Từ đồ án tốt nghiệp đến artbook Truyện Kiều

Trần Hoà | 14/06/2022, 15:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phát triển từ đồ án tốt nghiệp, Niayu đã hoàn thành artbook - tập thơ tranh Ký Mộng “Cùng Nguyễn Du qua giấc mộng dài”.

Hấp lực kiệt tác Truyện Kiều

Với Truyện Kiều và các thi phẩm khác của Nguyễn Du, khả năng khơi mở dường như là vô tận cho các loại hình nghệ thuật như văn chương, âm nhạc, điện ảnh, hội họa, sân khấu.

Hàng chục vở sân khấu về Truyện Kiều từng được dàn dựng và công diễn khắp nơi. Mới đây, Nhà hát cải lương Việt Nam cũng ra mắt khán giả vở diễn “Nguyễn cầm ca – Kiều” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Vở cải lương đem lại nhiều cảm xúc về cuộc đời 15 năm lưu lạc đầy khổ ải, đau thương của Kiều.

artbook-kieu-3.jpg

Ở thế hệ gen Z, Niayu là người đầu tiên tạo artbook về Truyện Kiều.

Trong điện ảnh, gần chục bộ phim về Kiều được thực hiện. Tuy khó thành công với một hình mẫu quá lý tưởng như Kiều, nhưng âm vang về Nguyễn Du vẫn khiến giới làm phim không khỏi thao thức, để làm thêm một kiệt tác như lời đáp cho câu hỏi của thi hào từ hai thế kỉ trước: “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố như”. Và bộ phim “Đại thi hào Nguyễn Du” ra đời từ đó, được công chiếu tại Huế nhân dịp Liên hoan phim lần thứ 22.

Riêng về mỹ thuật, Truyện Kiều đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ họa sĩ vẽ minh họa. Đến nay, người ta vẫn còn nhắc nhớ tới 11 họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... từ những năm 1940 đã thực hiện 11 bức tranh in trong “Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du”.

“Vẽ Ký Mộng, tôi còn lấy cảm hứng từ tranh của cố họa sĩ Lê Phổ. Những người phụ nữ trong tranh của họa sĩ luôn tạo cảm giác hài hòa mềm mại, dịu dàng như một dòng nước. Nét vẽ ấy như giữ lại những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa. Bởi vậy, tôi không tả thực theo tình huống của câu chuyện mà đi sâu vào nội tâm nhân vật”. – Hoạ sĩ Niayu (Trần Mỹ Ngọc).

Hội hoạ đương đại cũng không hiếm hoạ sĩ cố gắng tiến gần hơn với “Kiều”. Tuy nhiên, ở mỗi góc nhìn, mỗi lứa tuổi lại tạo ra những “tiếng nói riêng” để Truyện Kiều của Nguyễn Du càng thêm hấp lực.

Tuy nhiên ở thế hệ gen Z, Niayu có lẽ là người đầu tiên tạo ra một artbook về Truyện Kiều, về Nguyễn Du - từ nhãn quan vẹn nguyên phong vị cổ kính, mà vẫn tràn đầy tinh thần hiện đại.

Niayu chia sẻ: “Tôi là họa sĩ thuộc gen Z. Tôi không tự nhận mình hiểu trọn con người Tố Như hay hiểu thơ ông một cách sâu sắc. Thế nhưng trong dòng chảy bền bỉ của tiếng Việt, cũng như tự tình dân tộc là điều được ươm mầm và lớn lên một cách tự nhiên, thơ Tố Như vượt qua những rào cản của thời gian để chinh phục mọi thế hệ.

Đọc thơ Nguyễn Du, tôi luôn rung động từ trong sâu thẳm, bất kể khi đang chú tâm nghiền ngẫm hay chỉ tình cờ đọc được câu thơ đơn lẻ ở một nơi nào đó. Và như thế là tôi vẽ. Không hẳn vẽ các nhân vật của Tố Như, mà là vẽ tâm hồn Tố Như. Vẽ Tố Như trong tôi - qua bài thơ, đoạn thơ mà tôi đọc, tìm và cảm nhận được”.

Bài liên quan
Thần đồng văn học Việt dịch truyện Kiều sang tiếng Anh đạt giải Tác giả trẻ
(GDTĐ) - Du học sinh Việt tại Mỹ Nguyễn Bình, 20 tuổi vừa được Hội Nhà văn trao giải tác giả trẻ ở hạng mục Văn học dịch. Anh đã dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ đồ án tốt nghiệp đến artbook Truyện Kiều