Chưa kể số tiền ngân sách đưa ra cho các dự án của Việt Nam còn nhỏ, quy trình phức tạp, chưa tạo sự hấp dẫn cho các nhà khoa học cũng như khu vực tư nhân tham gia vào, điều đó khiến tài chính doanh nghiệp đổ vào giáo dục đại học khá thấp"- Th.S Christophe Lemiere nói.
Th.S Christophe Lemiere, Trưởng ban phát triển con người, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày tại hội thảo. |
Theo Th.s Christophe Lemiere, điều mà Ngân hàng Thế giới khuyến nghị với Việt Nam là cần phải gia tăng đầu tư cho GDĐH. Bởi chi ngân sách Nhà nước cho GDĐH của Việt Nam còn thấp, cần phải bổ sung thêm 300 triệu USD mỗi năm ngân sách nhà nước cho các trường, và khoảng 117 triệu USD/năm cho việc hỗ trợ NCKH và phát triển khoa học nghiên cứu ở các trường.
Việt Nam cũng cần nâng cao tính công bằng và hiệu quả trong phân bổ ngân sách, cần phân bổ ngân sách theo hướng kết quả nghiên cứu, đối với sinh viên Việt Nam cần phải có những chương trình học bổng quốc gia mới có thể đưa ra các chương trình cho vay tốt hơn, giúp sinh viên khó khăn có điều kiện tiếp cận giáo dục bậc cao tốt hơn.
TS Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng kiến nghị: Chính phủ cần phải tháo gỡ thêm về cơ chế tài chính trong quá trình tự chủ. Phương thức đầu tư công cho giáo dục ở Việt Nam cần phải có nghiên cứu sâu hơn cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam và tình hình chung của thế giới, giao và phân quyền cho các trường trong cơ chế tài chính. Phương thức phân bổ tài chính cũng cần xem xét nâng tỉ trọng đầu tư cho giáo dục đại học.
Đặc biệt, các trường cần xây dựng chính sách cải cách tiền lương và tự chủ trong các trường đại học để gia tăng sức hút và giữ chân các nhà khoa học, giảng viên uy tín tại các trường công, tránh chảy máu chất xám ở khối công và tạo sự phát triển đồng bộ. Qua đó nâng cao năng lực tự chủ cho từng đơn vị.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Đây không phải là hội thảo đầu tiên đánh giá tổng kết về thực hiện tự chủ đại học. Nhưng hội thảo hôm nay vẫn có rất nhiều điểm mới được nêu ra.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, bản chất của tự chủ là để phát huy tối đa nguồn lực, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống…Vì vậy, các chính sách xây dựng cũng thực hiện theo nội dung này, bởi bản chất của tự chủ là phân quyền, phân quyền theo các cấp sao cho phát huy được tốt nhất các giá trị của hệ thống.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu kết luận tại hội thảo. |
"Kết quả của hội thảo cũng đã chứng minh tính hiệu quả, thành công của các trường, hệ thống GDĐH đã đạt được và thực tế đã có những bước thay đổi mang tính căn bản trong hệ thống GDĐH mặc dù chưa sâu sắc, chưa toàn diện.
Chúng ta cần phải thống nhất với nhau là thay đổi được nhận thức, tư duy, quan điểm. Trở ngại lớn nhất chính là chúng ta chưa thể thay đổi quan điểm tư tưởng, khiến việc chỉnh sửa, triển khai các văn bản chưa đồng bộ. Năng lực không phải là vấn đề đáng quan ngại, năng lực hình thành trong quá trình thực hiện, cái đáng quan tâm và cùng nhau tháo gỡ chính là thay đổi về quan điểm tư tưởng về tự chủ đại học."- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá: Quan điểm, nhận thức chưa đúng của các đơn vị hiện nay trong thực hiện tự chủ đại học là luật trao cho ta quyền gì, tăng thẩm quyền ra sao? Ranh giới giữa tự chủ với tự do, giữa Nhà nước với cơ sở giáo dục đại học, giữa cơ sở giáo dục với xã hội, với người học ra sao vẫn là điều khiến nhiều đơn vị, cán bộ quản lý còn dè dặt trong triển khai.
"Tự chủ là tự lo, nhận thức này có lẽ cần phải thay đổi, quan điểm này rất cần bản thân từng người phải thay đổi"- Thứ trưởng lưu ý.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các ban ngành, cơ sở giáo dục đại học, chuyên gia cần phải chủ động, quyết liệt hơn. Làm sao chúng ta cùng tham gia vào việc xây dựng chính sách. Bởi thực tế việc tham gia của nhiều cơ sở vào việc góp ý, tham gia đóng góp cho các dự thảo luật chưa sâu, chưa nhiều lắm.
Thứ trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh hơn truyền thông về Nghị quyết 29, để việc đánh giá tổng kết làm sao cho xã hội, người học thấy rõ những mặt tích cực, tồn tại đang có cần tháo gỡ, qua đó giúp các đơn vị nhận diện rõ hơn những vấn đề, có những nhận định, đánh giá có sức thuyết phục hơn, nhằm triển khai nghị quyết cho hiệu quả hơn.