Nếu quay ngược lại thời gian, thì làng Thổ Hà khi mới hình thành cũng lam lũ như bao nhiêu ngôi làng ở nông thôn Bắc Bộ.
Sở dĩ tôi đặt bài viết mang cái tên “Từ cổng làng Thổ Hà” là bởi tôi muốn tất cả những ai bước chân đến ngôi làng cổ Thổ Hà (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) thì hãy dừng chân ít phút trước cổng làng, chiêm ngưỡng hình hài và đọc những chữ được chạm khắc trên đó mà ngẫm được nhiều điều.
Vì tôi có một thói quen đi đến ngôi làng nào, công trình thờ phượng nào cũng thường chú ý đến cái cổng đầu tiên. Chẳng hạn, khi đến ngôi đền thờ Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư (Ninh Bình), tôi sững sờ trước bốn chữ chạm khắc trên cổng đền “Bắc môn tỏa thược” nghĩa là “Khóa chặt cửa Bắc”.
Tại sao lại phải khóa chặt cửa Bắc? Phải rồi, trước tiên là để tránh gió bấc. Còn hiểu cho hết lẽ thì không phải là bế quan, khép kín, thụ động mà ngầm chứa một nghĩa sâu xa hơn phải luôn đề phòng giặc phương Bắc!
Tôi đến cổng Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thấy hai bên có hai tấm bia đá xây mái che bên trên. Ở hai tấm bia đó đều khắc hai chữ “Hạ mã”, nghĩa là mọi người, dù là người sang hay kẻ hèn, khi đến trước cổng này hãy xuống ngựa rồi mới được vào trong chốn linh thiêng.
Lại một lần tôi đến thăm Ước Lễ, thuộc Hà Tây cũ, Hà Nội ngày nay; ngôi làng nổi tiếng về nghề làm đầu bếp, đặc biệt là nghề làm giò chả. Làng này làm ăn phát đạt nên ngay từ triều Nguyễn họ đã xây một chiếc cổng phía trước làng rất trang trọng uy nghi, từa tựa như một cổng của cung điện Huế.
Khi xây xong đã bị triều đình cử người về kiểm tra. May sao Ước Lễ có người làm quan trong triều và lễ lạt chu đáo nên được cho qua. Trên thành cổng phía từ trong làng đi ra có ba chữ đại tự “Thiếu Cao Đại” nghĩa là khuyên người làng khi ly hương, mỗi người hãy nâng tầm cao hơn một chút.
Nhận thức từ những lời dạy này, những người con Ước Lễ xa quê hầu hết rất thành đạt, nhiều đầu bếp thành công trong sự nghiệp, nổi tiếng khắp Bắc - Nam, không những thế họ còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia sang đến những phương trời xa xăm như Paris, London, New York…
Trở lại cổng làng Thổ Hà mà tôi đang nói đến. Theo các cụ cao niên trong làng thì cổng xây đã lâu, tường vách đã rêu phong cổ kính, nhưng tôi đặc biệt chú ý tới đôi câu đối phía trước cổng mà người xưa đã đề bút: “Muôn đại vinh khai nghênh khách chí” - “Lầu cao hỷ kiến viễn bằng lai”.
Nghĩa là “Cửa lớn rộng mở đón chào khách đến” - “Lầu cao vui gặp bạn xa về”. Trên mặt trước cổng còn dòng chữ: “Thổ chi tân” (nghĩa là đất thiêng bền đẹp); phía sau cổng có dòng chữ: “Hà nguyên hậu” (Nước nguồn vô tận) - ý nói phúc lộc trời ban cho làng Thổ Hà còn dài mãi.
Dường như bốn câu ấy đã thành lời linh báo, chỉ dẫn mách bảo cho ngôi làng này một tiềm năng, hướng đi và điều đó đã trở thành hiện thực: Làng Thổ Hà ngày càng giàu có, mở lòng đón đông đảo khách gần xa đến tham quan giao dịch làm ăn.
Đình làng Thổ Hà là di tích cấp quốc gia, lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, trong đó có bức Cửa Võng được xếp hạng Bảo vật Quốc gia. Ảnh: ITN. |
Nếu quay ngược lại thời gian, thì làng Thổ Hà khi mới hình thành cũng lam lũ như bao nhiêu ngôi làng ở nông thôn Bắc Bộ. Nằm bên tả ngạn sông Cầu với ba mặt liền sông, Thổ Hà giống như ốc đảo giữa bốn bề sông nước.
Nhìn ra lợi thế thương mại đó, ngay từ thời mới lập làng, người dân Thổ Hà đã không canh tác nông nghiệp mà chọn sống bằng nghề thủ công sản xuất hàng hóa. Nghề đầu tiên được lựa chọn là nghề làm gốm. Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỷ 12.
Thổ Hà cùng với Phù Lãng và Bát Tràng là ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt. Từ khi có nghề gốm, sông Cầu chảy qua làng Thổ Hà xuất hiện một thương cảng tấp nập nhất nhì của vùng Kinh Bắc.
Sự hưng thịnh của nghề gốm đã làm cho dân làng Thổ Hà dần dần trở nên giàu có, xây dựng được nhà cửa khang trang, nhất là những công trình công cộng như quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng thì rất bề thế, uy nghi. Trong số những công trình ấy có 3 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, gồm:
Chùa Thổ Hà có tên chữ là Đoan Minh Tự – Nơi thờ Phật. Căn cứ vào đôi rồng đá đặt ở cửa chùa, thì biết: Năm Canh Thìn (1580) đời nhà Mạc mua rồng đá, năm Canh Thân 1610 chùa được tu sửa lại.
Như vậy, chùa có thể được xây dựng từ trước đó. Chùa xây dựng theo kiểu “Nội Công - Ngoại Quốc”, quy mô lớn, bao gồm tam quan, gác chuông, tiền đường. Trong thời gian kháng chiến, gác chuông bị cháy hoàn toàn; còn quả chuông được lấy để đúc làm vũ khí đánh giặc.
Đình Thổ Hà - Nơi thờ Thái Thượng Lão Quân, còn gọi là Lão Đam. Đây là vị thần đã đi dẹp giặc Xích Quỷ, giúp An Dương Vương xây thành ốc và hóa ở Thổ Hà.
Ông còn có công mở trường dạy học ở làng, được vua phong là Thượng đẳng thần và Thành hoàng Thái thượng. Vua cho phép làng Thổ Hà lập miếu phụng thờ. Do vậy, dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng làng.
Đình có kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngày 13/1/1964, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 29-VH/QĐ xếp hạng đình Thổ Hà là di tích cấp quốc gia. Tại đây đang lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, trong đó có bức Cửa Võng đình Thổ Hà được xếp hạng Bảo vật Quốc gia.
Từ chỉ Thổ Hà - Nơi khắc ghi truyền thống hiếu học của làng, là di tích cấp quốc gia (Quyết định số 295/VH-QĐ ngày 12/2/1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin). Từ chỉ Thổ Hà được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, là nơi thờ Khổng Tử và 72 vị tiên hiền.
Nơi đây lưu giữ nhiều đồ thờ, hiện vật, hoành phi, câu đối, 8 bia đá rất cổ, quý, có nội dung ghi chép lại tên tuổi những người con làng Thổ Hà đỗ đạt trên con đường khoa cử. Hằng năm, vào ngày 7 tháng Giêng, ngày tuần, ngày rằm, mồng Một và các ngày đặc biệt như vào mùa thi cử, Từ chỉ Thổ Hà đón rất nhiều du khách.
Sản phẩm gốm ở làng nghề Thổ Hà nức tiếng cả nước. Ảnh: ITN. |
Hát quan họ dịp lễ hội làng Thổ Hà. Ảnh: ITN. |
Nghề làm bánh đa nem ở làng Thổ Hà. Ảnh: ITN. |
Nghề gốm sứ là nghề sinh tồn của làng Thổ Hà nhiều thế kỷ. Gốm Thổ Hà xưa không dùng men, cái thứ đất dẻo kỳ diệu ở đây được nung cho đến tự chảy men ra, bám trên bề mặt đồ nung một màu nâu óng mượt, mát lịm như nhung. Những chum vại, tiểu sành, chĩnh nổi tiếng một thời, còn giữ đến bây giờ bề mặt gốm tím sẫm, đanh lại, gõ kêu như đánh vào thép nguội.
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, dân cư trong làng phát triển, các lò gốm tốn nhiều diện tích đất và gây ô nhiễm nên Nhà nước thành lập Xí nghiệp gốm Đá Vang trên vùng đồi núi của làng Lát, cách Thổ Hà 3 km về hướng Bắc.
Toàn bộ dân làm gốm của Thổ Hà thành công nhân của xí nghiệp, ăn lương Nhà nước. Đến năm 1988, đồ nhựa từ nước ngoài tràn vào, trong nước cũng đổi mới công nghệ để sản xuất, giá rẻ lại dễ sử dụng, các sản phẩm gốm trở thành “lép vế” vì đồ gốm bằng sành vừa to vừa nặng, khó bán trên thương trường. Xí nghiệp gốm Đá Vang giải thể, đặt dấu chấm hết cho nghề gốm gần 900 năm của làng Thổ Hà.
Nhưng vốn có đôi bàn tay vàng, người dân Thổ Hà nhanh chóng chuyển sang nghề mới: Làm các sản phẩm làm từ gạo. Nhiều công nhân sau khi rời xí nghiệp gốm trở về học các nghề làm hàng từ gạo như: Bánh đa, miến, bún, các loại bánh… Chẳng bao lâu, Thổ Hà lại trở thành làng nghề nổi tiếng.
Công nghệ làm bánh đa dừa và bánh đa nem đã trở thành một đặc sản nức tiếng gần xa. Thời kì đầu làm bánh đa nướng, bánh đa nem đều phải tráng bằng tay, sau này nhờ có công nghệ phát triển mà thay bằng máy. Với món bánh đa dừa độc đáo thì cách làm khá phức tạp.
Cũng từ nguyên liệu là bột gạo tẻ, nhưng phải qua hai lượt tráng: Một lượt tráng bánh không, một lượt tráng chung với các nguyên liệu: Vừng, lạc, dừa đã qua sơ chế. Những mẻ bánh đa dừa sau khi qua lửa có màu vàng ruộm, giòn tan, khi ăn có vị thơm bùi của vừng, của lạc, béo ngậy của dừa.
Bánh đa nem Thổ Hà cũng được làm từ gạo với nhiều công đoạn như ngâm gạo, xay bột, tráng bánh và phơi, cắt như nhiều nơi khác; nhưng có sự khác biệt là mỏng và dai. Hiện nay, sản phẩm bánh đa nem ngoài tiêu thụ trong nước, nhiều gia đình làng nghề Thổ Hà đã xuất khẩu sang các quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu.
Là nơi xây dựng những công trình kiến trúc thờ tự từ rất sớm, lại có điều kiện về kinh tế, người dân Thổ Hà rất có ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa từ trong nội thất, nhưng bên ngoài thì không tránh được sự bào mòn, gặm nhấm của thời gian.
Cho dù thế, Thổ Hà vẫn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá về lịch sử, văn hóa ngôi làng Việt Nam. Khách đến đông nhất là dịp lễ hội làng. Lễ hội làng Thổ Hà đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL, ngày 27/12/2012).
Lễ hội được tổ chức từ 20 - 22 tháng Giêng hằng năm. Tại đây, quý khách sẽ được trải nghiệm canh hát quan họ thâu đêm suốt sáng của các liền anh liền chị, được xem diễn tuồng, được lên thuyền hát đối quan họ trên sông Cầu cùng nhiều trò chơi dân gian rộn ràng, làm đắm lòng người: Chơi đu, chọi gà, đánh cờ bỏi, vật, thi bơi bắt vịt…
Vừa phát triển được kinh tế, vừa lưu giữ được di sản văn hóa truyền thống, làng Thổ Hà rất ứng nghiệm và xứng đáng với những dòng chữ chạm khắc trên chiếc cổng làng.