đã không thiện cảm thì khó có thể làm hài lòng họ về sau.
Người ta sẽ khó có lần trở lại khi ngay từ trải nghiệm đầu tiên, họ gặp khó có visa, vừa hạ cánh không thấy nụ cười, cảnh giá cao hay phục vụ không tốt ở sân bay, đi đây đi đó thì bị "chặt" giá...
Với quốc tế, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn khi các nước có những chính sách thông thoáng và cách làm du lịch bài bản, chuyên nghiệp và dài hạn. Du lịch Việt Nam sẽ gặp bất lợi khi có những bất tiện ngay từ những khâu đầu tiên như vậy.
Cũng như gia đình tôi chưa có được một chuyến đi thật sự hài lòng khi ấn tượng xấu về một bữa ăn sáng mất ngon vẫn còn đó.